Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM, hầu hết các nguồn nước chưa hoặc đã qua xử lý đều “có vấn đề”. Thế nhưng vì nhiều lý do, hiện có không ít hàng quán chế trà cùng nước lã thành “trà đá” để phục vụ khách hàng. Điều này vừa gây ảnh hưởng đến sức khỏe vừa làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột hoặc nhiễm ký sinh trùng trong cộng đồng.
Những ly trà đá mát lạnh này khó mà biết được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: K.T.
|
7g, khi quán cà phê X-M (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) mở cửa đón khách thì cũng là lúc cô nhân viên của quán múc nước máy đổ vào một cái xô nhựa rồi chế thêm vào đó một ít nước trà đã được pha sẵn.
Khi thấy có 2 vị khách bước vào, cô nhân viên liền lấy 2 tẩy đá mang đến xô, múc nước ra mời khách. P.T.H., một nhân viên của quán, cho biết: “Chủ quán bày cho tụi em làm cách này cho đỡ mất công. Khi nào khách vào thì rót thứ nước trà “pha sẵn” đó vào tẩy là thành trà đá. Còn tụi em, có khát cũng chẳng bao giờ dám uống nước trà đá của quán mình. Nhiều lúc, người ta không lấy nước máy từ vòi mà lại múc nước ở trong chiếc thùng nhựa thường dùng để chứa nước dùng cho khách đi vệ sinh rửa tay…”. Cô nhân viên này giải thích: “Mỗi ngày có hàng trăm khách, mỗi khách kèm theo ít nhất một ly trà đá. Vậy là cũng tới hàng trăm ly, khách không uống thì thôi, ai hơi đâu mà nấu”.
Tưởng chừng cách làm này chỉ có ở những quán cà phê vỉa hè, quán bình dân nhưng không ngờ ở những quán xá, nhà hàng “tên tuổi” cũng áp dụng. Anh Lê Quang T. (nhà ở quận 4, TPHCM) kể: Trước đó anh ngồi uống cà phê với bạn ở một quán cà phê rất sang trọng trung tâm quận 1. Khi uống cà phê xong, anh T. và bạn uống thêm mấy ly trà đá ở quán. Ai ngờ khi vào sau quán đi vệ sinh mới thấy mấy cô nhân viên đang lấy nước máy pha với trà để đem ra cho khách uống. Ngay sau đó anh T. bị đau bụng lâm râm. Anh T. cho biết thêm: “Anh phát hiện nhiều quán cà phê cao cấp ở nội thành như quận 1, quận 3 cũng thường xuyên “cung cấp” cho khách “đặc sản trà đá” này”.
Không chỉ ở quán cà phê, giải khát mà tại nhiều quán cơm, quán phở, hủ tiếu… người ta vẫn dùng loại “trà đá” với phương thức pha chế kể trên để “miễn phí” cho khách. Tại quán cơm tấm trên đường Điện Biên Phủ, (quận Bình Thạnh, TPHCM), chúng tôi chứng kiến cô gái phụ việc cho chủ quán cơm xách thùng vào nhà đối diện lấy nước máy để chế thêm vào thùng trà đá có sẵn trà trước hàng chục con mắt thực khách nhưng không thấy vị khách nào lên tiếng. Thậm chí, có người thản nhiên múc trà đó uống sau khi ăn cơm.
Theo các công nhân ở quận 9 và các sinh viên ở Làng Đại học Thủ Đức, TPHCM, tại nhiều quán cà phê, quán cơm phục vụ cho sinh viên và công nhân thì việc “sản xuất” rồi “miễn phí” trà đá như kể trên là chuyện “thường ngày”. Theo anh L.N.A. (nhà ở quận 7, TPHCM), người ta dùng nước máy là vẫn còn “sang” chứ ở nhiều quán cà phê, quán ăn tại các quận, huyện ngoại thành, người ta vẫn dùng nước giếng khoan để pha với nước trà làm trà đá cho khách uống. Uống vô “thấy” ngay mùi tanh của nước giếng khoan!
Trong khi đó, theo báo cáo của TTYTDP TPHCM, qua kiểm tra trên 4.500 mẫu nước máy có 5% mẫu nhiễm vi sinh và không đạt chuẩn lý hóa. Còn trong 320 mẫu nước giếng khoan ở các huyện vùng ven thành phố, hơn 54% nhiễm vi sinh, nhiễm amoniac, pH, độ đục, độ màu còn nhiễm sắt, mangan và nồng độ nitrate vượt cao so với giới hạn cho phép.
Từ những kết quả kiểm tra trên cho thấy rằng trà đá được nhiều người ưa thích nhưng chất lượng trà đá… thì hãy… coi chừng!.
Tiến Đạt (Theo SGGP)
Bình luận (0)