Cứ nhìn vào thực trạng chẳng hay ho gì của ngành công nghiệp chế tạo ôtô ở Mỹ – qua tình hình khó khăn hiện nay của ba đại gia là General Motors, Chrysler và Ford – đủ để có thể thấy được thực trạng và triển vọng cũng chẳng mấy sáng sủa gì của ngành công nghiệp này trên phạm vi thế giới.

Đồng thời, nhìn vào cung cách cứu trợ của chính phủ và quốc hội Mỹ cũng đủ để thấy khuôn mẫu đối phó khủng hoảng nói chung. Ba tập đoàn này cầu xin chính phủ Mỹ tổng cộng 34 tỷ USD nhưng chính phủ và quốc hội Mỹ mới chỉ đồng ý chi cho 15 tỷ USD, đương nhiên là đâu có cho không. Ba tập đoàn này phải trả cái giá không hề nhỏ, thậm chí còn đau đớn nữa là khác, nhưng đó là lối thoát duy nhất khỏi khủng hoảng và cả ba đều phải trả giá để tiếp tục tồn tại.

Những điều kiện ngặt nghèo và sự kiểm soát sát sao, thậm chí cả áp lực trực tiếp để thay đổi nhân sự lãnh đạo tập đoàn đi cùng như hình với bóng theo chương trình cứu trợ này. Trên thực tế, một khi đã sử dụng tiền của nhà nước thì các tập đoàn nầy không còn tự chủ hoàn toàn nữa. Chính phủ sẽ cử ra một người kiểm soát bao trùm với quyền rút về toàn bộ số tiền đã bỏ ra cứu trợ khi thấy các đại gia ôtô này làm ăn không có lãi, không chịu cải tổ sản xuất và nhân sự. Nếu muốn sử dụng số tiền này thì các tập đoàn kia phải đệ trình kế hoạch cải tổ bộ máy và kinh doanh. Cũng chính vì thế mà thiên hạ đang đồn ầm chuyện CEO của General Motors, ông Rick Wagoner,  bị ép phải khăn gói ra đi vì bị coi là cản trở mọi công cuộc cải tổ ở tập đoàn này. Theo dự báo của ông Paul Krugmann, nhà kinh tế học Mỹ mới được trao giải thưởng Nobel về kinh tế, ngành công nghiệp chế tạo ôtô ở Mỹ không còn có thể phục hồi được nữa. Nếu lời tiên tri này thành sự thật thì vô cùng tai hại đối với uy danh quốc tế của nền kinh tế Mỹ vì cả ba đều được coi như một phần diện mạo và bản sắc kinh tế của Mỹ. Chỉ riêng việc ba tập đoàn này phải cầu viện chính phủ để tránh bị phá sản cũng đã đủ để thiên hạ nhìn nước Mỹ hiện tại bằng con mắt khác trước.

Cho nên chính phủ Mỹ phải cứu và hai đảng lớn trong nghị viện Mỹ rồi cũng đi tới nhất trí với nhau về phương án cứu họ, chỉ có điều không phải bằng mọi giá mà thôi trong khi cả ba tập đoàn đều phải chấp nhận mọi giá để tiếp tục tồn tại. Câu hỏi đặt ra là tới đây chuyện tương tự sẽ xảy ra ở đâu và sẽ còn lây lan ra ngành nào.

Thụy Vân (dddn)