Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.HCM cho biết, việc đề xuất trả lương cao để thu hút được người tài là yếu tố quan trọng để TP.HCM có những nghiên cứu xứng tầm, đạt chuẩn quốc tế.
Các kỹ sư Việt Nam và quốc tế đang nghiên cứu cánh tay cho người khuyết tật
Dự kiến trong tháng 9, Sở KH-CN TP sẽ trình UBND TP xem xét, trình HĐND TP thông qua tờ trình xây dựng nghị quyết (NQ) “Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH-CN công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ”.
Đây là việc cụ thể hóa NQ 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; thể hiện sự quyết tâm thúc đẩy KH-CN nói chung và thu hút nguồn nhân lực KH-CN chất lượng nói riêng của TP.
Mức lương cao nhất 120 triệu đồng/tháng
Tại tờ trình xây dựng NQ, Sở KH-CN đề xuất tiền lương của người đứng đầu các tổ chức KH-CN công lập do UBND TP.HCM thành lập từ 60-120 triệu đồng/tháng.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Sương – quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH-CN – cho biết, 2 trong những tiêu chí quan trọng nhất của đề án xây dựng cơ chế để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế là chính sách phải nổi trội, cơ chế phải thông thoáng. Theo đó, một trong những chính sách đề xuất trong đề án là chính sách về tiền lương, tiền công và chế độ phúc lợi khác có liên quan cho chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH-CN công lập; thù lao thực hiện nhiệm vụ thông lệ cao hơn mức bình thường một cách vượt trội.
Việc đề xuất trả lương cao để thu hút được người tài, có điều kiện làm việc rõ ràng là yếu tố quan trọng để TP.HCM có những nghiên cứu xứng tầm, thậm chí đạt chuẩn quốc tế. “Do vậy chúng tôi đã mạnh dạn có những đề xuất mức lương cao hơn khoảng 5-6 lần hiện nay”, bà Sương nói.
Theo bà Sương, sau 5 năm thực hiện Chương trình 562, các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra những hạn chế rất lớn khiến chương trình chưa đạt được kết quả như mong đợi. Đó là chưa có chính sách vượt trội, mức lương chi trả chưa phù hợp nên các chuyên gia không gắn bó lâu dẫn đến các nghiên cứu không đạt yêu cầu.
Mặt khác, thực hiện khảo sát trên các tổ chức KH-CN (gồm tư nhân, công lập, nước ngoài) thì mức lương các chức danh lãnh đạo được chi trả khoảng 10-360 triệu đồng. Trong đó mức lương khu vực công lập từ 10-55 triệu đồng (55 triệu đồng chỉ 1 đơn vị).
“Trên cơ sở đó, sau khi tính toán cân bằng giữa nguồn ngân sách sẵn có của TP, chúng tôi đề xuất trả thù lao 60-120 triệu đồng/tháng cho chức danh lãnh đạo. Với mức thu nhập này, chúng ta có thể thấy cao. Tuy nhiên một số chuyên gia đầu ngành nước ngoài cho rằng mức này là vừa phải. Mặt khác, mức lương cao chưa hẳn là yếu tố đủ để thu hút người tài mà phải có cả môi trường làm việc tốt. Do đó, bên cạnh mức lương, Sở KH-CN cũng kiến nghị TP sắp xếp lại các tổ chức KH-CN công lập trực thuộc UBND TP, hình thành một viện công nghệ tiên tiến”, bà Sương thông tin.
Thù lao phải tương xứng
TS. Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – cho rằng, nghiên cứu KH-CN từ lâu đã khẳng định vai trò là nền tảng phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng chung tay giải quyết các vấn đề chung của thế giới như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Để giải quyết các vấn đề này, bên cạnh việc thay đổi chính sách của từng quốc gia, nhu cầu cần phải có nguồn nhân lực nghiên cứu KH-CN chất lượng cao là rất cấp bách.
Người làm nghiên cứu KH-CN, người đứng đầu các tổ chức KH-CN của TP phải là những người có uy tín, có năng lực và có bề dày nghiên cứu KH-CN cả trong và ngoài nước. Với mức chi trả 60-120 triệu đồng/tháng là bình thường, không cao so với mặt bằng chung trong khu vực. Nên xem đây là vốn đầu tư chứ không phải là chi phí.
Theo ông Lý, đề xuất trả lương 60-120 triệu đồng/tháng cho người đứng đầu tổ chức KH-CN công lập là một đề xuất hết sức cần thiết, bức bách, tiên phong và rất phù hợp. Việc tăng lương để khuyến khích lãnh đạo dành nhiều thời gian cho công việc để có những sáng kiến đóng góp cho sự phát triển khoa học của TP là điều cần thiết. Nhìn các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia… đều có những chính sách thu hút hợp lý cho nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu khoa học.
“Để theo đuổi công việc nhiều khó khăn và áp lực này một cách lâu dài, ngoài sự đam mê, các nhà khoa học cần được đảm bảo một số nhu cầu cơ bản khác như thu nhập, sự ghi nhận… NQ này nếu được thông qua, vai trò của người làm nghiên cứu khoa học ngày càng được khẳng định trong thị trường lao động, giúp họ yên tâm và tập trung cho công việc nhiều hơn tại TP.HCM”, ông Lý cho hay.
Ông Lý cho rằng, đối tượng được đề xuất tăng thu nhập là người lãnh đạo, quản lý, tuy nhiên cần lưu ý đến cả những người nghiên cứu. Bởi lãnh đạo hay trưởng, phó phòng ban chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ hệ thống và không thể thúc đẩy nghiên cứu khoa học nếu không có những người nghiên cứu. Cần đặt câu hỏi xem người nghiên cứu và những người tham gia nghiên cứu cần gì?
PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho biết, mức thu nhập thấp khó giữ chân nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao và chuyên môn tốt trong những lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, vi mạch, công nghệ thông tin…
Ông Ngân thông tin, hiện TP.HCM có 14 tổ chức KH-CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP. Các tổ chức này có chức năng chính là nghiên cứu khoa học, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của TP như tham mưu cơ chế chính sách, nghiên cứu KH-CN và đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ để phục vụ phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương.
Các tổ chức KH-CN đóng vai trò cốt lõi trong hoạt động KH-CN của TP góp phần nâng cao tính sáng tạo, làm chủ công nghệ và phát triển bền vững cho TP, được đầu tư nhiều công nghệ, cơ sở vật chất tiên tiến. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của cá nhân làm nghiên cứu khoa học tại các tổ chức này dưới 10 triệu đồng/tháng.
“Kết quả khảo sát thực trạng hoạt động của các tổ chức KH-CN cho thấy, cứ 10 người có trình độ tiến sĩ được du học ở những nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ… thì có tới 9 người rời khỏi các tổ chức này với lý do mức thu nhập không tương xứng trình độ, môi trường làm việc không phù hợp. Theo đó họ sẵn sàng làm thuê cho những công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước”, ông Ngân nói.
Để giữ chân cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Ngân cho rằng cần có ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH-CN công lập và thù lao trong thực hiện nhiệm vụ KH-CN đối với lực lượng hoạt động nghiên cứu. Qua đó, hình thành nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực trọng điểm của TP…
Minh Phương
Bình luận (0)