Các y bác sĩ làm nhiệm vụ thu dung, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 6 trên địa bàn Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Khắc Linh |
Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, thành phố đã triển khai 19 bệnh viện (BV) dã chiến điều trị COVID-19 cho khoảng 18.000 bệnh nhân và tới đây sẽ lập thêm 5 BV để nâng công suất lên gần 50.000 giường. Nhờ có hạ tầng tốt nên việc triển khai BV dã chiến ở TPHCM nhanh và kịp thời. Tuy nhiên, nhân lực y tế phục vụ các BV này đang quá tải.
Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện các BV đều có hệ thống ôxy trung tâm có thể hỗ trợ hô hấp một lúc lên đến 1.000 bệnh nhân, trong đó có 100 giường chăm sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm.
“Chúng tôi đã huy động nhân lực gồm các bác sĩ BV Nhân dân 115, Gia Định và các BV hạng 1 của thành phố cùng với nguồn lực của các tỉnh do Bộ Y tế điều động để phục vụ tại các BV này”, ông Thượng nói.
Khối điều trị cần nhân lực rất lớn bởi trung bình 1.000 giường bệnh cần 200 nhân lực y tế; với số ca mắc COVID-19 tăng nhanh như hiện nay, nhân lực này càng lớn hơn.
TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết, BV đang bố trí 100 giường hồi sức điều trị bệnh nhân nặng phải thở máy và chạy ECMO. BV đang được Bộ Y tế giao hỗ trợ 300 giường hồi sức tích cực nhưng đang gặp khó khăn trong việc điều phối nhân lực và trang thiết bị, máy móc.
“Đợt dịch thứ 4 này, BV Chợ Rẫy đã chi viện cho TPHCM 181 y bác sĩ đến 6 BV dã chiến và Trung tâm Hồi sức 1.000 giường”, ông Thức nói.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – BV Điều trị COVID-19 số 1 (đóng tại ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, BV có khoảng 4.500 bệnh nhân không có triệu chứng, nhưng chỉ có khoảng 75 bác sĩ, 120 điều dưỡng. Trung bình mỗi bác sĩ phải chăm sóc, điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân.
Theo bác sĩ Phạm Gia Thế, phụ trách BV dã chiến điều trị COVID-19 số 3, nơi đây có hơn 2.000 ca đang điều trị, nhưng chỉ có khoảng 100 nhân viên y tế (thêm 90 dân quân và 10 tình nguyện viên hỗ trợ).
“BV rất cần thêm bác sĩ”, ông nói. Bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Giám đốc BV điều trị COVID-19 Cần Giờ, cho biết BV đang điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân và cũng thiếu bác sĩ, điều dưỡng.
Số ca bệnh sẽ chững lại?
Tính đến ngày 14/7, TPHCM ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh đã được Bộ Y tế công bố, trong đó có 130 bệnh nhân tử vong (tính từ 27/4). Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, tính trung bình từ 1/7, mỗi ngày thành phố phát hiện 1.140 ca bệnh trong cộng đồng. Hiện có 18.331 bệnh nhân được điều trị, gồm 251 ca phải thở máy, 7 trường hợp thực hiện ECMO.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bệnh nhân sẽ được phân loại thành 4 tầng điều trị khác nhau, trong đó nơi tiếp nhận ca bệnh lớn nhất là các BV dã chiến thu dung điều trị các ca bệnh chưa có biểu hiện bệnh (quy mô 30.000 giường). |
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói: “Ngành y tế đang tập trung vào công tác lấy mẫu xét nghiệm, tập trung vào những khu vực nhiều ca mắc COVID-19. Đây là những điểm nóng có nguy cơ lây nhiễm cao, số lượng người mắc bệnh lớn nên những ngày qua số người mới mắc trên địa bàn thành phố đang khá cao, ở mức 4 con số”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, cho rằng, chiến dịch truy quét F0 trong cộng đồng đang bước vào giai đoạn quyết định; ba ngày tới, dịch COVID-19 có thể sẽ chững lại và bắt đầu giảm.
Bệnh trở nặng nhanh
Chiều 14/7, trao đổi với phóng viên, TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV Phục hồi chức năng TPHCM, cho biết: “BV Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 đóng tại khu tái định cư Bình Khánh, TP Thủ Đức đã tiếp nhận hơn 3.000 bệnh nhân”.
BV Dã chiến thu dung COVID-19 số 3 tại Khu tái định cư 38,4ha phường An Khánh, TP Thủ Đức do BV Lê Văn Thịnh chịu trách nhiệm chính về mặt chuyên môn. Với quy mô 3.000 giường, từ khi đi vào hoạt động ngày 7/7 đến nay, BV này đã tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV dã chiến, cho biết đã ghi nhận khoảng 3-5% bệnh nhân nhập viện chuyển từ không triệu chứng sang có triệu chứng và trở nặng.
“Bệnh nhân được theo dõi, điều trị triệu chứng, cho thở ôxy. Những trường hợp diễn tiến nặng sẽ được đặt nội khí quản hỗ trợ thở máy và chuyển lên tuyến trên để được tiếp tục chăm sóc, điều trị chuyên môn sâu”, bác sĩ Khanh nói.
Số ca bệnh từ không có triệu chứng chuyển sang có triệu chứng và trở nặng diễn ra rất nhanh, chỉ trong khoảng 6-12 tiếng. Đây là thách thức lớn về mặt chuyên môn đối với công tác theo dõi, điều trị bệnh nhân.
“Diễn biến nhanh của người bệnh với biểu hiện dễ nhận biết nhất là suy hô hấp cấp. Nếu không có nguồn nhân lực y tế, không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ tử vong”, bác sĩ Khanh nói.
Các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ không nên chủ quan mà cần phải được trang bị sẵn máy thở với đầy đủ ôxy, có máy X-quang, siêu âm để tầm soát, nhất là với người có bệnh lý nền, lớn tuổi, người béo phì.
Bình luận (0)