Sự kiện giáo dụcTin tức

TPHCM và Nam bộ “thoát” bão số 10

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ đội Phú Yên giúp dân chống bão. (Ảnh: baophuyen.com.vn).Khoảng 14 giờ chiều nay, bão số 10 đã tiếp cận và đổ bộ vào vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Dự báo, bão sẽ đi qua Nam Trung bộ và vào Tây Nguyên rồi tiến qua Campuchia, ít khả năng ảnh hưởng đến TPHCM và khu vực Nam bộ.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên. Đến 1 giờ ngày mai, vị trí tâm bão ở trên địa phận tỉnh Bình Phước.

Trong 12 đến 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ chiều mai, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên lãnh thổ Campuchia.

Theo nhận định của Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan – Phó phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ: Bão sẽ đi qua Nam Trung Bộ và vào khu vực Tây Nguyên rồi tiến qua Campuchia, ít khả năng ảnh hưởng đến TPHCM và khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão, tình hình mưa to gió lớn cũng cần phải đề phòng.

TPHCM: Chuyến tàu cuối di tản dân đã cập bến

Dù bão số 10 không thộc thẳng vào TPHCM như dự báo nhưng công tác di dân ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã được hoàn tất lúc 16h30 chiều nay.

Thực hiện lệnh sơ tản dân khẩn cấp của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, bắt đầu từ 10 giờ sáng nay, 18 chiếc tàu (mỗi chiếc chở được 80-100 người) đã được huy động để di dời dân hai ấp Thạnh Bình, Thạnh Hòa của xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.

 Toàn bộ người dân Thạnh An đã được di dời đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: “Chúng tôi chỉ di dời dân hai ấp Thạnh Bình, Thạnh Hòa với tổng số dân là 3.500 người. Còn 1.000 dân ấp Thiềng Liềng, do khu vực dân cư nằm sâu trong rừng phòng hộ được che chắn nên không di dời. Đến 15 giờ chiều nay thì đã di dời được 2.200 người. Tất cả người già trẻ nhỏ đã được đưa đến nơi an toàn”.

Ông Hiệp còn cho biết thêm: “Dự kiến sẽ di dời 2.700 người, số còn lại là thanh niên trai tráng sẽ ở lại phối hợp cùng các đơn vị chức năng ứng phó bão, bảo vệ tài sản. Người dân sẽ được di dời đến Nhà văn hóa Thiếu nhi, Nhà văn hóa Lao động và Trường Giáo dục chính trị của huyện”.

Tại Nhà văn hóa Thiếu nhi huyện, bà Võ Thị Quấy (74 tuổi), ngụ tại ấp Thạnh Bình cho biết: “Tôi được lệnh tập trung từ 9h sáng, đến 12h trưa thì vào đến đây. Ở đây điều kiện rất tốt, người già được ưu tiên trong hai phòng lớn, sạch sẽ, thoáng mát hơn hẳn các phòng khác”.

  Bộ đội bế một cụ già sức yếu lên bờ. (Ảnh: Nguyên Quý)

Nhiều người dân được di dời khẩn cấp, do quá hoảng sợ nên bị sốc ngất nhưng đã được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện Cần Giờ. Không có bất kỳ tổn thất nào xảy ra trong quá trình di dời.

Chị Phạm Thị Minh (ngụ ấp Thạnh Hòa) cho biết: “Tôi với hai đứa con nhỏ vào đây thôi. Chồng tôi ở lại bảo vệ tài sản rồi nên ba mẹ con chỉ đem theo bịch áo quần để sơ tán. May mà mọi thứ được chu cấp nên không tốn kém gì”.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu sơ tản nhanh chóng, gọn gàng và an toàn, người dân được nhắc nhở chỉ đem theo quần áo hàng ngày. Mọi vật dụng từ mền mùng, chiếu gối, cơm nước, thuốc men… đều được chúng tôi chuẩn bị đầy đủ và phát miễn phí cho bà con. Chỉ có khó khăn ở nhà vệ sinh, vì tập trung tại khu đô thị với lượng người quá lớn nên chưa đảm bảo đủ nhà vệ sinh”.

Đến 16h30 chiều nay, chuyến tàu cuối cùng đã cập bến an toàn. Đây là chuyến chở những người dân không chịu di dời vì coi thường cơn bão. Nhưng UBND huyện đã kiên quyết cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Tất cả lực lượng 750 công an, bộ đội, dân quân… của huyện Cần Giờ đã được huy động để hỗ trợ nhân dân di dời. Sau 16h30, họ tiếp tục cùng 800 thanh niên trai trái địa phương ở lại giằng chống nhà cửa, bám trụ ứng phó với bão, bảo vệ tài sản cho người dân.

Khánh Hòa: Nước sông dâng cao, hàng ngàn HS phải nghỉ học

Mực nước ở các con sông trên địa bàn vẫn tỉnh Khánh Hòa đang có nguy cơ vượt báo động 3, nhiều tuyến giao thông trọng yếu đã bị ách tắc.

Nhiều nơi trong TP Nha Trang nước ngập xấp xỉ 1m. (Ảnh: Đinh Trung)

Huyện Ninh Hòa, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về người (8 người chết, 1 người mất tích) và tài sản trong đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua nay lại đối diện với những thách thức khi hồ thủy điện Eakronru đã gần đạt mức phải xả tràn.

Sáng nay, Ban PCLB huyện Ninh Hòa đã di dời dân những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn và trong buổi chiều, 100% học sinh tại huyện này sẽ nghỉ học.

Ninh Thuận – Bình Thuận: 100% tàu thuyền đã vào bờ an toàn

Tính đến thời điểm này, tất cả các tàu thuyền của hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã vào bờ trú bão an toàn.

Tại Bình Thuận, tỉnh được dự báo là trung tâm ảnh hưởng chính của bão số 10 đang có mưa lớn, nước trên sông đã dâng cao; nhiều tuyến đường trong thành phố Phan Thiết đang bị ngập và hàng trăm hộ dân sống ở vùng trũng đang khẩn trương di dời dân.

Tại Ninh Thuận, sáng nay Ban PCLB tỉnh đã chỉ đạo cho các ban ngành cùng các địa phương tiến hành phòng chống bão theo phương châm bốn tại chỗ; tỉnh cũng đã chỉ đạo cho tất cả các trường học phải nghỉ học để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Phú Yên: 18 tàu thuyền đang nằm trên biển

Thông tin từ Ban PCLB tỉnh Phú Yên cho biết, hiện toàn tỉnh đang còn 18 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với 160 lao động đang còn ngoài biển Đông, rất may, các phương tiện thông tin truyền thông của các tàu thuyền này vẫn giữ được liên lại với đất liền. Được biết, số tàu thuyền này đang di chuyển về hướng đông để tránh bão.

Tùng Nguyên – Đoàn Quý – Đinh Trung (dantri.com.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)