Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

TPHCM: Tháng 11 sẽ thông xe hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2010, chủ đầu tư hầm dìm Thủ Thiêm dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 2/9/2011. Nay UBND TP quyết định không tổ chức thông xe kỹ thuật mà tổ chức thông xe hoàn toàn vào tháng 11/2011.

Trong một cuộc họp gần đây với nhà thầu và ban quản lý dự án, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã quyết định cụ thể sẽ chọn ngày 22/11 (kỷ niệm 71 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa 23/11/1940 – 23/11/2011) làm ngày thông xe hoàn toàn hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.

Từ ngày 22/11/2011, hầm Thủ Thiêm đã có thể lưu thông

Cũng tại cuộc họp này, các bên đã bàn về phương án tổ chức lưu thông qua hầm. Theo thiết kế ban đầu thì hầm cho tất cả các loại xe đi qua 24/24 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên sau đó có nhiều đề xuất nên cấm người đi bộ, xe 2 – 3 bánh và các phương tiện thô sơ qua hầm để đảm bảo an toàn.

Cả hai phương án trên đều bị Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân bác bỏ. Ông quyết định chọn phương án phân luồng cho xe ô tô, xe máy trong mỗi chiều hầm và cho hai loại phương tiện này lưu thông 24/24; riêng xe tải chỉ được lưu thông trong những khoảng thời gian nhất định trong ngày.

Ông đặc biệt lưu ý cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông phải kiểm soát chặt vấn đề xe quá tải, vì đây là vấn đề liên quan đến an toàn tính mạng của người dân. Ông cũng nhắc nhở ban quản lý dự án và nhà thầu tuân thủ chặt chẽ thiết kế các lối thoát hiểm và hệ thống chữa cháy, xử lý sự cố.
Dự kiến ngày thông xe hầm Thủ Thiêm cũng sẽ là ngày thông xe toàn tuyến đại lộ Đông Tây. Tổng chiều dài đại lộ Đông Tây là gần 22km, điểm đầu là nút giao với quốc lộ 1A (quận Bình Chánh), chạy qua Bình Chánh và các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và điểm cuối là giao lộ với xa lộ Hà Nội (quận 2). Gần 10.000 hộ dân đã di dời để phục vụ dự án này. Tổng kinh phí xây dựng là hơn 660 triệu USD.
Trong đó, hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất vì độ khó trong quá trình thi công. Hầm vượt sông này dài đến 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe lưu thông (mỗi chiều 3 làn) và 2 làn đường thoát hiểm hai bên.
Khi toàn bộ công trình hoàn tất, theo con đường này đi từ cửa ngõ miền Đông đến cửa ngõ miền Tây sẽ rút ngắn được một nửa thời gian so với các lộ trình hiện hữu. Nhờ đó áp lực giao thông tại khu vực trung tâm TP sẽ được giảm thiểu rất nhiều, góp phần giúp kinh tế xã hội phát triển.
Đến tháng 9/2009, đại lộ Đông Tây đã hoàn thành và thông xe đoạn từ cầu Calmette (quận 1) đến nút giao quốc lộ 1 (Bình Chánh) dài 13,4km. Đoạn này nay đã được đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt. Đoạn đại lộ Đông Tây phía quận 2 vẫn mang tên cũ và đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một phần.
Tuy nhiên, hiện tuyến đại lộ này đang mắc phải rắc rối khi đoạn phía quận 2 liên tục xảy ra lún nứt. Đại lộ Võ Văn Kiệt cũng đang có dấu hiệu lún khiến một số cầu vượt bộ hành trên tuyến đường này trồi chân cầu lên cao hơn mặt đường.
Tùng Nguyên
(Dân trí)

 

Bình luận (0)