Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TPHCM xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu 2016-2020

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 5-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành chức năng về việc xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu thành phố giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Mục tiêu của đề án nhằm cụ thể hóa và phục vụ kịp thời công tác điều hành của UBND TPHCM trong việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động xuất khẩu trên địa bàn theo hướng bền vững, trong đó thành phố sẽ chọn các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm toàn cầu, có tiềm năng phát triển về tốc độ tăng trưởng lần giá trị gia tăng, phù hợp với vai trò và vị thế thành phố. Đề án cũng tập trung phân tích các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu, các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây và các sản phẩm nhận diện là có tiềm năng để phát triển.

Người dân Myanmar chọn mua các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tại Hội chợ triển lãm thương mại – dịch vụ – du lịch do UBND TPHCM tổ chức tại TP Yangon – Myanmar Ảnh: HẢI HÀ

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, việc xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu thành phố giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo là cần thiết. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2016 nhập siêu luôn tăng cao, trong khi xuất khẩu bị chựng lại vì nhiều lý do, thì đề án này phải được xem là một trong những giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế thành phố. Các nội dung của đề án phải được đề cập song song và phải bám sát vào Nghị quyết 12, 7 chương trình đột phá và các kế hoạch, các chương trình hành động của thành phố, mới có thể mang lại hiệu quả cao. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Công thương – đơn vị chủ trì xây dựng dự án cần có báo cáo đánh giá kết quả chương trình chuyển dịch xuất khẩu giai đoạn 2008-2015, đồng thời gửi dự thảo đề án chương trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu 2016-2020, định hướng những năm tiếp theo đến các thành viên Ban chỉ đạo soạn thảo đề án để lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện, trình UBND thành phố sau 7 ngày làm việc.

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng đồng ý với đề xuất của Sở Công thương trong việc chọn đơn vị tư vấn xây dựng là Viện Chính sách Công (Đại học Kinh tế TPHCM), Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO và các chuyên gia thuộc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cùng thực hiện. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến: “Đây là đề án kinh tế, chứ không phải đề tài nghiên cứu khoa học, do vậy, trong quá trình xây dựng đề án phải đảm bảo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, ngắn gọn, định hướng triển khai phải sát với thực tiễn. Ban chỉ đạo phải hoàn thiện đề án vào tháng 12-2016 để phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện vào tháng 1-2017”.

Theo Sở Công thương, kết quả thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu  xuất khẩu giai đoạn 2008-2015, tốc độ tăng trưởng chung của thành phố chỉ đạt 5,97%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 13% và cũng thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước khi trừ dầu thô giai đoạn 2011-2015 là 18,7%. Nguyên nhân chính là các chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu được đề xuất bởi các sở, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước một cách riêng lẻ, chưa bám sát các chiến lược hay kế hoạch tổng thể để có thể xác định các chương trình mang tính ngắn hạn cần triển khai ngành, các chương trình mang tính chất hỗ trợ dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, các chương trình đề xuất mang tính chủ quan, không đặt yếu tố thị trường làm trọng tâm, do vậy các chương trình và các nhóm giải pháp mặc dù triển khai khá nhiều nhưng không đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt trong giai đoạn 2008-2010.

Bên cạnh những điều còn hạn chế, thì từ chương trình chuyển dịch, quy mô xuất khẩu của TPHCM tiếp tục được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu dần phục hồi. Sự chuyển dịch cơ cấu giữa các nhóm ngành phù hợp với mục tiêu và định hướng chuyển dịch cơ cấu của thành phối, khi tỷ trọng nhóm công nghiệp tăng từ 52,7% năm 2011 lên 74,4% năm 2015 và đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2015 tỷ trọng nhóm công nghiệp chiếm 54,4%; nhóm nông lâm thủy hải sản theo xu hướng giảm dần tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (giảm từ 25,5% năm 2011 xuống còn 18,4% vào năm 2015). Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, chuyển dần tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu. Cơ cấu xuất khẩu của thành phố chuyển dần theo hướng xuất khẩu dịch vụ. Thị trường xuất khẩu của thành phố tiếp tục được mở rộng, hàng hóa của thành phố đã có mặt tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ.

UYỂN CHI/ SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)