“Trẻ mắc bệnh sởi tại TPHCM tăng đột biến trong năm 2009 và tăng bất thường so với 5 năm gần đây”. Bác sĩ Trần Thị Thuý, phó khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, cho biết.
Theo số liệu thống kê của bệnh viện Nhi Đồng 2, trong 10 tháng đầu năm 2009 có 881 ca nhập viện điều trị nội trú và 914 ca điều trị ngoại trú, riêng trong tháng 10 đã có 177 ca điều trị nội trú. 18 ngày đầu tháng 11 có đến 166 trẻ mắc bệnh phải điều trị. Trong khi cả năm 2008 chỉ có 10 trường hợp mắc sởi nhập viện và tháng 10 và tháng 11 năm 2008 không có ca nào. Ngày 19/11, có 44 trẻ đang điều trị nội trú, chiếm 1/3 số bệnh nhân đang điều trị ở khoa nhiễm.
Tử vong do chậm nhập viện
Do bệnh sởi cũng có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, đỏ mắt, ho, và nổi ban…, biểu hiện giống sốt siêu vi và giống các bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết nên lây lan rất nhanh. Hơn nữa người nhà không nghĩ trẻ mắc bệnh sởi vào mùa này, tự tìm thuốc điều trị tại nhà, nên khi đưa trẻ nhập viện, bệnh của trẻ đã trở nặng và tử vong nhanh.
Mới đây, ngày 12/11, bé V.T.V, gần 10 tháng tuổi, nhà ở quận Gò Vấp đã tử vong do nhập viện trễ, viêm phổi biến chứng (bé chưa tiêm phòng sởi). Trước đó, bé V. nhập viện ngày 7/11, trong tình trạng ho, sổ mũi nhiều, sốt cao, thở gấp, nhập viện trong tình trạng cấp cứu, phải cho thở máy. Theo người nhà, bé V. đã bị bệnh ở nhà ba ngày trước, nổi ban đỏ ở mặt, sau đó lan xuống cổ rồi lan khắp người, gia đình cho uống thuốc hạ sốt nhưng không khỏi.
Hiện ở khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2 có ba trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng, phổi tổn thương nhiều và phải thở bằng máy, có trẻ bị thiếu máu và giảm tiểu cầu.
Theo đánh giá của các bác sĩ khoa nhiễm, bệnh sởi lây lan nhanh, ngang ngửa với cúm A/H1N1, qua nhiều đường khác nhau, đặc biệt là đường hô hấp. Theo thống kê, trẻ dưới một tuổi mắc bệnh nhiều nhất (394/881 trẻ điều trị nội trú), kế đến là trẻ một đến ba tuổi, trong đó đa phần là những trẻ chưa được tiêm phòng sởi, số trẻ đã tiêm phòng nhưng vẫn bị bệnh chiếm khoảng 20%.
Coi chừng biến chứng
Trẻ bị bệnh sởi nếu để lâu sẽ có nguy cơ biến chứng về mắt (loét giác mạc), suy dinh dưỡng nặng, viêm phổi, nhiễm trùng huyết và có thể dẫn tới tử vong. Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2, khuyến cáo: Khi trẻ bị bệnh sởi, gia đình không nên kiêng mà phải tắm và vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho trẻ để tránh bị nhiễm trùng. Phải cho trẻ ăn nhiều, ăn đủ chất để lấy lại sức (ăn uống những chất có nhiều vitamin A).
Nếu trẻ có biểu hiện sốt 24 giờ mà không khỏi, gia đình phải nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý cho trẻ uống thuốc “Tiêu ban lộ” vì thuốc này sẽ không khỏi bệnh, nếu kéo dài thời gian bệnh cho trẻ sẽ gây ra biến chứng và dễ tử vong. Khi trẻ bị bệnh nên cho trẻ ở nhà để không lây lan sang các trẻ khác, đồng thời luôn giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt sạch sẽ.
Để trẻ không bị bệnh sởi, người phụ nữ trước khi mang thai nên đi tiêm phòng vắc-xin sởi cũng như các loại vắc-xin khác để bảo vệ con trong mấy tháng đầu đời. Khi con được chín tháng tuổi, nên đưa con đến tiêm phòng sởi theo chương trình chích ngừa của quốc gia, đến khi trẻ đến tuổi đi học (6 tuổi) tiếp tục tiêm chích ngừa lần hai.
Theo Hoàng Nhung/SGTT
Bình luận (0)