Nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở dành cho công nhân, người lao động (NLĐ) thu nhập thấp trên thực tế rất lớn. Để giải quyết nhu cầu này, TPHCM cũng như các địa phương tập trung nhiều giải pháp phát triển nhà ở để hiện thực hóa ước mơ của công nhân, NLĐ.
Công trình xây dựng nhà ở cho công nhân tại TP Thủ Đức với quy mô 1.000 căn hộ.
Mơ về nơi an cư
Anh Nguyễn Đình Khương (công nhân bốc vác cảng Cát Lái, TP Thủ Đức) và gia đình thuê nhà ở xóm trọ tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức đã 11 năm nay. Anh Khương cho biết, tích góp để đủ tiền mua nhà là bài toán khó đối với công nhân lao động như anh. Thu nhập và điều kiện của 2 vợ chồng anh không đủ điều kiện vay ngân hàng, giá cả nhà đất không ngừng gia tăng, nên ước mơ có căn nhà của riêng bao năm nay của vợ chồng anh vẫn chưa thể thành hiện thực. Thi thoảng đi làm về, anh Khương lại vòng qua công trình xây dựng NƠXH tại phường Thạnh Mỹ Lợi để xem tiến độ xây dựng. “Tôi mong công trình sớm hoàn thiện, giá nhà thực sự phù hợp với NLĐ thu nhập thấp”, anh Khương trông đợi.
Chấp nhận ở chật chội để tiết kiệm chi phí, gia đình anh Trương Văn Em (công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam, quê Kiên Giang) đến TPHCM làm công nhân hơn 10 năm. Từng ấy thời gian, anh có hơn 6 lần chuyển chỗ trọ. Hiện gia đình anh thuê căn hộ tại chung cư Lê Thành, số tiền 7 triệu đồng/tháng. Giá thuê tăng gần 3 lần so với hồi ở phòng trọ, anh rủ thêm 3 đứa em đồng hương cùng ở để chia sẻ tiền nhà. Theo anh, Công ty Pouyuen đang chuẩn bị xây nhà ở lưu trú cho công nhân nên cả nhà mong dự án sớm hoàn thành để được thuê ở, tiết kiệm chi phí.
Ở huyện vùng ven nhiều năm nay, vợ chồng thầy giáo Trần Văn Khang (công tác tại trường THCS Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) vẫn mong mỏi căn nhà mơ ước của riêng mình. Ngay cả chính sách của TPHCM về NƠXH dành cho cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp, hai vợ chồng cũng khó với tới. Vợ chồng thầy Khanh nhẩm tính, căn hộ trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng, người mua phải nộp trước 30%, tức 300-400 triệu đồng, còn lại vay ưu đãi. Dù lãi suất không cao so với bên ngoài, nhưng tổng tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng tới gần 10 triệu, trong khi tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ… 11 triệu đồng.
Công trình xây dựng nhà ở cho công nhân tại TP Thủ Đức với quy mô 1.000 căn hộ.
Nhiều giải pháp hiện thực hóa
Thực tế, thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị đã nỗ lực tạo quỹ nhà cho công nhân, NLĐ. Đơn cử, quận Bình Tân hiện có hơn 800.000 dân (khoảng 50% là dân nhập cư), trong đó công nhân, NLĐ chiếm khoảng 300.000 người. Nhu cầu nhà ở, nhất là NƠXH dành cho công nhân, NLĐ là rất lớn. Thời gian qua, quận tập trung phát triển các dự án NƠXH, nhà lưu trú dành cho công nhân, NLĐ. Đến nay, toàn quận có 87 dự án khu dân cư, nhà ở phát triển mới, trong đó có 74 dự án đã và đang triển khai. Tại một số khu công nghiệp (KCN) lớn ở quận còn bố trí 6 vị trí quy hoạch xây dựng các khu NƠXH, khu lưu trú cho công nhân.
