UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận miễn thuế nhập khẩu đối với xe buýt CNG nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới phương tiện thân thiện với môi trường này.
Xe buýt “sạch” có nguy cơ “chết” nếu không được mở rộng
CNG là khí nén, một loại hỗn hợp khí có nguồn gốc từ dầu mỏ, gồm phần lớn hydrocarbon. Xe buýt chạy bằng loại khí nén này thay dầu diesel gọi tắt là xe buýt CNG.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM thì loại xe buýt chạy bằng khí nén có ưu điểm là giá thành sử dụng khí chỉ bằng khoảng 50% so với dùng dầu.
Ngoài ra, xe buýt CNG cũng giảm thiểu rất nhiều một số khí thải độc hại ra môi trường (hydro carbon, nitrogen oxide, carbon monoxide) so với xe chạy bằng dầu diesel. Với 2 ưu điểm trên, xe buýt CNG được đánh giá là một loại xe buýt “sạch”.
Đầu năm 2010, TPHCM cũng đã tiến hành chạy thử nghiệm 2 xe buýt CNG và tiến đến mở rộng loại xe này trên địa bàn TP. Tuy nhiên, việc mở rộng gặp nhiều khó khăn do giá nhập khẩu xe buýt CNG cao hơn nhiều so với xe buýt chạy bằng diesel có cùng công suất và sức chứa.
Do chỉ có 2 xe hoạt động nên đơn vị cung cấp khí nén cũng rất khó khăn trong việc duy trì hệ thống cung cấp khí nén CNG cho xe buýt CNG và đang có ý định cắt nguồn cung nhiên liệu cho loại xe buýt “sạch” này. Do vậy, xe buýt “sạch” có nguy cơ sẽ “chết” nếu không có cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư, mở rộng.
Theo công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn thì giá mua xe buýt CNG chỉ còn 1,56 tỉ đồng/xe nếu được miễn thuế nhập khẩu, với mức thuế nhập khẩu hiện nay thì giá xe lên đến 3 tỉ đồng/xe. Do vậy, nếu được giảm thuế nhập khẩu thì giá xe buýt CNG sẽ giảm rất nhiều.
Theo UBND TP thì việc này sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại phương tiện này, giúp đổi mới hệ thống giao thông nước ta theo hướng tiết kiệm và thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng của chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được duyệt.
Tùng Nguyên / Dan tri
Bình luận (0)