Ấn Độ đang thận trọng trước các tác động từ thỏa thuận Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được, theo bài viết đăng trên tờ The Economics Times (Ấn Độ) hôm 7.10.
Sau 5 năm đàm phán, vào ngày 4.10 qua, 12 quốc gia Thái Bình Dương đã đạt được sự đồng thuận về TPP. Các nước này gồm có Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.
The Economics Times cho biết các vòng đàm phán TPP đều diễn ra trong phòng họp kín, khiến cho các quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ, lo lắng.
“Ngoài việc Ấn Độ có khả năng bị mất thị phần tại Mỹ vào tay các nước thành viên TPP như Việt Nam, hiện còn có mối quan ngại rằng các vấn đề liên quan đến lao động, môi trường và bảo hộ đầu tư sẽ được thảo luận thường xuyên hơn tại các cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, nhật báo Ấn Độ bình luận.
Trên thực tế, các quan chức thương mại Ấn Độ đã lên tiếng cho biết có 7 nước TPP, vốn cũng thuộc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà New Dehli đang là thành viên, sẽ gây áp lực buộc các thành viên khác của RCEP thảo luận về các điều khoản của TPP.
“Chúng tôi cho rằng các quốc gia đã ký kết cả 2 hiệp định thương mại tự do (TPP và RCEP) có thể sẽ gây áp lực và đòi phải có sự tương thích giữa 2 hiệp định”, một quan chức thương mại Ấn Độ nói với The Economics Times trước thềm vòng đàm phán RCEP kế tiếp tại Hàn Quốc vào tuần tới.
Nhật báo Ấn Độ nhận định thêm rằng không chỉ có New Dehli, Trung tâm Thương mại và Phát triển Quốc tế(ICTSD), một tổ chức phi chính phủ lâu đời có trụ sở tại Thụy Sĩ, mới đây cũng đã có báo cáo nghiên cứu nhận định rằng các quốc gia không thuộc TPP sẽ gặp khó khăn nếu các quy định thương mại và nhượng bộ về thuế quan mới của hiệp định mới ảnh hưởng đến hoạt động giao thương của họ với các nước TPP.
“Ấn Độ không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ và đó là yếu tố có thể khiến Ấn Độ bị thiệt. Việt Nam cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và nước này hiện đã có lợi thế hơn New Dehli (nhờ TPP). Hàng hóa Việt Nam trong các lĩnh vực như may mặc và giày da sẽ được miễn thuế khi vào Mỹ”, ông Abhijit Das, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu WTO thuộc Viện Thương mại quốc tế Ấn Độ, cảnh báo.
Theo TNO
Bình luận (0)