Cùng lúc mất đi nhiều người thân là trụ cột gia đình, nhà cửa cũng chẳng còn, những người 'ở lại' sau vụ sạt lở núi đặc biệt nghiêm trọng tại Trà Leng (Quảng Nam) đang gặp vô vàn khó khăn khi bắt đầu lại cuộc sống…
Vụ sạt lở đã xóa sổ hàng loạt căn nhà. HOÀNG SƠN
Chốn bình yên trở thành ký ức đau đớn
Hôm 31.10, mưa lại trút xuống hiện trường vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng, H.Nam Trà My. Những khung gỗ, xà nhà… được nước xối rửa sạch dần lộ ra sau nhiều ngày ngâm trong bùn. Những tấm ảnh gia đình chụp chung trồi lên, lấm lem… Một người dân địa phương lội bùn ngập ngang gối đi nhặt nhạnh các tấm ảnh mà nước mắt cứ chảy dài. Những gì còn sót lại khiến người thoát nạn xót xa nhớ về tổ ấm ngày xưa. Nơi sinh ra và lớn lên, chốn bình yên để hướng về mỗi khi đi xa giờ tất cả chìm trong đất đá, trở thành ký ức đau đớn…
Hôm được thầy cô đưa vào khu vực sạt lở, em Lê Thanh Tú (học sinh lớp 11, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My) cứ thẫn thờ ngồi ở một góc sườn đồi, mắt đau đáu hướng về đống đất đá. “Ngay chỗ lộ ra mấy viên gạch lát sàn màu trắng đó là nơi em thường ngồi học bài. Phía trước tí nữa là hồ cá. Còn kia là sân mà mỗi khi đi học từ huyện về, em đã thấy ba đứng đó cười…”, Tú chỉ tay về khối bê tông còn sót lại, mếu máo. Em là con trai của Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng Lê Hoàng Việt. Ông Việt hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích. Mẹ em may mắn thoát chết, nhưng giờ cứ ngẩn ngơ, không dám trở lại hiện trường hóng tin chồng.
Nhiều người mà chúng tôi gặp cứ như mất trí. Chị Hồ Thị Diều cùng với con trai Hồ Văn Thảng (học sinh lớp 4) sinh sống trong căn nhà nhỏ ven sườn đồi. Hôm xảy ra sạt lở, cu Thảng bị một tấm ván quật ngang mặt. Chị Diều nhanh tay gạt tấm ván rồi kéo con chạy khỏi căn nhà. Khi cơn thịnh nộ của núi đồi đi qua, chị trở lại lật tìm được ít quần áo, tấm chăn mỏng rồi dắt con lên điểm trường ngồi khóc. Thấy chị cứ loanh quanh còn đứa con trai lẽo đẽo theo sau, có người hỏi: “Chị đang tìm gì vậy?”. “Không tìm chi hết. Còn chi nữa mô mà tìm?”, chị trả lời rồi lại dắt con đi như người vô hồn.
Tương lai người dân Trà Leng chưa biết sẽ về đâu sau thảm nạn núi lở. ẢNH: HOÀNG SƠN
Hai chị em Hồ Thị Điệp (học sinh lớp 11, Trường THPT Nam Trà My) chỉ rời 2 ụ đất đắp trên ngọn đồi khi được mọi người ra sức dỗ dành và trời chuyển mưa lớn. Đó là 2 ngôi mộ mới đắp của ba mẹ em, ông bà Hồ Văn Đức – Hồ Thị Thanh. Không kịp nhìn mặt ba mẹ lần cuối vì dân làng đã chôn cất, chị em Điệp cứ áp má vào ụ đất mà nức nở. Một người dân kể, lúc nhiều người an ủi để em rời khu mộ, Điệp bảo giờ em không còn nhà cửa nên không có nơi để về. Vả lại, nơi ba mẹ em nằm xuống, bên trên che tấm bạt xanh mới chính là “nhà” của em… “Tui không biết rồi sau này chị em con Điệp sẽ sống sao nữa. Rồi còn chuyện học hành…”, người phụ nữ sống gần hiện trường bỏ lửng câu nói vì nghẹn giọng…
Nỗi lo “đánh rơi” con chữ
Những tập vở với nét chữ thơ ngây nhòe đi vì nước mưa, những cuốn sách nhũn trong bùn đất ở hiện trường đã chạm đến ngóc ngách thẳm sâu của lòng trắc ẩn nhiều người. Vào năm học mới, ba mẹ mua cho Hồ Thị Yến Chi (12 tuổi) nhiều sách vở mới. “Nhưng giờ thì tất cả đều bị chôn rồi… Khi mô con lại được đi học?”, cô bé may mắn thoát chết vì lũ cuốn lên một ngọn cây cứ bần thần quanh khu nhà cũ ngổn ngang bùn đất.
