Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 là "chìa khóa" để bảo vệ sức khỏe cộng đồng |
Thông tin từ ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho cộng đồng. Hiện có 87 bệnh viện và 1.200 đội tại các quận huyện tham gia tiêm chủng cho cộng đồng.
Hình thức tiêm được triển khai linh động, các đội tiêm di động có khả năng len lỏi vào từng ngóc ngách, tới từng nhà có người già, người bệnh không tự di chuyển được. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức tiêm cho người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn, tạo sự công bằng và hỗ trợ tất cả mọi người được tiếp cận vắc-xin.
“Cộng dồn tất cả các chiến dịch đến ngày 13/8, thành phố đã tiêm cho hơn 4,3 triệu người, trong đó có 100.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Đến nay, đối tượng trọng tâm của hoạt động tiêm chủng là những người mắc bệnh nền và trên 65 tuổi; đã tiêm được 456.391 người với số lượng thống kê toàn thành phố có khoảng 650.000 người”- ông Đức thông tin.
Theo Sở Y tế TPHCM, có ngày tốc độ tiêm chủng của thành phố đạt tới 318.000 mũi. Với tốc độ này, thành phố có thể nhanh chóng phủ vắc-xin cho cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay hầu như toàn bộ vắc xin Bộ Y tế cung ứng cho thành phố đã được tiêm hết, nguồn vắc-xin mới chưa biết khi nào được cung ứng tiếp.
BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, trong ngày 12/8, tổng số mũi tiêm chỉ còn hơn 120.000 liều. “Các quận huyện đang giảm tốc để phù hợp với tình hình cung ứng vắc- xin trên địa bàn TPHCM. Khi có đầy đủ vắc-xin chúng tôi sẽ tăng tốc trở lại”- BS Hoài Nam nói.
Hiện nay, thành phố đang tận dụng cơ hội từ các quốc gia vùng lãnh thổ có quan hệ hợp tác tốt với Việt Nam. Bước đầu, có hai quốc gia đã cam kết tặng TPHCM với số lượng khoảng 750.000 liều. Cả hệ thống chính trị đang nỗ lực để đa dạng hóa các nguồn cung ứng với hy vọng vắc-xin đến sớm cho người dân thành phố.
Tiêm càng sớm càng tốt
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết: “Khi được tiêm vắc-xin, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể trung hòa tác động của virus. Kháng thể sẽ bắt đầu xuất hiện từ tuần lễ thứ hai sau khi tiêm. Sau bốn tuần lễ kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên vắc-xin sẽ tạo được mức độ trung hòa trong cơ thể, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào cơ thể, giúp người đã tiêm không bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, không có loại vắc-xin nào ngăn chặn được 100% nguy cơ nhiễm bệnh cho cơ thể sau khi tiêm nên nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có thể xảy ra. Những người đã được tiêm vắc-xin khi nhiễm dù kết quả xét nghiệm dương tính nhưng sẽ không có biểu hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng thì biểu hiện bệnh cũng rất nhẹ, hiếm xuất hiện biến chứng nặng hoặc dẫn đến tử vong".
Theo Vân Sơn/TPO
Bình luận (0)