Giá cả tại TP.HCM khá đắt đỏ nhưng lương giáo viên (GV) vẫn trả như nhiều địa phương khác, khiến cuộc sống của các nhà giáo gặp không ít khó khăn. Đó là chưa kể, mức lương GV hiện nay được trả theo kiểu cào bằng không tạo được động lực, khiến thầy, cô ngại đổi mới phương pháp giảng dạy. Phải chăng đã đến lúc trả lương theo năng lực để GV tâm huyết hơn với nghề…
Các GV mong mỏi được trả lương theo năng lực để tận tâm hơn với nghề (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: M.Châu |
Mong mỏi nhận lương theo năng lực
Lương của GV hiện nay được xếp chung tại bảng lương số 3 của Nghị định số 2014/2004/NĐ-CP. Theo đó, lương của GV không thấp hơn so với những viên chức cùng loại – khối viên chức trong những đơn vị sự nghiệp công có 4 loại A, B, C, D, trong đó GV xếp lương bậc B trở lên.
Hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành cho biết: “Mới ra trường lương chỉ có khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng, người làm quản lý giáo dục như tôi với thâm niên hơn 15 năm nay cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều người đi từ trung tâm thành phố đến đây giảng dạy mất khoảng 20km. Với đồng lương này, đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, phải làm thêm mới đủ sống”.
Thầy Nguyễn Văn Chặng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi) cho biết thêm: “Với những GV mới được tuyển viên chức, năm đầu đi dạy chỉ nhận được 80% lương thì đời sống còn khó khăn hơn nhiều”.
Chưa hết, việc trả lương theo kiểu… cào bằng đã khiến nhiều GV “lăn tăn” trong việc đổi mới giảng dạy. GV dạy văn một trường THPT chia sẻ: “Việc trả lương cho GV giỏi hay chưa giỏi đều ngang nhau. GV đó có là chiến sĩ thi đua cấp thành phố, GV giỏi này nọ… thì mức lương cũng như những GV khác. Sự khác biệt về lương của các GV, có chăng chỉ là phụ cấp thâm niên”.
Về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Chặng thừa nhận: “GV ai cũng đạt chuẩn nhưng về phương pháp giảng dạy lại không đồng đều. HS hay so sánh nhưng dù so sánh thế nào thì họ vẫn được nhận lương giống như nhau, chỉ khác ở thâm niên. Nếu GV được khen thưởng, đạt danh hiệu này danh hiệu kia thì họ cũng chỉ được xét lương lên bậc sớm hơn khoảng… mấy tháng”.
Thầy Chặng nhấn mạnh: “Chúng tôi rất muốn được trả lương theo năng lực cho GV để khuyến khích các thầy, cô có động lực đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, chúng tôi phải làm theo nghị định, thông tư chứ không có quyền trả theo năng lực…”.
Chế độ đãi ngộ sẽ không còn cào bằng
Sẽ khảo sát thu nhập của GV Đó là thông tin do bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa xã hội – HĐND TP.HCM cho biết tại một buổi làm việc gần đây với Sở GD-ĐT thành phố. Theo bà Nhung, vấn đề thu nhập của GV đã được đề cập rất nhiều vì thực tế là lương nhiều GV thấp, đãi ngộ chưa xứng đáng. Vì thế, sắp tới, theo chủ trương của HĐND, đoàn sẽ tiến hành đi khảo sát thực tế tại các quận, huyện và lắng nghe từ các đơn vị, GV về tình hình lương, thu nhập của đội ngũ. Đây sẽ là cơ sở để thành phố có những đề xuất, giải pháp phù hợp về vấn đề này cho GV trong thời gian tới. |
Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của GV, tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2016-2017 TP.HCM tổ chức vừa qua, đồng chí Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu ngành GD-ĐT phải đề xuất thêm những giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chế độ đãi ngộ, giúp GV yên tâm công tác. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền trách nhiệm với đội ngũ nhà giáo theo hướng không cào bằng, có thể định lượng được, có tác dụng sàng lọc để tìm ra và phát huy năng lực của các nhân tố giỏi, tích cực.
Về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho hay: Đây là một chủ trương đúng đắn của Thành ủy nhằm thu hút nhân tài cho ngành giáo dục TP.HCM. Tuy nhiên, làm như thế nào chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể mới thực hiện được”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Việt Tú, Phó phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh và là đại biểu HĐND thành phố thẳng thắn: “Vấn đề lương của GV còn nhiều tâm tư nhưng đây là khung lương chung. Vì vậy, nếu thành phố trả lương theo năng lực thì đây là cách làm hay. Còn GV muốn được trả lương theo năng lực phải phấn đấu hết mình, phải được sự tín nhiệm của học sinh. Tuy nhiên, quy trình đánh giá như thế nào để không xảy ra tình trạng cảm tính, thiếu minh bạch mới là quan trọng”.
Theo đó, bà Việt Tú đề nghị: “Nếu thực hiện điều này, thành phố cần có nghiên cứu để đưa ra quy định rõ ràng, hướng dẫn cụ thể ai đánh giá và đánh giá như thế nào theo quy trình chặt chẽ để GV được nhận chế độ tương xứng, tránh sự cào bằng…”.
Minh Châu
Bình luận (0)