Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TPHCM: Trường thiếu, dự án treo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sự tạm bợ, chắp vá, nhếch nhác – là những ấn tượng ban đầu chúng tôi ghi nhận tại không ít các trường ở TPHCM sau gần một tháng bước vào năm học mới. Và thật khó hiểu tại sao ở một thành phố sung túc nhất nhì nước vẫn tồn tại cảnh học sinh tiểu học học chung trường với trẻ mầm non, học sinh trúng tuyển lớp 10 công lập phải vào học trung tâm giáo dục thường xuyên…

Học sinh Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận 8) phải học thể dục ngoài hành lang lớp học.
“Trường làng” giữa phố
Nằm dưới chân cầu Chà Và là Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận 8). Cảm tưởng đầu tiên là nó không giống mấy… trường học vốn thường có treo tấm biển “Tiên học lễ, hậu học văn”: tầng trệt ngôi nhà được tận dụng làm nhà sách, còn “trường” nằm mãi tít trên tầng 1 và tầng 2 với 16 phòng học chứa gần 300 học sinh (HS).
Các phòng học bị bao bọc tường của nhà dân nên vừa tối, vừa nóng bức, nhiều HS ngồi học mà mồ hôi chảy dài trên má. Lúc chúng tôi đến, các em đang trong giờ học thể dục tại… hành lang.
“Thiếu thốn quá, các em không có sân chơi, sân tập thể dục. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe HS. Và chắc là chủ trương  “trường học thân thiện, học sinh tích cực” không thể thực hiện được ở trường này”, thầy Nguyễn Văn Giàu, Hiệu trưởng nhà trường, thở dài nói.
Cũng tại quận 8, Trường Tiểu học An Phong ở phường 7 chỉ có 14 lớp học nhưng có tới 2 điểm lẻ. Năm nay, sĩ số HS quá đông nên trường phải sử dụng luôn cả cơ sở 2 ở cạnh Cầu Sập đã bỏ hoang lâu nay làm lớp học.
Ở cơ sở chính các phòng học cũng đều xuống cấp, nguy cơ sập và tốc mái có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mưa lớn thì nước ngập đến cổ chân, HS phải lội bì bõm để vào lớp học, ở cơ sở 2 chỉ có 2 phòng học, sân trường không được tráng xi măng nên chỉ cần dẫm lên là lún, phía sau kế bên cửa sổ lớp học là một cái ao nhỏ đầy muỗi và bốc mùi hôi.
Mơ về một ngôi trường chuẩn quốc gia, cô giáo Trần Thị Quý buồn bã tâm sự: “Chúng tôi vừa dạy vừa phải dỗ dành các em mới chịu học. Cô và trò ngày nào cũng phải chịu cảnh ô nhiễm và nóng bức. Nhìn các em học mà thấy thương”. Hiệu trưởng nhà trường Trịnh Đức Hậu chỉ biết dự án xây mới đã có từ năm 2006, đến nay vẫn chưa khởi công và “nếu sang năm không có trường mới chắc chắn sẽ phải học ca 3”.
Ở quận 8, hiện nay, rất nhiều trường học vẫn còn ở dạng nhà phố, nhiều điểm nhỏ lẻ. Thậm chí vẫn còn trường chưa được tách cấp là Trường THCS Hưng Phú A (dạy cả cấp 1 và cấp 2). Phường 8 chỉ có một trường mẫu giáo này với 3 phòng học (82 trẻ đang theo học) trong khi đó nhu cầu cần đến 500 chỗ học cho trẻ trong độ tuổi mầm non. Trường lại nằm trong tình trạng bị ngập thường xuyên nên chỉ có thể tổ chức dạy buổi sáng, đến 10 giờ 30 phải trả các cháu về.
Thừa dự án treo
Tại quận 9, ngoài các dự án còn trong hạng mục “dự kiến”, có 3 dự án trường đã có kế hoạch đưa vào sử dụng từ năm học 2008 nhưng đến nay vẫn chưa khởi công (Tiểu học Tăng Nhơn Phú A, Mầm non Long Bình, THPT Tăng Nhơn Phú A). Điều này, dẫn đến tình cảnh hơn 330 HS lớp 10 phải vào học trường dân lập Ngô Thời Nhiệm và trung tâm giáo dục thường xuyên quận dù các em đủ tiêu chuẩn vào lớp 10 công lập. Không ít HS phải học trong nỗi ấm ức.
“Chúng tôi đã không ít lần rơi vào cảnh khó xử, xuống tận nơi để tiếp xúc và thuyết phục phụ huynh hãy chia sẻ và thông cảm với ngành giáo dục vì quá thiếu trường mới phải làm như thế. Mới đây phụ huynh HS 4 lớp tiểu học của Trường TH Hiệp Phú phải học ké Trường MN Vàng Anh cũng đã phản ứng rất dữ dội vì con họ đã được vào lớp 1 tại sao phải học với trẻ mầm non?” – một vị cán bộ phòng giáo dục ngán ngẩm cho biết.
Ở các quận, huyện như Hóc Môn, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân… hàng trăm công trình trường học vẫn tồn tại chủ yếu… trên giấy.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết: Từ cuối năm 2008, quận 8 đã thu hồi được 13 mặt bằng trống có diện tích hơn 40.000 m² là nhà xưởng, kho bãi của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương từng quản lý sử dụng.
Số mặt bằng này cũng đã được UBND TP giao quận 8 quản lý sử dụng và cũng chấp thuận phương án của quận đưa ra: phần lớn các mặt bằng này sẽ được chuyển đổi công năng thành trường học. Trong đó có 6 công trình sẽ xây dựng trên đất các kho bãi.
Tuy nhiên, hiện nay, quận cũng mới chỉ thu hồi được 9 kho theo quyết định của UBND TPHCM. Riêng kho số 338 đường Dương Bá Trạc ở phường 1 do Công ty cổ phần Điện máy TP quản lý sử dụng vẫn không đồng ý trả để quận xây trường học. Hiện quận 8 đang đề nghị thành phố ghi vốn xây mới và mở rộng 13 dự án trường học.
Quy hoạch mạng lưới trường học trên toàn TP đã được UBND TPHCM ký quyết định phê duyệt từ năm 2003, và theo đó các quận huyện được phân cấp quản lý và tổ chức xây dựng trường học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT và chuyên nghiệp.
UBND TP cũng đã có quyết định thành lập tổ công tác liên ngành (gồm 6 sở: KH-ĐT, Tài chính, TN-MT, Xây dựng, QH-KT do Sở GD-ĐT làm tổ trưởng) để thúc đẩy tiếp tục phấn đấu đưa bình quân số phòng học mới vào sử dụng hàng năm lên 1.000 phòng học.
Nhưng năm nay mới chỉ có khoảng trên 600 phòng học được dự kiến đưa vào sử dụng. Số phòng học thiếu đã dẫn đến tình cảnh cả thầy và trò đến lớp trong hoàn cảnh rất khó khăn… và đó là chuyện “khổ lắm, nói mãi” kéo dài từ nhiều năm.
Thật khó nói đến bao giờ thành phố mới thoát cảnh nhiều phường, xã “trắng trường học”, “chật dự án treo”? Đến bao giờ chúng ta mới thực hiện được mơ ước của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”? Và chắc chắn một mình ngành GD-ĐT không thể tự lo được trường đạt chuẩn cho mình, nhưng ai lo và trách nhiệm thiếu trường lớp thuộc về ai?
Lê Linh (SGGP)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)