Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Trả lại vẻ đẹp cho kiến trúc Ðà Lạt

Tạp Chí Giáo Dục

Giữa hơn 2.000 ngôi biệt thự cũ ở thành phố Ðà Lạt có đến 1.000 biệt thự, dinh thự, thánh đường được xem là cổ nhất và đặc biệt hơn, được xem là mẫu hình tiêu biểu của nền kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19. Hầu hết các kiến trúc sư Việt Nam và nước ngoài đều cho rằng đây là những tác phẩm kiến trúc độc đáo, vừa hoàn thiện về mặt thẩm mỹ, vừa hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, do sự buông lỏng về quản lý, hàng chục năm qua, di sản kiến trúc quý giá ấy không ngừng bị mai một, xuống cấp trầm trọng…

Hệ thống di sản kiến trúc vô giá…

Ảnh dalat.gov.vnLinh hồn của một thành phố chính là kiến trúc. Ðể xây dựng Ðà Lạt, viên toàn quyền Pháp tại Ðông Dương Paul Dumer đã huy động nhiều nhà quy hoạch, giám sát mọi hoạt động xây dựng. Ông ta muốn Ðà Lạt là một thành phố toàn vẹn, phù hợp với dáng dấp một đô thị vùng cao. Vào năm 1921, kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng thế giới Ernét Hébơra được giao nhiệm vụ thiết lập đề án quy hoạch Ðà Lạt. Với ý đồ xây dựng Ðà Lạt thành thủ phủ của Ðông Dương, tư tưởng chủ đạo của kiến trúc sư này là tập trung vùng cư dân quanh các hồ (có tất cả 8 hồ từ đông bắc xuống tây nam thành phố). Theo đó, có các khu quân sự, bệnh viện, trường học, thao trường, hành chính, đồn điền, khu nhà ở của người Âu, khu nhà ở của người Việt, khu phát triển cho người Pháp, khu an dưỡng, khu chợ…

Sau E.Hébơra còn có thêm đồ án của các kiến trúc sư Pino (1933), Monde (1940) rồi Lagixkê. Ðặc điểm chung của các đồ án trên là tôn trọng thiên nhiên, cố gắng duy trì vẻ đẹp của cảnh quan. Và như vậy, từ một vùng rừng núi hoang dã, nhiều kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thời đó đã thổi vào vùng đất này một linh hồn.

Từ ngôi nhà tranh đầu tiên, đến mười ngôi nhà gỗ theo kiểu nhà vùng miền núi nước Pháp, năm 1930 Ðà Lạt đã có đến 398 ngôi biệt thự đồ sộ bằng bê- tông cốt thép ra đời. Năm 1949, toàn thành phố đã có trên 1.000 biệt thự, dinh thự. Ðiều độc đáo là không có biệt thự nào giống biệt thự nào, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc hoàn mỹ. Qua biết bao thăng trầm lịch sử, dù có rất nhiều công trình kiến trúc mới ở Ðà Lạt ra đời nhưng những công trình xây dựng buổi đầu tiên ở đây vẫn không thể lẫn vào đâu được. Các biệt thự ở đường Trần Hưng Ðạo được xây theo lối kiến trúc miền bắc nước Pháp với sườn gỗ, tường trám gạch. Khu biệt thự ở đường Cô Giang thì được xây theo phong cách kiến trúc miền đông nam nước Pháp, nhìn bề ngoài có dáng vẻ một góc lâu đài, mái dốc, nhà nhỏ. Khu biệt thự cuối đường Quang Trung thì lại có kiến trúc theo kiểu biệt thự vùng miền nam nước Pháp. Những biệt thự này mặt tiền xây uốn hình cung, mái lợp ngói nhưng gần sát mái luôn có một đường viền bằng ngói uốn, sàn gỗ, phòng rộng. Các công trình như Nha Ðịa dư (nay là Xí nghiệp in Bản đồ), Trường A.Yersin (nay là Trường CÐSP), nhà ga Ðà Lạt… lại mang lối kiến trúc miền đông nước Pháp. Ðặc điểm chung: nhà – biệt thự luôn có vườn hoa, cách xa nhau, có tầm nhìn rất thoáng và hướng đẹp, nhìn ra rừng thông, nhìn về núi Lang Bian hoặc 99 điểm cao của thành phố. Các biệt thự ẩn mình giữa đồi thông và chiều cao của công trình không vượt quá ba tầng bởi chủ nhân không muốn che khuất rừng cây và không gian đô thị…

