Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TPHCM: Hàng tết vào mùa, sức mua tăng dần

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày giáp tết, sức mua tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống tại TPHCM đang tăng dần lên. So với năm ngoái, chủng loại và mẫu mã hàng tết năm nay đa dạng, sinh động hơn. Riêng đặc sản, có thể nói TPHCM là nơi tập trung nhiều sản vật các vùng miền trên cả nước, người tiêu dùng có thể mua đủ món ngon vật lạ từ Bắc tới Nam.

Bánh, mứt và các loại đặc sản tết rất dồi dào, phong phú, giá bán tương đối ổn định. Trong ảnh: Mua hàng tết tại siêu thị Co.opMart. Ảnh: UYỂN CHI

Hàng hóa cấp tập đổ về

Tại thời điểm này, hàng tết đã bắt đầu “xâm lấn” các vị trí mặt tiền, trên các quầy kệ, gian hàng của hầu hết các điểm kinh doanh. Tại nhiều khu vực như chợ Bình Tây, chợ An Đông… đã nhộn nhịp hơn nhờ bạn hàng từ các tỉnh về mua hàng. Trên các trang mạng, việc kinh doanh hàng tết cũng rất sôi động với những hình ảnh đẹp, lời rao ấn tượng…, tất cả tạo nên không khí kinh doanh tết rất đặc trưng của Sài Gòn – TPHCM.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở mặt hàng đặc sản tết, năm nay có nhiều thay đổi cả trong cung ứng hàng hóa lẫn xu hướng tiêu dùng. Đó là sự “đổ bộ” của hàng chục thương hiệu yến sào, xuất hiện dày đặc trên thị trường, thay vì chỉ “nằm yên” ở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm với bao bì đẹp, được chia nhỏ phù hợp cho nhiều túi tiền, giúp khách hàng sử dụng dễ dàng, tiện lợi trong ngày tết.

Cùng với yến sào, các mặt hàng như nem, giò chả từ Vĩnh Long, Tiền Giang… đã “tấn công” thị trường TPHCM, thông qua các cửa hàng bán hàng trực tiếp và qua người thân. Tết năm nay cũng ghi nhận xu hướng tiêu dùng mặt hàng lạp xưởng tươi ngày càng nhiều hơn, thay vì lạp xưởng khô.

Thị trường tết cũng đã xuất hiện đầy đủ đặc sản của khắp các vùng miền trong cả nước. Theo thống kê, tính riêng món bánh chưng, bánh tét đã có hơn 30 loại khác nhau được chào hàng. Ở khu vực chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình có bánh chưng ngọt quyện vị hoa hồi, chút vỏ quế, tẩm ướp với thịt heo để làm nên hương vị đặc biệt. Các cửa hàng thực phẩm miền Bắc có bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cái hoa vàng, bánh chưng cốm…

Riêng mặt hàng bánh tét của miền Tây có bánh tét lá cẩm nếp mù u, bánh tét rau ngót, bánh tét nhân chuối, đặc biệt là “bánh tét chữ” (trong mỗi đòn bánh tét phần nhân là mỗi chữ trong câu chúc xuân như Chúc, Mừng, Năm, Mới, Tài, Lộc…).

Chủ cửa hàng thực phẩm Tiến Huệ (đường Điện Biên Phủ) cho biết, hầu hết các mặt hàng đặc sản tết của miền Bắc đã được đưa vào bán tại TPHCM như hành hoa, cam canh, măng lưỡi lợn, giò chả, bánh chưng, bánh khảo, mứt tết… Do vận chuyển bằng máy bay nên giá bán hầu hết các mặt hàng này cao hơn gấp đôi so với giá bán tại Hà Nội.

Mứt tết đang bày bán tại các chợ hiện có hơn 50 loại chia thành 3 nhóm: mứt (tẩm đường nhiều), sấy dẻo (tẩm đường ít hơn 30% – 50%) và sấy khô (không tẩm đường). Trà tết có hơn 20 loại khác nhau, quen thuộc với người tiêu dùng có trà sen, lài, ô long. Ngoài ra, các điểm bán còn có trà cổ thụ Suối Giàng, Lũng Phìn, trà Hoa Hồng, Châu Long, Thiết San… với mức giá từ vài trăm ngàn đến trên 1 triệu đồng/kg.

