Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

TPHCM sẽ không có bộ SGK riêng để dùng cho học sinh toàn thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 19-9, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay đang có sự nhầm lẫn trong cách hiểu của một bộ phận phụ huynh và dư luận xã hội. Theo đó, cách hiểu "TPHCM sẽ biên soạn một bộ SGK riêng dùng chung cho học sinh TP" là chưa đúng.

Phụ huynh tìm mua SGK cho con em. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phụ huynh tìm mua SGK cho con em. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đồng ý cho phép Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn một bộ SGK đáp ứng mục tiêu học tập và giảng dạy của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, NXB Giáo dục Việt Nam cũng phối hợp với các đơn vị chuyên môn biên soạn một bộ SGK phục vụ học sinh vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. 
Chính vì lý do đó, các bộ sách sau khi ra đời không phải phục vụ riêng lẻ học sinh của một tỉnh, thành phố nào cụ thể mà sẽ nhằm đáp ứng mục tiêu học tập chung của cả vùng kinh tế trọng điểm.

Trong đó, với bộ SGK ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Sở GD-ĐT TPHCM đóng vai trò hỗ trợ, định hướng chuyên môn, mời và tập hợp các thành viên hội đồng biên soạn, NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện các công đoạn như biên tập, trình Bộ thẩm định…

Từ đó đến nay, Sở GD-ĐT TP cùng đơn vị phối hợp đã chuẩn bị về đội ngũ, cách thức thực hiện, mời và tuyển chọn những chuyên gia, học giả hàng đầu của TP, những giáo viên giỏi, năng động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiều kinh nghiệm để xây dựng bộ sách.
Ngoài ra, Sở cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các chuyên gia, các nhóm tác giả môn học về quan điểm viết sách theo định hướng phát triển tư duy của người học.
Ông Đỗ Minh Hoàng thừa nhận, bất cập lớn nhất từ trước đến nay là đội ngũ viết SGK không phải là những người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy. Do đó, trong lần biên soạn sách này sẽ khắc phục được hạn chế đó. Theo đó, đội ngũ viết sách sẽ gồm những giáo viên giỏi có nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp do Sở GD-ĐT TPHCM trực tiếp giới thiệu, cùng làm việc, trao đổi với các tác giả, chuyên gia của NXB Giáo dục nhằm tìm ra định hướng viết sách phù hợp nhất với thực tiễn giảng dạy và nhu cầu học tập của học sinh. 
Như vậy, bộ SGK chúng ta đang nói đến vẫn do NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị chủ biên và phát hành, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đóng góp về mặt chuyên môn, tham gia ý tưởng để xây dựng nội dung, giúp hoàn thiện bộ sách.
Cụ thể, bộ SGK do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn sẽ bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT, đồng thời khắc phục tính hàn lâm, xa rời thực tiễn, tăng cường kiến thức hiện đại và có tính ứng dụng cao.
Chủ trương chung của TP là sẽ chú trọng dạy để học sinh hiểu và làm, không đặt nặng việc học thuộc lòng, kết hợp giữa dạy chữ và dạy người, rèn luyện khả năng tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
Đặc biệt, bộ sách sẽ tích hợp một số nội dung đặc trưng của địa phương như giáo dục lịch sử địa phương, các vấn đề về khởi nghiệp, phát triển khoa học công nghệ… mà các tỉnh, thành khác không có. 

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, không áp đặt các trường sử dụng bộ sách này hay bất kỳ bộ sách do các nhà xuất bản nào phát hành mà sẽ do tổ chuyên môn các trường tự thẩm định và lựa chọn, căn cứ vào mục tiêu giáo dục, năng lực truyền thụ và điều kiện thực tế sử dụng để chọn bộ sách phù hợp nhất với học sinh. 

Ông Hoàng cũng cho biết, do hiện nay còn đang chờ chương trình khung của Bộ GD-ĐT, sau đó các tác giả mới chính thức bắt tay vào viết sách nên dự kiến bộ sách sẽ đưa ra thị trường chậm hơn bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn, gần như không có khả năng kịp đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2019-2020.

Về lộ trình thực hiện, sau khi hoàn thành công đoạn viết sách, đơn vị chủ biên sẽ trình hội đồng thẩm định quốc gia xem xét, đánh giá và phê duyệt. Nếu được thông qua, bộ sách sẽ là một trong những lựa chọn tài liệu dạy học cho giáo viên ở các trường phổ thông.
Thời gian đầu, khi các thầy, cô chưa có nhiều kinh nghiệm thẩm định và lựa chọn sách, việc lựa chọn bộ sách phù hợp sẽ do các hội đồng sư phạm nhà trường cùng bàn bạc, trao đổi, thẩm định trên tinh thần dân chủ nhằm tìm ra bộ sách phù hợp mục tiêu giảng dạy và điều kiện thực tế của đơn vị. Về lâu dài, giáo viên sẽ là người quyết định bộ SGK nào phù hợp nhất với học sinh của mình. 
Riêng về thông tin "Hiện nay TPHCM đã bắt tay vào viết sách", ông Đỗ Minh Hoàng khẳng định, đó là việc bắt tay giữa NXB Giáo dục Việt Nam và một số tác giả dựa trên SGK cũ, viết lại sách mới trên tinh thần thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sửa đổi. Tuy nhiên, chỉ nên xem đây là một trong những tài liệu tham khảo giúp ích cho việc viết SGK chính thức sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình khung chứ không phải TPHCM đã bắt tay vào viết SGK mới. 
Ông Hoàng cũng nhấn mạnh, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị phát hành nên Sở GD-ĐT TPHCM không can thiệp vào công tác phát hành. Tuy nhiên, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, sau khi sách được phát hành, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ quan tâm, sâu sát, có nhiều biện pháp để tránh tình trạng lũng đoạn thị trường, gây ảnh hưởng quyền lợi của học sinh. 

THU TÂM/ SGGP

 
 

 

 

Bình luận (0)