Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TPHCM: Trường mầm non đóng cửa, phụ huynh cuống cuồng tìm chỗ gửi con

Tạp Chí Giáo Dục

Một số trường học tại TPHCM đóng cửa vì lo lắng lây lan của dịch tay chân miệng làm không ít phụ huynh gặp khó khăn trong việc trông giữ con. Nhiều người cuống cuồng tìm chỗ gửi trẻ, có người tạm thời phải… dắt con đến công sở.

Chị N.T.P, phụ huynh của trẻ đang theo học tại trường mầm non Vàng Anh (Q.8), cho biết trường đóng cửa từ ngày 13/7, sau khi phát hiện có học sinh bị mắc bênh tay chân miệng.  Lo lắng con có thể bị lây từ người bạn mắc bệnh nên chị đã lập tức đưa con đi khám và thở phào khi sức khỏe của con không có vấn đề gì. Nỗi lo hiện nay của chị là không biết gửi cháu ở đâu trong khi gia đình chỉ có hai vợ chồng, đều làm việc ở công ty, không thể nghỉ việc.

Trường học đóng cửa vì dịch bệnh tay chân miệng, phụ huynh loay hoay tìm chỗ gửi trẻ. (Ảnh mình họa)
“Hôm qua tôi đã xin nghỉ đưa cháu đi khám, hôm nay chẳng biết cầu cạnh vào đâu nên đành đưa cháu lên cơ quan dù biết đi làm dẫn con theo chẳng hay ho chút nào. Nhất là khi nhiều người trong công ty biết cháu nghỉ học vì trong trường có học sinh bị mắc bệnh tay chân miệng thì tỏ ra e dè, đề phòng làm mình cũng ngượng”, chị than.
Chị P tính tìm điểm nào đó trông trẻ gửi con nhưng không mấy hy vọng khi phụ huynh một bạn học cùng con mình cho hay, đã chạy đôn chạy đáo một số nơi dạy hè gần nhà nhưng đều bị lắc đầu: “Có thể sắp hết thời gian học hè nên trường không nhận trẻ giữ chừng hoặc có thể do người ta biết con mình từ trường có học sinh mắc bệnh sang nên từ chối”, chị P phán đoán.
Con đột ngột phải nghỉ học giữa chừng vì trường học đóng cửa do có học sinh mắc bệnh tay chân miệng,  vợ chồng anh Đức (ngụ ở P.10, Q.8) cũng tất tả tìm chỗ để gửi con tại trường tư nhưng cũng chẳng nơi nào mặn mà vì sắp hết thời gian dạy hè.  Cuối cùng, vợ chồng họ đành gửi con tại điểm trông trẻ của một gia đình trong phố mở ra trong lúc cầu cứu bà nội ở Vĩnh Long lên.
“Con đang đi học ở trường, tự nhiên bị gửi đến… nhà người lạ, cháu khóc dữ dội lắm. Sáng nay hai vợ chồng tôi phải vận lộn với cháu hàng tiếng đồng hồ để cháu chịu vào lớp mới trốn để đi làm được”, anh Đức nói.
Việc các trường nghỉ hoạt động giữ chừng đẩy không ít gia đình phải loay hoay tìm chỗ gửi trẻ bởi không phải nhà nào cũng có người trông trẻ. Việc tìm chỗ gửi trẻ lúc này cũng không dễ vì gần hết thời gian học hè, có người tìm được chỗ để gửi thì việc giúp trẻ thích nghi với trường mới cũng đủ làm nhiều phụ huynh mệt nhoài.
Thầy cô cũng… chịu
Sáng 14/7, đại diện trường mầm non Vàng Anh (Q.8) cho hay trường chính thức ngừng trông trẻ từ ngày 13/7, sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch dạy hè. Trước đó, trường đã dán thông báo cho phụ huynh nắm được tình hình dịch bệnh tay chân miệng lan nhanh, diễn biến phức tạp, nguy hiểm… Trường  chỉ có thể động viên phụ huynh cố gắng tìm cách giữ trẻ ở nhà chứ không thể hỗ trợ hay có gợi ý gì hơn vào thời điểm này.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay phòng nhận được thông tin một số trường ở Q.8 và có trường ở Q.Tân Phú đóng cửa vì bệnh tay chân miệng, còn tại các quận, các trường vẫn duy trì hoạt động dạy hè bình thường.
Bà Dung nhấn mạnh, thời điểm này đang trong thời gian hè, giáo viên và học sinh đều được nghỉ. Việc các trường hoạt động là do tự nguyện của phía giáo viên muốn dạy hè kiếm thêm thu nhập và nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh chứ không nằm trong chương trình dạy. Vì thế, việc các trường đóng cửa là thỏa thuận giữ trường và phụ huynh. Khi giáo viên không muốn dạy thì không thể ép buộc họ.
Trước lo lắng của các phụ huynh trước dịch bệnh tay chân miệng có thể lây lan ở trường học, bà Dung cho hay, công tác vệ sinh trường lớp là chỉ đạo thường xuyên của phòng xuống các trường và được tiến hành quanh năm.
Hiện nay, các trường tiếp tục tăng cường kết hợp với các trung tâm y tế làm vệ sinh trường lớp cũng như có những phát hiện kịp thời nhất.
“Đặc biệt, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch bệnh tay chân miệng cũng như công tác vệ sinh của trường để giáo viên và phụ huynh học sinh được yên tâm”, bà Dung lưu ý.
Theo Hoài Nam
Dan tri

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)