Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Trả lại phần đường dành cho người đi bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Có nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đối với người đi bộ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do người đi bộ không đi đúng phần đường quy định” – một cán bộ Đội tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ công an TP.HCM cho biết.

Phần đường nào dành cho người đi bộ?

Một người dân đi tắt bằng cách bước ngang dải phân cách đường (ảnh chụp trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh)Vỉa hè là lối đi dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, trên địa bàn TP.HCM, hầu hết vỉa hè chưa đảm bảo vấn đề hè thông lề thoáng bởi tình trạng đậu đỗ xe, tổ chức giữ xe lấn chiếm vỉa hè… Cụ thể như vỉa hè đường Cách mạng Tháng Tám, đường Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh… thì hàng rong, xe cộ chiếm hầu hết. Đường Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, đoạn giáp đường Tôn Đức Thắng đến cổng Bệnh viên Nhi Đồng 2, hai bên vỉa hè một tấc cũng không còn trống, xe để san sát, người đi bộ đi ở đâu? Anh Đặng Văn Hoàng ở quận Tân Bình đang đậu xe dưới lòng đường Nguyễn Du đợi vợ đưa con vào khám bệnh tại BV Nhi Đồng 2 nói: “Vỉa hè không còn một chỗ trống, xe không có chỗ đậu nói gì đến người đi bộ”.

Tại phường 4, quận Tân Bình, vỉa hè bị những hộ kinh doanh lấn chiếm để hàng hóa, xe cộ dày đặc. Ngay góc đường 3/2 – Cao Thắng, quận 10, quán cà phê Điểm Hẹn Sài Gòn chiếm trọn đoạn vỉa hè này để giữ xe. Người đi bộ dù không muốn vẫn phải đi xuống lòng đường mới qua được đoạn này. Đường Phan Đăng Lưu (đoạn gần trường ĐH Mỹ Thuật) lô cốt chiếm khoảng 2/3 lòng đường. Vì thế, các phương tiện đua nhau chạy trên vỉa hè khiến người đi bộ trên vỉa hè đoạn này cũng rất nguy hiểm.

Nhiều thang bộ hành – lối đi dành cho người đi bộ cũng bị chiếm dụng! Nhiều xe hàng rong đậu ngay trên vạch thang bộ hành, người đi bộ chỉ còn cách đi lấn sang phần đường của phương tiện khác. Quan sát tại các cổng trường, nhiều nhóm học sinh, SV vi phạm khi qua đường không đúng phần đường dành cho người đi bộ hay khi tín hiệu giao thông chưa cho phép. Giờ tan học, nhiều học sinh Trường Dân lập Thanh Bình (đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình), Trường THCS Ngô Quyền (đường Trường Chinh, quận Tân Bình) tràn ra đường vừa gây kẹt xe vừa dễ gây tai nạn. Trưa ngày 10-11-2008, quan sát học sinh Trường THCS Colette giờ tan học, mặc dù đi đúng vạch thang bộ hành trên đường CMT8, quận 3 nhưng xe cộ vẫn chạy ào ào, học sinh chỉ còn biết vừa đi vừa vẫy tay xin đường và… né xe. Tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 cũng vậy. Mặc dù ngã tư này có hệ thống tín hiệu giao thông, nhưng các loại phương tiện vẫn vượt đèn đỏ, chạy ào ào khiến học sinh các trường gần đó phải hết sức cảnh giác nếu không muốn bị tai nạn khi qua đường.

Tại chợ Hòa Hưng, đường CMT8, quận 10, người bán hàng bày biện hàng ra tận lòng đường, người đi bộ không còn cách nào khác là phải đi xuống lòng đường. Ngay trước chợ có vạch thang bộ, tuy nhiên mọi người vẫn có thói quen tùy tiện băng ngang đường mặc cho dòng xe cộ bóp còi inh ỏi.

Đi bộ cũng cần đúng luật

Thông tin từ đội Tuyên truyền hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ – Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ công an TP.HCM cho biết: Thống kê 10 tháng đầu năm 2008 (từ 1-1-2008 đến 31-10-2008) trên địa bàn TP.HCM xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ làm 57 người chết, 23 người bị thương, gây hư hỏng 42 phương tiện. Riêng tháng 10-2008 xảy ra 11 vụ làm 10 người chết, 2 người bị thương, gây hư hỏng 4 phương tiện. Năm 2007 xảy ra 93 vụ làm 67 người chết, 43 người bị thương.

Nhìn SV Trường ĐHKHXH &NV băng qua đường mới “khiếp”. Nhiều ôtô đang tăng tốc cố vượt qua ngã tư trước khi đèn đỏ phải thắng… lết bánh vì SV băng qua đường! Mặc dù có vạch thang bộ hành gần cổng trường nhưng SV vẫn tùy tiện băng ngang đường, trong khi đoạn đường này lưu lượng xe cộ qua lại rất lớn. Minh Thư – SV của trường cho biết: “Ngay đối diện cổng trường là dãy tiệm photo, khi cần tụi em chạy ù qua là tới nơi rồi. Còn đi đúng luật phải vòng xuống một đoạn hơi xa”. Sáng 11-11-2008 quan sát trước trụ sở Chi cục thuế quận Bình Thạnh, nhiều người đến liên hệ công tác không ngần ngại bước qua dải phân cách, len lỏi qua dòng xe cộ đông đúc rất nguy hiểm.

Điều 12 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ nêu rõ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thi hành Nghị định này còn gặp nhiều khó khăn. Một cán bộ Đội Tuyên truyền hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ cho biết: “Chủ yếu vẫn là nhắc nhở, khó chế tài bằng hình thức phạt. Đối với người đi tập thể dục không giấy tờ tùy thân gì hết thì làm sao phạt được. CSGT đâu có thể giữ người ta, làm sao buộc người ta quay lại nộp phạt. Cơ bản vẫn là ý thức người dân trong việc chấp hành Luật giao thông và đảm đảo sự an toàn cho chính bản thân mình và người khác”.

Để an toàn cho mình và mọi người, điều cần thiết nhất đối với người đi bộ là hiểu và tuân thủ Luật Giao thông đường bộ dành cho người đi bộ. Ngoài ra, để người đi bộ đi đúng phần đường dành cho họ, các cơ quan chức năng phải có kế hoạch giải tỏa các vỉa hè, các vạch thang bộ hành bị lấn chiếm, trả lại lối đi an toàn cho người đi bộ.

Bài và ảnh: Công Việt

Bình luận (0)