Đưa các học sinh có người thân gặp nạn vào hiện trường vụ sạt lở, thầy giáo Hồ Minh Vương, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My, cho hay trường có 3 học sinh người thân gặp nạn là Hồ Văn Hải (ba chết, mẹ mất tích), Lê Thanh Tú (ba mất tích), Nguyễn Thị Xuân Quý (mẹ chết), thêm 3 em khác người thân là chú, bác, cô… bị nạn. Thầy giáo Lê Viết Khánh, giáo viên của trường, chia sẻ thêm vì không còn chốn để về nên thời gian tới nhà trường sẽ sắp xếp cho các em nội trú dài ngày hơn, tới khi ổn định chỗ ở. Các giáo viên trong trường cũng quyên góp để phần nào giúp các em có khoản chi tiêu, lo ma chay người thân…
Những kỷ vật sót lại ở hiện trường khiến nhiều người không cầm được nước mắt. ẢNH: HOÀNG SƠN
Thoáng lo cho các học trò đang học lớp 11, không bao lâu sẽ kết thúc đời học sinh và bước vào đại học, thầy Hiệu phó Hồ Minh Vương buột miệng: “Giờ các em không nơi ở, không có ba, có mẹ, đường học mù mịt quá! Xin các ngành, nhà hảo tâm chung tay giúp các em có căn nhà nho nhỏ để các em có nơi trở về. Để mỗi ngày các em có một nơi có thể thắp lên nén nhang tưởng nhớ ba, mẹ…”. Đó cũng là niềm mong mỏi của thầy Hiệu trưởng Trần Thanh Quốc, khi ông nghĩ về trường hợp của 3 anh em Hồ Thị Điệp. “Anh của Điệp đang học đại học ở Huế, em trai học lớp 9 may mắn thoát nạn nhưng bị thương nặng. Chỉ trong vài phút, vụ sạt lở đã cướp mất cả ba lẫn mẹ Điệp. Chúng tôi đã đưa các em về nhang khói mà lòng quặn thắt”, thầy Quốc xúc động.
Thương anh em Điệp không nơi nương tựa, thầy Quốc quyết định nhà trường nhận nuôi 2 chị em, chuyển em trai về học ở trung tâm huyện rồi bố trí căn phòng nhỏ để ở. “Hai chị em ở chung để khỏi cô đơn khi không còn ba mẹ và thầy cô cũng tiện bề chăm sóc. Về lâu dài, các em cũng phải có căn nhà để làm nơi ở và nhang khói cho ba mẹ, nhưng giờ khó quá…”, thầy Quốc buồn giọng.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN H.Nam Trà My, cho hay các khoản cơm ăn, áo mặc và chỗ ở trước mắt cho những người thoát chết đã được chính quyền xã, huyện đảm bảo, nhưng đang có mối lo khác nữa… “Tôi tha thiết kêu gọi hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân bằng tiền mặt. Để mai mốt khi xong đường, các gia đình đã chôn cất những người bị nạn thì chính quyền xã, huyện sẽ hướng dẫn người dân tái thiết cuộc sống”, bà Huệ nói.
Nguy hiểm rình rập các đoàn từ thiện tự phát
Theo ghi nhận của PV, nhiều đoàn từ thiện đã hướng về khu vực hiện trường vụ sạt lở để hỗ trợ người dân địa phương. Tuy nhiên, tại Nam Trà My mưa lớn vẫn xảy ra, đường sá vùng cao vốn đã hiểm trở nay lại càng nguy hiểm vì sạt lở nghiêm trọng ở nhiều điểm. Trưa 31.10, ngành chức năng đã thiết lập chốt dẫn vào hiện trường, ngăn không để người vào. “Hiện nay nhiều nơi vẫn chưa có điện, mất sóng điện thoại. Đường dẫn vào các xã sạt lở nhiều điểm, cây cối ngã đổ khắp nơi. Các đoàn từ thiện hướng về vụ thảm nạn là điều đáng quý, tuy nhiên chúng tôi mong các đoàn sẽ thông qua địa phương để có sự hướng dẫn, tránh việc bị cô lập, gặp tai nạn…”, bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN H.Nam Trà My, nói.
|
Mong tấm lòng hảo tâm đến với học sinh
Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nam Trà My, cho biết hiện số học sinh thiệt mạng cũng như có người thân thiệt mạng do sạt lở tại Trà Leng vào tối 28.10 chưa có thông tin cụ thể, do công tác cứu nạn vẫn đang tiếp tục. Riêng vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Vân (8 người chết), có 4 học sinh mẫu giáo, tiểu học, THCS. “Sau khi có thông tin về các vụ sạt lở, một số nhà hảo tâm đã liên hệ với tôi ngỏ ý trao tặng sách vở, dụng cụ học tập… cho các em học sinh ở huyện, nhất là những nơi xảy ra thảm nạn. Tuy nhiên vì đường sá sạt lở nên việc hỗ trợ vẫn chưa được triển khai. Những tấm lòng đến với các em học sinh lúc này đều rất trân quý để giúp các em có thể tiếp tục được đến trường”, ông Thuận nói.
|
Theo Hoàng Sơn/TNO
Bình luận (0)