Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trả bài đầu giờ – nên hay không nên?

Tạp Chí Giáo Dục

Đã hơn 40 năm trôi qua (1971), hồi tôi còn học lớp 10 (hệ 10 năm ở miền Bắc) nhưng thỉnh thoảng đêm ngủ tôi vẫn còn chiêm bao thấy mình bị thầy Mậu (dạy toán) gọi lên bảng trả bài! Ám ảnh vô cùng khi thầy mở sổ điểm, rà trên xuống chừng nửa gang tay (vì vần D nằm ở quãng này), thầy dừng lại và tim tôi đập thình thịch báo trước một điều ghê gớm sắp xảy ra. “Lê Đức Đồng, lên bảng !” – giọng thầy vang lên ngắn gọn, đầy uy lực cùng với nhịp chân run run của tôi!

Nói thiệt tình, tôi học rất kém toán và bị gọi lên liên tục nên thấy bóng thầy giáo bộ môn toán vào lớp là tôi vô cùng sợ hãi, không còn tinh thần để học… Chắc các bạn khác cũng vậy, rất sợ màn trả bài cũ đầu giờ của thầy cô! Nhưng đó là quy định của “năm bước lên lớp” đã có từ xa xưa (ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, vào bài mới, củng cố, dặn dò). Thầy cô không thể làm khác được, nhất là những tiết thao giảng, dự giờ. Nếu thiếu một trong năm bước trên là chưa đạt yêu cầu, bị góp ý phê bình là không theo quy định…

Các bộ môn tự nhiên thì trả bài bằng hình thức giải bài tập; các bộ môn xã hội thì trả bài bằng hình thức học thuộc lòng các ý, các câu “Ghi nhớ” mà thầy cô đã dặn dò trong các tiết học trước.

Dù đã lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ như in nhiều chuyện bi hài xảy ra: thầy giáo quê Quảng Ngãi, dạy bài địa lý về Ai Cập; kêu một bạn lên trả bài với câu hỏi “Sông Nin có vai trò gì đối với Ai Cập ?” thì bạn ấy trả lời: “Sông Nin là mông quà của thiên nhiên tặng Ai Cập…” như lời thầy giảng bữa trước! Cả lớp ngạc nhiên và thầy cũng tròn mắt ngơ ngác không hiểu… Hóa ra đó là “Sông Nin là món quà của thiên nhiên…” nhưng do thầy phát âm vùng Quảng Ngãi nên bạn ấy thuộc lòng lời thầy luôn…

Vào ngành sư phạm, chúng tôi lại được dạy các bước lên lớp như vậy và cứ thế áp dụng trong quá trình giảng dạy của mình…

Học trò vùng sâu, vùng xa; lứa tuổi trung học đã là người tham gia lao động trong gia đình. Công việc nhà nông, đồng áng rất nhiều nên các em ít có thời gian học bài; thường không thuộc bài khi trả bài đầu giờ và tiết học hôm đó đối với các em là nỗi buồn điểm kém, mất hứng thú cả buổi học…

Vì vậy, tôi chủ trương không hỏi bài đầu giờ như thầy cô khác mà sẽ lồng câu hỏi về kiến thức đã học vào bài mới và gọi các em xung phong trả lời. Như vậy vừa tạo tâm lý thoải mái vừa đảm bảo việc kiểm tra bài cũ, kiểm tra mức độ nắm kiến thức của các em. Mỗi giờ học của tôi là một sự chờ đợi đầy niềm vui của các em; tôi đã từng bị kêu lên bảng, từng bị điểm kém khi trả bài đầu giờ ngày xưa nên tôi rất hiểu tâm trạng các em và các em cũng ngầm hiểu ra như thế và rất cố gắng phát biểu xây dựng bài.

Kiểm tra bài cũ đầu giờ học là một bước trong “quy trình” lên lớp dạy bài mới. Nếu không có bước kiểm tra bài cũ này, thầy cô sợ học trò sẽ chểnh mảng, không học bài… Nhưng chúng ta không nên thực hiện một cách máy móc, cứng nhắc mà cần vận dụng linh hoạt, hiệu quả. Để làm sao mỗi tiết học xong là một niềm vui của thầy lẫn trò trên con đường chinh phục tri thức…

Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)

 

Bình luận (0)