Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trả lương giáo viên bằng… ổ chó con

Tạp Chí Giáo Dục

“Có nơi trả lương giáo viên (GV) bằng ổ chó con. Cũng có nơi vì thiếu kinh phí trả lương GV là chuối xanh, củi khô. Nhiều tỉnh đến nay còn nợ lương, phụ cấp… thì chuyện thưởng Tết chỉ có trong mơ!? Thậm chí, nhiều nơi GV "trắng" thưởng tết.

Trưởng ban Chính sách xã hội, Công đoàn giáo dục (CĐGD) Việt Nam (Bộ GD-ĐT) Trịnh Thăng Mạnh nêu những câu chuyện thực tế từ các chuyến khảo sát về đời sống GV vùng khó Cà Mau, Nghệ An…
Ảnh: Lê Anh Dũng

Thưởng Tết: Địa phương lo

Không riêng GV các đơn vị vùng khó như Simacai (Lào Cai),Tân Kỳ (Nghệ An)… chưa “nhìn” thấy thưởng Tết nhiều năm nay, mà ngay tại Hà Nội – GV Trường THCS Tây Mỗ (Từ Liêm) may ra sẽ được nhận thưởng Tết bằng năm 2008: 100.000 đồng mỗi người.
Trong 1 ngành học có rất nhiều thang bảng lương tương xứng với các loại bậc học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT, TCCN, CĐ, ĐH) khác nhau nên thưởng Tết cũng chẳng giống nhau.
Với GV mầm non, có đặc thù riêng – ở TP phụ huynh có điều kiện hơn nên quan tâm hơn đến các thầy cô giáo nên có nơi thưởng 300.000-500.000 đồng mỗi người. Nhưng, một số nơi vùng núi thưởng Tết chỉ có 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng. Thậm chí, nhiều nơi không có…
Vẫn theo ông Mạnh, ở các trường THPT và THCS thì cũng tùy thuộc tình hình kinh phí địa phương mà có thưởng Tết cho GV thường chỉ từ 200.000–500.000 đồng. Cá biệt có nơi chỉ thưởng Tết 100.000 đồng.
Kinh phí thưởng Tết cho GV là do trường và địa phương tự lo chứ không có nguồn từ ngân sách Nhà nước. Ở cấp học phổ thông, Nhà nước khoán ngân sách “1 cục” chủ yếu chi lương, xây dựng cơ bản, ông Mạnh nói.
Để “nâng cao” thu nhập, nhiều đơn vị trông vào nguồn thu từ khoản trông xe…
Ở bậc TCCN và CĐ, ĐH vì có SV nội trú và  với nguồn thu lớn hơn nên thưởng Tết cho giảng viên cũng cao hơn.
Ông Mạnh bật mí “không chỉ thưởng Tết, có đơn vị, bình thường cũng có thể chi thêm cho giảng viên từ 1 đến 2 triệu đồng mỗi tháng. Mức thưởng Tết cũng tùy trường, có trường thưởng 2 triệu, nhưng cũng có trường thưởng đến chục triệu”.
Do đó, thưởng Tết cao hay thấp tùy thuộc vào kinh phí của đơn vị ở từng địa phương cụ thể. Mỗi một ngành học có đặc thù riêng nên có nơi thưởng Tết cao, có nơi thấp. Bộ GD-ĐT không có quy định “cứng” mỗi GV nhận thưởng Tết bao nhiêu.
Lương, thưởng GV mầm non thiệt đủ đường?
Vẫn theo ông Mạnh, cả nước hiện có 17 vạn GV mầm non, trong đó có 9 vạn GV ngoài biên chế (chiếm gần 55%); riêng các tỉnh miền Nam, tỷ lệ GV trong biên chế lên tới 95%, trong khi ở phía Bắc, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều.
Đối với khu vực đồng bằng, đô thị, chính sách nhà nước chỉ cho biên chế khung trong trường mầm non: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và một số ít GV nòng cốt; còn lại đều là GV hợp đồng.
Những bất cập trong chế độ lương là vấn đề bức xúc nhất đối với khối GV mầm non ngoài biên chế bởi họ không được hưởng thu nhập theo thang, bảng lương của Nhà nước mà chỉ được hưởng mức lương hợp đồng (ngắn hạn và dài hạn). Thu nhập phổ biến của GV mầm non hiện từ 300.000–800.000 đồng/tháng.
Mặc dù quy định mức lương hợp đồng không thấp hơn mức lương tối thiểu nhưng do địa phương không có tiền, trong khi GV mầm non thừa khá nhiều nên họ vẫn chấp nhận làm với mức 300.000–400.000 đồng/tháng. Cá biệt có tháng, GV mầm non chỉ cầm về được 100.000 đồng.
Từ thực tế công tác, ông Mạnh kể “ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đến nay nợ lương GV mầm non mãi không có nguồn nên lương GV thay vì nhận tiền thì “ôm” về cả ổ chó con!? Hoặc ở Tân Kỳ (Nghệ An) “bí” quá, còn trả lương cho giáo viên bằng chuối xanh và củi khô…
“Tương lai” sẽ sáng?
Từ thực trạng trên ông Mạnh cho biết, CDDGD Việt Nam (Bộ GD-ĐT) đang kiên trì đề nghị để có một chính sách chung đối với GV mầm non ngoài biên chế, đảm bảo tiền lương phải đủ tạm chi trả cho cuộc sống.
Bên cạnh đó, GV mầm non cũng phải được trả theo thang bảng lương để đảm bảo người lâu năm có thu nhập cao hơn người mới ra trường (thực tế, rất nhiều GV thâm niên 10-15 năm nhưng thu nhập vẫn không tăng).
Cụ thể, CĐGD Việt Nam đề xuất, trả lương cho GV MN ngoài biên chế cũng theo một bảng lương như GV trong biên chế. Vẫn thực hiện hợp đồng nhưng lương được hưởng theo khung tiền lương giống như GV trong biên chế – có thể khung lương thấp hơn nhưng sẽ có chính sách cụ thể để giải quyết tình trạng GV công tác lâu năm trong nghề thì phải được hưởng lương và phụ cấp cao hơn…
Kiều Oanh (Vietnamnet)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)