Lãng phí và hoang phế

Ðứng trước những biệt thự, công thự cổ còn sót lại ở Ðà Lạt, chúng ta không khỏi thán phục tầm nhìn xa và góc nhìn tinh tế của các nhà quy hoạch, kiến trúc thời đó. Tài năng và tinh thần sáng tạo của họ đã để lại cho Ðà Lạt một di sản kiến trúc đồ sộ và vô cùng giá trị. Thật không quá khi nói: Ðà Lạt là một “bảo tàng” kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19 tại Ðông Dương. Thế nhưng, một thời gian kéo dài, di sản kiến trúc biệt thự vô giá của Ðà Lạt đã bị buông lỏng quản lý. Hậu quả dẫn đến là quỹ biệt thự đã phải đối diện với nhiều đợt “tàn phá”.

Cuộc “tàn phá” quy mô lớn nhất là sau ngày đất nước thống nhất, do những tác động cơ học, do chưa nhận thức đầy đủ về giá trị nên việc biến những tòa biệt thự, dinh thự sang trọng thành các khu nhà ở tập thể nhếch nhác trở nên phổ biến. Thêm vào đó, một lực lượng dân nhập cư tự do đã tràn vào chiếm cứ. Qua hàng chục năm, họ vẫn ở lỳ trong những tòa nhà ấy và dần trở thành những chủ nhân hợp pháp. Cách đây không lâu, chúng ta được chứng kiến toàn bộ khu biệt thự trên đường Nguyễn Du là một “tổ hợp chung cư” của cán bộ, công nhân viên Tỉnh ủy Lâm Ðồng. Những biệt thự xinh đẹp ở đường Hùng Vương là chỗ ở của rất nhiều hộ gia đình làm đủ các ngành nghề. Người viết bài này cũng từng được sống hơn mười năm trong một gian tòa dinh thự sang trọng của thứ phi Mộng Ðiệp. Khu biệt thự Lê Lai với hàng chục căn là nơi trú ngụ của hàng trăm hộ. Bị chiếm cứ, các khu biệt thự còn đối mặt với tình trạng bị “xà xẻo”, nhất là các biệt thự loại 1 trên đường Trần Hưng Ðạo. Do cơi nới, xâm lấn mà giờ đây đã có một khu nhà mọc lên ngay sau các biệt thự chính ở đây và người ta đã làm hẳn con đường mới để… “hợp thức hóa”. Trên đường Nguyễn Viết Xuân, giữa biệt thự số 10 và 12 là dãy nhà mới xây, vốn là nhà bố trí cho cán bộ, công nhân viên ở. Sau đó, những người này đã tự cơi nới. Khu biệt thự Hỏa xa cũ với 14 căn tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, cao ráo với một không gian lý tưởng. Kiến trúc của khu biệt thự này được xếp loại cần bảo tồn nghiêm ngặt nhưng hiện cũng bị tình trạng “cát cứ”, lấn chiếm và đang xuống cấp nghiêm trọng. Ðến nay, sau nhiều cuộc giải tỏa, hiện vẫn còn gần 100 biệt thự cũ kiểu Pháp mà các hộ dân đang sử dụng. Những căn biệt thự giá trị này đã bị xuống cấp trầm trọng, khó mà bảo tồn dáng vẻ xưa cũ của nó.

