Phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM “cõng” cùng lúc 18 dự án các loại. Sự chậm trễ và tắc trách của nhiều chủ đầu tư khi thực hiện dự án khiến cả trăm hộ dân ở phường bị xáo trộn.
Theo ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND phường 22, trong tổng số diện tích của phường là 188ha hiện có 18 dự án đầu tư xây dựng, quy hoạch đô thị, công trình công cộng đang triển khai thực hiện. Kế hoạch chỉnh trang đô thị của thành phố có hướng sáp nhập phường vào khu vực trung tâm thành phố.
Một nhà bị giải toả… bốn lần
Thực hiện dự án, dĩ nhiên phải giải toả và lâu nay thành phố đã thống nhất chủ trương: hạn chế tối đa việc giải toả lần hai. Nhưng đối với trường hợp ông Trần Văn Bê ở số 18A đường Phú Mỹ, phường 22 có thể được coi là đặc biệt vì có khả năng bị giải tỏa đến… bốn lần.
Từ năm 2001, hộ ông Bê và nhiều hộ khác phải giải toả để phục vụ cho việc thi công dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh. Căn nhà ông Bê bị “thẻo” một phần, một phần số tiền bồi thường được dùng để sửa sang lại căn nhà. Nhưng không lâu sau đó, do bị ảnh hưởng bởi hầm chui và cầu Văn Thánh 2, căn nhà ông Bê bị lún, nứt, buộc phải di dời khẩn cấp. “Nhà bỏ trống, trộm vào khuân đồ đi cũng không biết làm sao”, vợ ông Bê phản ánh trong một lần thương lượng mức bồi thường với đơn vị gây ra thiệt hại.
Vẫn chưa hết, năm 2006, UBND thành phố đã có quyết định thực hiện dự án đầu tư xây dựng hàng lang bảo vệ cầu Văn Thánh 2, một phần căn nhà của ông Bê lại nằm trong phạm vi giải toả. Đến nay, việc bồi thường chưa được thực hiện thì ông Bê lại tiếp tục nhận được thông tin, căn nhà ông còn sẽ bị “dính” tiếp hai dự án khác, đó là dự án cải tạo và nạo vét rạch Văn Thánh và lộ giới đường Phú Mỹ.
Ông Huỳnh Văn Ngôn, phó chủ tịch UBND phường 22 nói: “Ông Bê đề nghị được giải toả một lần nhưng chưa được giải quyết”.
Nhà dân thủng mái, nứt tường
Ở phường 22 quận Bình Thạnh, có ít nhất bốn dự án làm trên 150 nhà dân bị lún nứt, đe doạ đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Điển hình ở dự án hầm chui và cầu Văn Thánh 2 có 54 nhà dân bị ảnh hưởng. Dự án vệ sinh môi trường thành phố, lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè gây lún một con đường hẻm và hơn 70 nhà dân. Dự án nhà cao tầng của Daewon Hoàn Cầu cũng làm “lung lay” hơn 20 nhà dân.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án trung tâm thương mại và căn hộ Bitexco đã không đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, thiếu che chắn làm rơi vật nặng thủng mái nhà dân và có ít nhất 10 hộ dân đã yêu cầu bồi thường.
Trong những vụ nhà dân bị ảnh hưởng, việc giải quyết thực hiện rất chậm, có vụ xảy ra hơn sáu năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thậm chí công ty Daewon Hoàn Cầu làm nhà ông Lưu Đức Thắng “sụm”, trong lúc hai bên chưa thoả thuận xong mức bồi thường, công ty Daewon kiện ngược lại ông Thắng, buộc ông Thắng ra khỏi nhà và bồi thường cho công ty 1,5 tỉ đồng.
Ông Ngôn cho biết, phường nhiều lần kiểm tra xử phạt và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý nhưng vẫn không ngăn được những tác động xấu ảnh hưởng đến người dân, môi trường.
Vệ sinh nhếch nhác, môi trường ô nhiễm Hàng loạt các dự án ở phường 22, quận Bình Thạnh khi thi công đã không tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng để xe lôi đất đá ra đường gây bụi mịt mù. Có đơn vị thi công còn xả xà bần, cát vào hệ thống cống của đường Nguyễn Hữu Cảnh làm tình trạng ngập của tuyến đường này càng thêm trầm trọng, mỗi khi có mưa, triều cường. Ở dự án lô 13–14 giai đoạn 1 do công ty Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư được Thủ tướng giao đất từ năm 2001 nhưng hiện nay vẫn chưa xong phần bồi thường. Dự án bị bỏ bê trong nhiều năm, không có tường rào nên nhiều xe tải lén đổ xà bần, đất bùn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Quận đề nghị chủ đầu tư lập hàng rào thì chủ đầu tư nêu ra nhiều lý do và đề nghị không xây hàng rào. |
Theo Minh Phong
Sài Gòn tiếp thi
Bình luận (0)