Thứ năm, 4/7/2024, 21h21

TP.HCM: Xử lý xe dù, bến cóc

Về tình trạng xe hợp đồng trá hình vẫn diễn ra ở TP, ông Nguyễn Kiên Giang - Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT cho biết, theo thống kê mới nhất, đến tháng 4-2024, Sở GTVT ghi nhận ghi có 87 vị trí có hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố (tăng 17 điểm so với tháng 10-2023).


Ông Nguyễn Kiên Giang đại diện Sở GTVT thông tin tại họp báo

Ngày 27-6-2024, Sở GTVT tiếp tục có Công văn số 8204/SGTVT-VTĐB yêu cầu Thanh tra Sở GTVT rà soát và có báo cáo trước ngày 15-7-2024 để Sở GTVT tiếp tục thông tin đến CATP, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra, xử lý vi phạm.

Sở GTVT giao nhiệm vụ Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát các vị trí có hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn TP theo địa bàn quản lý, để đề xuất đưa ra giải pháp xử lý về tổ chức giao thông, cải tạo kết cấu hạ tầng, lắp đặt biển báo và camera giám sát giao thông, kiểm tra xử phạt... và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan với mục tiêu ngăn chặn tình trạng phương tiện vận tải đón trả khách không đúng nơi quy định.

Thông tin về tình trạng này, Thượng tá Tân Xuân Tiên - Phó Trưởng Công an TP.Thủ Đức cho biết, Ban chỉ huy Công an TP.Thủ Đức đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp tổng kiểm tra hơn 20 nhà xe, bến bãi. Cho hơn 20 chủ nhà xe, 100 tài xế lái xe cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông như: nồng độ cồn, ma túy, các chất kích thích khác, điều kiện tham gia giao thông (giấy phép lái xe, hóa đơn chứng từ...).

Xe vận chuyển hành khách tuyến cố định núp bóng hình thức xe hợp đồng. Xe hợp đồng loại hình này thực hiện theo hợp đồng vận tải, là sự thoả thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải; các đơn vị kinh doanh vận tải được đón, trả khách tại các điểm được ghi trong hợp đồng, khi vận chuyển hành khách, người lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách (theo mẫu) và cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển đến Sở Giao thông Vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, thực tế quá trình hoạt động, các nhà xe đã đón từng hành khách lẻ tại các bến bãi, trước và trong khuôn viên trụ sở văn phòng, trong khuôn viên các cây xăng… hoạt động tương tự như xe vận tải hành khách theo tuyến cố định tại các bến xe khách, hình thành các “bến cóc”, “xe dù” gây mất trật tự, an toàn giao thông và không đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách.


Thượng tá Tân Xuân Tiên - Phó Trưởng Công an TP.Thủ Đức

Xe vận chuyển hành khách tuyến cố định nhưng sau khi đăng ký hoạt động trong bến rồi ra ngoài đón, trả khách không đúng quy định, hoạt động như tính chất “xe dù”.

Thời gian qua, việc di dời một số tuyến cố định từ Bến xe Miền Đông cũ sang Bến xe Miền Đông mới để giảm áp lực phương tiện vào khu vực trung tâm TP, tuy nhiên một số nhà xe lợi dụng thói quen sử dụng dịch vụ và nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, vì vậy để thuê các bãi trông giữ xe, cây xăng, điểm kinh doanh trá hình để thực hiện việc đón, trả khách không đúng nơi quy định.

Các nhà xe hoạt động “bến cóc”, “xe dù” luôn tìm cách đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Các nhà xe cử người canh lực lượng chức năng, lực lượng cảnh sát giao thông, luôn tìm cách đối phó, các nhà xe dừng đón khách rất nhanh. Khi các nhà xe thấy cảnh sát thì không đón, khi vắng bóng cảnh sát là dừng đón khách chớp nhoáng. Khi lực lượng chức năng, lực lượng liên ngành kiểm tra, xử lý liên tục một số bến bãi, nhà xe sẽ di chuyển đến địa điểm khác gần đó đón, trả khách tạm hoặc đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.

Thượng tá Tân Xuân Tiên cũng cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu của Bộ Giao thông vận tải về thiết bị giám sát hành trình vẫn chưa hoàn thiện, việc xác định vị trí, thời gian dừng, đỗ, lái xe, hành trình của xe chưa thật sự chính xác để có cơ sở xử lý vi phạm triệt để.

Sắp tới, các lực lượng liên quan cần thống nhất với nhau, quyết liệt xử lý triệt để “bến cóc”, “xe dù”.

Đặc biệt là việc dẹp “bến cóc” rất quan trọng vì không có bến bãi để đón trả khách trái phép thì “xe dù” sẽ chấm dứt. Trong đó, phải xét đến trách nhiệm chính trong khâu quản lý, cấp phép hoạt động bến bãi thuộc trách nhiệm chính của các lực lượng chức năng nào: Thanh tra giao thông hay Chính quyền địa phương, gắn trách nhiệm cụ thể nếu để phát sinh, hình thành “bến cóc”. Đặt trách nhiệm đúng vai của địa phương và đúng vai của Sở, ngành chức năng. Xem xét nghiên cứu thẩm quyền, tiêu chí cấp GPKD. Có cơ chế phù hợp phát huy vai trò tư lệnh của Sở GTVT (có thể phủ quyết các điều chỉnh các văn bản GPKD vận tải không phù hợp, tác động tiêu cực đến TTATGT vận tải hành khách.

Ngoài ra cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động của các nhà xe và các vi phạm pháp luật có liên quan (không chỉ trong hoạt động giao thông vận tải).

Lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm liên quan đến các phương tiện vận tải hành khách hoạt động hình thức “bến cóc”, “xe dù”, áp dụng cả hai hình thức “phạt nóng” và “phạt nguội”. Những vi phạm phát hiện qua hình ảnh ghi lại thì phạt nguội và thông báo công khai, cập nhật thông tin trong dữ liệu chung. Tái phạm ở địa phương khác vẫn tra cứu được và xử lý với mức nghiêm khắc hơn. Tiếp tục thực hiện tổng kiểm soát xe vận tải hành khách và container theo Kế hoạch số 382/KH-BCA-C08.

Ngoài ra TP.HCM sẽ cũng tăng cường kênh tiếp nhận các phản ảnh về “bến cóc”, “xe dù”. Từ khi áp dụng quy định cấm xe khách giường nằm vào nội đô, nhiều nhà xe đã tìm địa điểm ở các vùng ven, lén lút lập bến trái phép. Người dân có thể ghi hình làm bằng chứng, gửi cho ngành chức năng. Mọi phản ảnh của nhân dân cần được ghi nhận, xác minh và xử lý kịp thời. Chính quyền địa phương có thể kiểm tra “nóng”, xử phạt cả đối với chủ hộ cho thuê mặt bằng lập “bến cóc”.

Thủy Phạm