Dự án “Trà an thần giải lo âu Assamica” của nhóm sinh viên MedTech (Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “Bách Khoa Innovation 2021” do trường này tổ chức với sự bảo trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Các sinh viên trong nhóm thực hiện dự án (Nguyễn Hoàng Long đứng bìa phải)
Đây là năm thứ tư cuộc thi được tổ chức, thu hút trên 334 lượt sinh viên đến từ nhiều trường tham gia như: ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM…
Cải thiện sức khỏe người sử dụng
Nguyễn Long Hoàng (đại diện nhóm sinh viên MedTech) cho biết trà an thần giải lo âu Assamica được phát triển từ nguồn dược liệu quý Crotalaria assamica, lần đầu tiên được nghiên cứu, trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ tại vùng núi cao Langbiang (tỉnh Lâm Đồng). Quy trình sản xuất hoàn toàn xanh, được quản lý bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến – giúp tối ưu chi phí, cũng như dễ dàng cải tiến từ quy trình có sẵn. Hiệu quả sản phẩm được khẳng định thông qua các thử nghiệm chuyên sâu trên 3 cấp độ, trà Assamica đem lại hiệu quả giảm stress vượt trội, không gây tác dụng phụ và cải thiện rõ rệt sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt, nhóm tác giả đã tạo ra 4 dòng sản phẩm là trà túi lọc, trà hòa tan, trà đóng chai, trà ly tiện dụng; được tích hợp hệ thống tem NFC để truy xuất nguồn gốc và giúp người dùng hiểu rõ về cách sử dụng. Sản phẩm đã và đang hoàn tất các thủ tục về đăng ký độc quyền sáng chế, thương hiệu cũng như giấy phép lưu hành.
Theo Nguyễn Long Hoàng, dự án hội tụ nhiều điểm nổi trội như nguồn nguyên liệu và công nghệ chiết xuất hoàn toàn mới; bao bì sản phẩm là phụ phẩm của quá trình sản xuất, hoàn toàn xanh và an toàn với người dùng; sản phẩm đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng…
Từng bước phát triển sản phẩm
Dự án “Trà an thần giải lo âu Assamica” chính là bước tiếp nối từ đề tài “Nghiên cứu khả năng an thần giải lo âu từ hạt của cây lục lạc lá ổi dài” (Crotalaria Assamica benth) do Nguyễn Long Hoàng cùng bạn Võ Viết Tiến (hiện là sinh viên ngành dược Trường ĐH Tôn Đức Thắng) thực hiện, và đã đoạt giải nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia lĩnh vực hóa – sinh dành cho học sinh trung học năm 2015. Cùng xuất thân từ tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Long Hoàng và Võ Viết Tiến đều nhận thấy Assamica là một loài dược liệu quý, tuy nhiên người dân nơi đây chưa thấy hết tiềm năng của loại cây này cũng như chưa có phương pháp trồng trọt, thu hoạch, sản xuất phù hợp với công dụng của cây. Trong khi đó, tình trạng stress diễn ra ngày một nghiêm trọng trong đời sống. Đây là lý do thôi thúc nhóm nghiên cứu ra được một sản phẩm ưu việt, góp phần giảm stress, nâng cao sức khỏe cho người dùng.
SÂN CHƠI HIỆN THỰC HÓA CÁC Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “Bách Khoa Innovation 2021” là sân chơi – nơi sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng, mô hình sáng tạo khởi nghiệp và các nghiên cứu khoa học, qua đó giải quyết những nhu cầu thực tế của xã hội bằng giải pháp kỹ thuật, công nghệ, quản trị. Cuộc thi năm nay mở rộng cho nhóm đối tượng là những sinh viên đã tốt nghiệp trong vòng 2 năm trở lại đây, không giới hạn lĩnh vực đăng ký tham gia cũng như khuyến khích các đề tài ứng dụng đã được học tại trường. Các đội thi được hỗ trợ tài chính để xây dựng dự án/sản phẩm và những dự án đoạt giải được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh “Trà an thần giải lo âu Assamica”, nhiều đề tài nổi bật về chăm sóc sức khỏe cũng hội tụ tại cuộc thi như: Chẩn đoán bệnh từ xa qua âm thanh phổi; thiết bị hạ thủy mật ong; sản phẩm sơ cứu các loại vết thương từ những nguyên liệu thiên nhiên có khả năng tạo màng trên da…
|
Theo Nguyễn Long Hoàng, dự án “Trà an thần giải lo âu Assamica” có nhiều tháng liền bị chững lại vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mọi hoạt động được chuyển qua trực tuyến. Chưa kể, khối lượng công việc nhiều, các thủ tục liên quan đến kiểm định chất lượng, đăng ký sở hữu trí tuệ phải thực hiện không ngừng. Tuy có tới 6 thành viên nhưng vì đa số học khối kỹ thuật nên việc xây dựng mô hình kinh doanh, khảo sát thị trường, làm truyền thông… đối với nhóm tương đối khó khăn. Nhờ được kết nối và nghe góp ý từ rất nhiều anh chị, người hướng dẫn có kinh nghiệm trong ngành thực phẩm, dược phẩm…, nhóm đã tháo gỡ được vấn đề này. “Dù vậy, một dự án liên quan đến sức khỏe phải trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm trên các cấp độ khác nhau, tốn rất nhiều thời gian. Rồi sản phẩm sau khi dùng thử cũng phải thay đổi rất nhiều để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, cần nhiều thời gian hơn nữa”, Nguyễn Long Hoàng chia sẻ.
Thời gian tới, nhóm nỗ lực thực hiện nhiều bước cải tiến hơn nữa, nhất là với công nghệ AI và tem NFC để thuận tiện cho quá trình sản xuất cũng như người tiêu dùng. Và để dự án được hiện thực hóa vào thực tế nhanh hơn, nhóm cũng tìm kiếm nhà đầu tư thiên thần, song song đó, tiếp tục hoàn thiện các thử nghiệm ở cấp độ 3 và các bộ tiêu chuẩn theo yêu cầu của Bộ Y tế, hoàn thiện mô hình kinh doanh.
Thục Trân
Bình luận (0)