Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TPHCM: Sửa chữa lại cây cầu “lệch pha”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 22/5, hợp đồng sửa chữa cầu Bình Triệu 1 (TPHCM) chính thức được ký kết, dự kiến nâng tải trọng cầu từ 16 tấn lên 30 tấn và mở rộng mặt cầu thành 3 làn xe cho cân bằng với cầu Bình Triệu 2.

Hai cây cầu song hành nhưng tải trọng rất khác nhau

Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 được khởi động vào tháng 10/1998 gồm 3 tiểu dự án: Mở rộng quốc lộ 13 và đường Ung Văn Khiêm; Xây dựng cầu Bình Triệu 2; Sửa chữa cầu Bình Triệu 1. Tuy nhiên, đến năm 2003, chỉ có mỗi tiểu dự án 2 là xây mới cầu Bình Triệu 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hai tiểu dự án còn lại đành xếp xó vì vốn đầu tư tăng lên gấp mấy lần.  

Điều này dẫn đến nghịch lý là cầu Bình Triệu 1 và 2 chạy song song nhau và trở thành cầu một chiều (Bình Triệu 1 hướng về ngoại thành, Bình Triệu 2 hướng về trung tâm) nhưng độ tải rất chênh lệch nhau: cầu Bình Triệu 1 chỉ có 2 làn xe và tải trọng 16 tấn, cầu Bình Triệu 2 rộng 4 làn xe và tải trọng 30 tấn. Do vậy, dù là cầu mới nhưng xe tải trọng lớn vẫn được phân luồng không vào TP theo hướng cầu Bình Triệu 2.  

Đó là chưa kể, do đường Ung Văn Khiêm và quốc lộ 13 chưa được mở rộng, trong khi cầu Bình Triệu 2 đã xong khiến cầu đường không đồng bộ, thường xuyên gây ra ách tắc trên đường khu vực 2 bên cầu trong giờ cao điểm sáng và chiều.  

Đến tháng 10/2007, sau quá trình khảo sát, Cục Đường bộ Việt Nam có công văn cảnh báo TPHCM cầu Bình Triệu 1 có nguy cơ sập do quá cũ yếu mà lưu lượng giao thông lớn. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng cho là cầu Bình Triệu 1 sau gần 50 năm khai thác đã dần xuống cấp.  

Do đó, việc sữa chữa cầu Bình Triệu 1 là yêu cầu bức thiết. UBND TPHCM đành đồng ý tách tiểu dự án 3 (sửa chữa cầu Bình Triệu 1) trong Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 thành 1 dự án riêng và giao Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) đảm nhiệm.  

Mãi đến ngày 22/5, CII mới ký hợp đồng thực hiện dự án này với nhà thầu Freyssinet (Pháp). Theo đó, nhà thầu Freyssinet sẽ chịu trách nhiệm nâng cấp cầu cũ từ tải trọng 16 tấn lên thành 30 tấn, có thể chịu được động đất cấp 6; đồng thời mở rộng cầu từ 11,26 m lên 12,65 m chia thành 3 làn xe (2 làn dành cho ôtô và một làn dành cho xe hai bánh).  

Ông Lê Vũ Hoàng, Tổng giám đốc CII, khẳng định: “Cầu sẽ được sữa chữa xong sau 15 tháng và trong quá trình sửa chữa vẫn sẽ đảm bảo khả năng lưu thông của cầu như hiện nay”.  

Dự kiến, tổng giá trị dự án vào khoảng 84 tỷ đồng (dự kiến ban đầu chỉ có 13 tỷ đồng).

 

Tùng Nguyên (dddn)

Bình luận (0)