Bên cạnh đó, hiện 22 cơ quan hành chính của tỉnh Lâm Ðồng đang sử dụng khoảng 40 biệt thự với diện tích đất trên năm ha. Ða số các biệt thự này được tiếp quản và bố trí sử dụng từ sau năm 1975; do nguyên thủy được thiết kế làm nhà ở cho nên không phù hợp với không gian làm việc của các cơ quan hành chính. Việc cải tạo, xen cấy để thỏa mãn công năng của các cơ quan đã dần phá hỏng các kiến trúc đặc trưng. Xét về yếu tố này, nhiều người cho rằng, Ðà Lạt là một thành phố “xài sang”, đến trạm y tế cấp phường (phường 9) cũng sử dụng một tòa biệt thự cực kỳ hoành tráng…

Cuộc “tàn phá” quy mô lớn thứ hai nhằm vào các tòa biệt thự lại chính là cuộc chỉnh trang đô thị nhân kỷ niệm 100 năm Ðà Lạt hình thành và phát triển. Những căn biệt thự lộng lẫy bỗng dưng bị “mất giá” thảm hại bởi cách nâng cấp đường sá theo kiểu “mì ăn liền”. Chỉ sau hai lần nâng cấp, mở rộng, mặt đường mới các tuyến đường 3-4, 3-2, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Viết Xuân hay Huỳnh Thúc Kháng đã cao hơn mặt đường cũ gần một mét và nhiều biệt thự bị biến thành những cái… hang. Có thể kể ra một loạt biệt thự là “nạn nhân” của tình trạng này: Biệt thự KS Savimex, trụ sở Hội Cựu chiến binh Lâm Ðồng, biệt thự số 5 – đường 3-4; các biệt thự số 8,10, 12, 14 đường Huỳnh Thúc Kháng, biệt thự của Nhà máy Ðèn Ðà Lạt cũ, khách sạn Duy Tân – đường 3-2… Không chỉ làm méo mó cảnh quan kiến trúc, việc thiết kế nâng cấp đường sá không phù hợp đã làm giảm giá trị của các ngôi biệt thự…

Trả lại giá trị cho quỹ biệt thự

Trước tình trạng sử dụng lãng phí, gây xuống cấp quỹ biệt thự, nhất là biệt thự cổ trong suốt gần 30 năm sau ngày giải phóng, từ năm 2004 UBND tỉnh Lâm Ðồng đã phê duyệt đề án “sử dụng hợp lý quỹ biệt thự Ðà Lạt” nhằm bảo tồn các giá trị kiến trúc, trả lại công năng vốn có của nó. Thực thi đề án này, chính quyền Ðà Lạt – Lâm Ðồng đã và đang tiến hành một cuộc “đại giải tỏa” và nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nhảy vào Ðà Lạt, lập nên nhiều dự án cải tạo, nâng cấp, khai thác quỹ biệt thự. Trong số 88 căn biệt thự để ở và 38 căn biệt thự kinh doanh có vị trí đẹp, hầu hết đều được đăng ký, phần lớn đã triển khai, nhất là các khu vực tập trung nhiều biệt thự cổ như khu Lê Lai, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Du, Phó Ðức Chính. Hiện chỉ còn một số ít biệt thự đang vướng giải tỏa và diện tích đất hẹp nên nhà đầu tư còn chần chừ. Các biệt thự ở khu Lê Lai và resort Hoàng Anh Gia Lai đã được đưa vào kinh doanh…

Ông Hoàng Sỹ Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng, nói: “Ðã có nhiều nhà đầu tư đăng ký thuê quỹ biệt thự theo cơ chế nhà đầu tư bỏ vốn đền bù giải tỏa và sửa chữa nâng cấp để kinh doanh. Ðiều kiện mà chính quyền địa phương đưa ra là phải giữ nguyên giá trị kiến trúc của các công trình trong quá trình cải tạo, khai thác”. Kế hoạch của tỉnh là thu hồi toàn bộ quỹ biệt thự vào trước năm 2015. Muốn làm được điều đó thì tỉnh đang tiến hành hai phương án. Thứ nhất, để giải phóng các công sở đang sử dụng 40 tòa biệt thự, tỉnh đang tiến hành triển khai dự án xây dựng khu hành chính tập trung, dự kiến tọa lạc trên lô đất rộng gần bốn ha ở đường Trần Phú với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng. Bên cạnh đó là xây các khu chung cư, quy hoạch và xây dựng các khu đất tái định cư mới để đưa dân ra khỏi các biệt thự. Chính quyền địa phương đang hết sức ráo riết thực hiện công việc này nhưng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải. Nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng thiếu, quỹ đất đang bị thu hẹp là khó khăn lớn nhất.

UÔNG THÁI BIỂU (Nguồn Nhân dân)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)