Sức mua đang tăng dần

Theo Công ty Kinh Đô, đến nay công ty đã đạt kế hoạch tiêu thụ 4.500 tấn sản phẩm Tết Giáp Ngọ 2014, tăng 20% so với năm 2013. Cùng với việc đầu tư toàn diện cho chất lượng, mẫu mã các dòng sản phẩm, Kinh Đô chú trọng khai thác lợi thế kênh phân phối rộng khắp cả nước cũng như chủ động tổ chức hoạt động bán hàng trực tiếp, đưa sản phẩm về nông thôn, đảm bảo phục vụ đầy đủ và tốt nhất nhu cầu mua sắm tết của đông đảo người tiêu dùng.

Ngay từ đầu tháng 1-2014, Công ty Bibica đã công bố đạt 101% doanh số toàn vụ với sản lượng 1.250 tấn, tăng 10% so với năm ngoái. Riêng dòng bánh Goody của Bibica đã đạt 200% doanh số ước tính. Ông Đỗ Minh Trung, Trưởng phòng Thị trường Công ty Vissan, cho biết sức mua đối với các mặt hàng thực phẩm như lạp xưởng đã bắt đầu tăng. Riêng các mặt hàng giò chả, sức mua thường tập trung trong tuần cuối cùng của mùa tết.

Tại hệ thống siêu thị Co.opMart, từ đầu tuần đến nay doanh thu đã bắt đầu nhích lên so với ngày thường nhưng vẫn còn khá chậm so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, dự báo trong vài ngày tới sức mua có thể tăng cao hơn, tạo đà cho đợt kinh doanh cuối cùng của năm cũ.

Về giá bán, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, hầu hết các mặt hàng công nghệ vẫn ổn định. Tuy nhiên, đối với nhóm hàng đặc sản khô như khô mực, khô cá lóc, khô cá sặc tăng 5% – 10% so với Tết 2013. Riêng mặt hàng tôm khô, theo người bán, đây là năm có mức độ biến động giá lớn nhất, do xuất khẩu tôm vào những tháng cuối năm tăng mạnh nên nguồn cung trong nước có giảm đi. Hiện mặt hàng tôm khô đặc biệt tại các chợ An Đông, Bến Thành có giá 1,4 triệu đồng/kg; tôm khô loại 1 bán giá 1 triệu đồng/kg; khô mực 800.000 – 900.000 đồng/kg; giá bán loại nấm đông cô, hạt dẻ, khô bò cũng tăng bình quân từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Các mặt hàng bia, rượu, nước giải khát giá bán ổn định do sức mua hiện còn rất chậm.

Còn hơn 10 ngày nữa mùa kinh doanh tết sẽ khép lại. Hiện hàng hóa phục vụ tết rất dồi dào, phong phú. Ngoài một số mặt hàng đặc sản tăng giá theo quy luật cung – cầu và mùa vụ, đến nay giá bán hầu hết các mặt hàng tết vẫn ổn định.

Lượng hàng về chợ đầu mối tăng từ 5% – 10%

Trong 2 ngày qua, lượng hàng về 3 chợ đầu mối của TP là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức tăng nhẹ từ 5% – 10%. Tại chợ Hóc Môn, mỗi đêm lượng hàng về đạt 2.000 tấn và chợ Bình Điền là 1.400 tấn, chợ đầu mối Thủ Đức gần 4.000 tấn, chợ đầu mối Hóc Môn gần 2.000 tấn. Các mặt hàng về nhiều nhất là kiệu, hành, tỏi, củ cải trắng, cà rốt, thủy hải sản khô và trái cây. Do lượng cung hàng hóa tăng trong khi sức mua còn chậm nên tại các chợ đầu mối, giá hầu hết các mặt hàng ổn định, thậm chí giảm nhẹ. Theo ban quản lý các chợ, từ nay đến cao điểm tết, lượng hàng chợ sẽ tăng tới 70% so với ngày thường.

THÚY HẢI (SGGP)

Bình luận (0)