Hiện nay, quận Bình Tân còn 7 dự án (với hơn 4.000 căn hộ) đang và chưa triển khai đầu tư xây dựng do vướng thủ tục. Đó là dự án, khu lưu trú công nhân thuộc KCN Tân Tạo mở rộng (gần 1.600 căn hộ); khu lưu trú công nhân tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam với diện tích hơn 12.600m², dự kiến xây dựng 10 tầng… Nếu các dự án này sớm triển khai và đưa vào sử dụng sẽ giải quyết một phần nhu cầu về NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân, NLĐ ở quận.
Cũng là địa phương có dân số đông, nhu cầu nhà ở lớn, lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết, tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (khu 30ha) đang dự kiến xây dựng NƠXH, nhưng cũng mới trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư. Ở huyện cũng có một số dự án NƠXH nhưng đều đang ở bước giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, chưa có công trình nào hoàn thành.
Trong khi đó, tại TP Thủ Đức (TPHCM) đã xây dựng một số dự án nhà ở và sớm đưa vào sử dụng. Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, địa phương đã khởi công xây dựng dự án NƠXH tại phường Long Trường diện tích 1,43ha, quy mô 726 căn hộ. Dự án NƠXH dành cho công nhân ở khu đất diện tích hơn 20.900m2 với hơn 1.000 căn hộ gần KCN Cát Lái (phường Thạnh Mỹ Lợi) cũng đã khởi công. Ngoài ra, UBND TP Thủ Đức đã có văn bản xin chủ trương quy hoạch 3 vị trí làm khu lưu trí công nhân tại Khu Công nghệ cao TPHCM với quy mô khoảng 90ha, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hơn 80.000 người. TP Thủ Đức cũng tiếp tục phối hợp với các KCN trên địa bàn, rà soát quỹ đất công, quỹ đất quy hoạch chưa khả thi để đầu tư xây dựng NƠXH cho công nhân.
Tương tự, UBND quận 7 cũng đề xuất TPHCM phê duyệt 9 khu đất để xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân, NLĐ. Đặc biệt, Công ty TNHH Tân Thuận TTC phối hợp Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) và UBND quận 7 chuẩn bị các khâu để đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân tại KCX Tân Thuận. Dự án rộng gần 26.300m², được chia thành 3 phân khu KTX 1, KTX 2, KTX 3. Đến nay, khu đất KTX 3 rộng 15.000m² đã được các doanh nghiệp hoàn thành đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân quy mô 510 phòng, đáp ứng gần 3.000 chỗ ở cho NLĐ. 2 khu còn lại, Công ty TNHH Tân Thuận đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà lưu trú nhưng còn một số vướng mắc, đang nghiên cứu để báo cáo UBND TPHCM tháo gỡ.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM năm 2020, nhà lưu trú cho công nhân, NLĐ tại doanh nghiệp trong các KCX, KCN, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và lao động trong các DN trên địa bàn thành phố đáp ứng chưa đến 17% nhu cầu. Như vậy, hơn 83% NLĐ phải cư trú trong nhà trọ ngoài KCN với tiêu chuẩn nhà ở chưa đảm bảo. Năm 2020, Liên đoàn Lao động TPHCM qua khảo sát xác định có khoảng 1,3 triệu công nhân, NLĐ ở thành phố có nhu cầu về nhà ở giá bình dân.
Hiện, UBND TPHCM đã có kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, dự kiến tăng ít nhất 50 triệu m² diện tích sàn nhà ở. Trong đó, NƠXH tăng khoảng 2,5 triệu m², diện tích NƠXH cho thuê phấn đấu đạt tối thiểu 500.000m² sàn, chiếm 20% diện tích NƠXH. Diện tích đất để xây dựng NƠXH khoảng 173,5ha. Riêng năm 2022, NƠXH trên địa bàn TPHCM tăng 46.300m² sàn xây dựng với nhu cầu đầu tư 698 tỷ đồng.
|
NHÓM PV (theo SGGP)
Bình luận (0)