Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trả nợ… chồng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày cưới, các cô dâu rạng ngời hạnh phúc và không nghĩ mình sẽ… trả nợ chồng (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T

Hoàng hôn buông xuống, nhìn người phụ nữ ngoài 40 tuổi tỉ mỉ nhuộm tóc cho chồng trước cửa phòng trọ, nhiều phụ nữ thầm ghen tị về hạnh phúc của cặp vợ chồng này. Nhưng ai ở gần mới hiểu, người vợ đang… trả nợ chồng.
Nợ… tiền kiếp
Đó là chị Tâm, 46 tuổi, (ở phường Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức). Chị kể: “Trước khi quen tôi, ông ấy đã có gia đình nhưng không hạnh phúc. Khi phát hiện chúng tôi quen nhau, vợ con ông đã “tấn công” tôi. Sau đó, ông bỏ rơi tôi quay về với vợ nhưng bị vợ con ông cự tuyệt. Sau khi ly dị, ông không còn tiền bạc, tài sản, công việc. Thứ duy nhất ông đem theo được là đứa con gái nhỏ”.
Cũng từ đó, cha con ông sống “bám” vào mồ hôi, nước mắt của chị Tâm. Mấy năm qua, ông vẫn sống trong hoài cổ. Ông cứ nhắc về thời “vàng son” của mình rồi nguyền rủa, than trách lẫn dọa nạt chị vì chị là nguyên nhân khiến ông… thân tàn ma dại, gia đình ly tán. Và ông coi chị như con nợ, người mang đến tai họa cho ông…
Chị Tâm cũng tự coi mình là… con nợ của chồng. Chị phải cáng đáng mọi công việc từ nhỏ nhặt như giặt đồ, nấu ăn, lau nhà cho đến làm thuê kiếm tiền. Buổi sáng, chị phụ chạy bàn, rửa bát cho quán bún riêu vỉa hè ở gần nhà. Buổi trưa, chị phụ rửa chén cho quán cơm. Chiều tối, chị phụ rửa chén bát cho quán cháo vịt đầu hẻm. Những lúc buôn bán ế ẩm, người ta không kêu đi làm, chị lại ở nhà ủi đồ, nhuộm tóc hay mua cà phê cho chồng. Vì là “con nợ” nên phục vụ chồng không một tiếng than van, đòi hỏi… Ngoài ra, chị còn chăm sóc đứa con gái của chồng vốn dĩ nó rất ghét chị.
Vì là “chủ nợ” nên một ngày của ông Sơn – chồng chị Tâm bắt đầu từ 7 giờ sáng, ông ra quán cà phê trước hẻm nhà chơi cờ. Non trưa, ông về phòng, lúc này chị Tâm đã chuẩn bị sẵn cơm nước, ăn xong rồi coi tivi, ngủ. Xế trưa, tranh thủ lúc “giao ca”, chị Tâm tạt ngang nhà xem chồng có dặn dò gì không cũng là lúc “đấng phu quân” của chị dậy làm đẹp rồi ra quán cà phê đến chiều tối. Buổi tối, sau khi ăn cơm, ông lại ra quán cà phê coi phim rồi về ngủ.
Nhiều lần, đến hạn đóng tiền nhà nhưng chưa xoay ra tiền, chị không dám về nhà. Bởi chị sợ bị đay nghiến, quát tháo vì làm ông chồng mất mặt, xấu hổ khi để bà chủ nhà trọ đòi tiền.
Điều đáng nói là con gái ông Sơn cũng coi chị Tâm không ra gì. Con bé vốn ghét cay ghét đắng chị Tâm, “mụ dì ghẻ” làm tan nát gia đình nhà nó. Khi sống chung, thấy cách đối xử tệ bạc của cha nên tính tình nó ngày càng giống cha…
Đủ kiểu… nợ chồng
Cùng mang “phận”… nợ chồng, cả chục năm rồi, cô Xuân (ở khu công nghiệp Sóng Thần) đẩy xe hủ tiếu bán rong, nuôi chồng nuôi con.
Cô Xuân kể: “Quê cô ở Quảng Ngãi nhưng gia đình vào đây sống cả chục năm rồi. Không hiểu sao, kể từ ngày cưới nhau đến nay, ổng bệnh suốt. Mẹ chồng coi cô là nguyên nhân khiến con trai bà đổ bệnh. Chồng cô là con trai một, cô lại sinh một lèo ba đứa con gái, không có con trai nối dõi tông đường. Mẹ chồng coi bói, thầy bói nói cô là “quỷ ám” nhà chồng nên một mực đòi chồng cô bỏ vợ lấy người khác”.
May mắn là chú Hiệp – chồng cô Xuân không nghe theo lời mẹ. Từ đó cô Xuân tự coi mình là… “con nợ” của chồng. Hàng ngày, cô phải dậy từ lúc 4 giờ sáng, làm việc quần quật nuôi chồng nuôi con mà không dám than vãn một lời. Chú Hiệp đau ốm suốt nên chỉ giúp vợ việc nhẹ. Sự cam chịu của cô Xuân đã ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, lối sống các con. Ba đứa con gái của cô lúc nào lầm lũi, cam chịu và cho rằng người vợ phải có bổn phận cung phụng, hầu hạ chồng con.
Chị Thúy (quận 5) thì “nợ chồng”… căn nhà. Cách đây mấy năm, vì buôn bán khó khăn, thua lỗ, chị giấu chồng vay nợ trả góp với lãi suất cao. Đến khi con nợ kéo đến đòi xiết nhà, chị bỏ trốn, lúc này chồng chị mới biết vợ mình nợ dân giang hồ số tiền rất lớn. Trước áp lực của bọn côn đồ, chồng chị Thúy đành… bán nhà để “chuộc” vợ. Cũng từ đó, chị Thúy biến thành “con nợ” của chồng. Lúc nào chị cũng nơm nớp lo sợ chồng không vui đem chuyện nợ nần, bán nhà ra đay nghiến. Cũng từ đó vợ chồng chị cứ lục đục, cãi cọ, con cái vì vậy ngày càng khó dạy hơn.
Cái thời “chồng chúa, vợ tôi” đã xa rồi, nếu các cặp vợ chồng cứ sống theo lối sống này thì sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Và hậu quả không chỉ rơi xuống đầu người vợ mà còn ảnh hưởng nặng nề đến các con…
Hồng Cúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)