Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

TPHCM: Sinh viên đi “luyện” phỏng vấn tuyển dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng trăm sinh viên đã đến với chương trình “Phỏng vấn thử – thành công thật” diễn ra tại nhà văn hóa Thanh niên TPHCM ngày 15/5. Đến đây, họ có cơ hội “cọ xát” trực tiếp với các nhà tuyển dụng.

Các sinh viên (SV) trong trang phục chỉnh tề, lỉnh kỉnh hồ sơ xin việc, hồi hộp ngồi chờ nhà tuyển dụng gọi đến mình, làm việc với nhà tuyển dụng… khiến buổi phỏng vấn thử có không khí y như thật.
Như những người đi xin việc, SV bị nhà tuyển dụng “vặn vẹo” từ hồ sơ xin việc cho đến các câu trả lời khi phỏnng vấn. Chỉ khác với các cuộc tuyển dụng thực sự là sau mỗi cuộc phỏng vấn, SV lại được các nhà tuyển dụng góp ý cụ thể về những hạn chế của mình, đồng thời chỉ dẫn cách khắc phục.
Sinh viên trao đổi với nhà tuyển dụng tại chương trình “Phóng vấn thử – thành công thật” do Trung tâm hỗ trợ SV TPHCM tổ chức ngày 15/5.
Sau một cuộc làm việc với người quản lý nhân sự của một tập đoàn, SV Đinh Thị Thúy Quyên, Học viện Hàng không cho hay, cô đã học được rất nhiều kinh nghiệm cho mình. “Từng câu chữ trong đơn xin việc, bản CV, cho đến trang phục… đều là các yếu tố làm nổi bật bản thân. Rồi các tình huống trong phỏng vấn, em cũng đã ít nhiều học được cách xử lý phù hợp”. Thế nên, tuy bị loại nhưng Quyên vẫn rất vui vẻ vì tin chắc lần sau đi phỏng vấn mình sẽ tiến bộ hơn.
Được biết, có 11 doanh nghiệp tham gia chương trình, góp phần “luyện” các kỹ năng thực tế cho SV khi đi xin việc. Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng, SV khá hiểu biết về lý thuyết lẫn việc “cọ xát” với thực tế cho việc phóng vấn xin việc. Nhưng hạn chế lớn nhất của SV là chưa định hướng cụ thể công việc của mình cũng như rất e dè trong việc thể hiện bản thân.
Trực tiếp phỏng vấn trên 30 SV, chị Chu Vũ Hoàng Điệp, chuyên viên tư vấn nhân sự Talentnet nhận xét, SV đã biết đầu tư cho bản CV. Hạn chế của các bạn là kém ngoại ngữ, không tự tin và ngại bày tỏ. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn nhất là các bạn SV không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
“Nhiều em là SV năm 3, năm 4, có em đã ra trường nhưng vẫn chưa định hình nổi mình thích việc gì và có thể làm cái gì. Nhà tuyển dụng chỉ vào vị trí nào họ cũng gật Em làm cái đó cũng được, chị Điệp nói.
Theo chị Điệp, SV cần phải định hướng công việc cụ thể hơn thì sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc phù hợp với năng lực của mình. Hơn nữa, trên cơ sở đó phía doanh nghiệp có thể hỗ trợ các bạn nhiều hơn.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Phó trưởng phòng Hỗ trợ đời sống SV (Trung tâm Hỗ trợ SV thành phố) cho biết chương trình đã thu hút trên 500 người tham gia.
“Chương trình không chỉ tạo nền tảng vững vàng cho các em sau này mà còn tạo cơ hội việc làm cho các bạn SV và các bạn vừa tốt nghiệp. Qua buổi phỏng vấn thử này, các doanh nghiệp sẽ lưu giữ các hồ sơ đạt yêu cầu, tiếp tục phỏng vấn lần hai để tiến hành tuyển dụng”.
Tin, ảnh: Hoài Nam / Dan tri

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)