Trong những ngày qua, trường hợp em Y Nhiêu (Kon Tum) đi làm thuê cho quán cà phê bị chủ tra tấn dã man như thời trung cổ khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra và khởi tố theo quy định của pháp luật.
Thân thể Y Nhiêu chi chít vết thương do bị bà chủ hành hạ |
Đánh đập, hành hạ dã man!
Y Nhiêu năm nay mới 23 tuổi, là người dân tộc Giẻ Triêng, trú tại huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Từ năm 2014, Nhiêu làm công cho một quán cà phê do bà Nguyễn Thị Hà (thường gọi là Nga “vọc”, 39 tuổi, phường Thống Nhất, TP.Pleiku) làm chủ. Từ khi vào làm, Nhiêu được chủ đối xử tốt, nhưng từ tháng 5-2018 trở đi, cứ sau mỗi lần chơi “hàng đá”, bà chủ lại vu oan cho em lấy trộm tiền quán, quan hệ với chồng bà để lấy cớ tra tấn em. Chỉ trong hai tháng bị hành hạ, thân thể Nhiêu “tan nát” vì những vết sẹo, vết thương do bà chủ sát thương bằng bàn ủi nóng hoặc bị thanh sắt nóng gí vào người; mặt bị rạch tan tác bằng miểng chai và dao lam; tóc bị đốt bằng khò lửa; răng bị bẻ sống bằng kìm, bị cắt tai bằng kìm cắt kẽm… Thậm chí bà Nga còn dùng búa đập vỡ xương tay của người làm, rồi lấy cây gỗ có gắn đinh đập vào vùng kín và ngực nạn nhân. Khi Nhiêu bị chảy máu nhiều trong những lần bị hành hạ, bà Nga không cho em đi bệnh viện mà chỉ dùng lá mì đắp lên vết thương.
Chưa dừng lại ở việc tra tấn dã man người làm công, khi biết Nhiêu có thai, Nga điên tiết tuyên bố: “Nếu là con của chồng tao thì tao giữ, còn không thì tao đập cho chết”. Do đó, khi biết Nhiêu có thai với bạn trai, Nga tiếp tục đánh đập và đạp vào bụng Nhiêu khiến thai nhi (5 tháng) bị chết lưu. Sau đó Nga bắt Nhiêu đem thai nhi đi chôn ở bãi đất trống gần nhà. Vào ngày 10-7, Nga tiếp tục đe dọa sẽ cắt lưỡi Nhiêu, do quá hoảng sợ nên em đã bỏ trốn khi đi đổ than và trốn vào ống cống. Một phụ nữ tập thể dục đã phát hiện và đưa em đến công an phường Thống Nhất để cầu cứu. Theo nhận định của bác sĩ Y Hà (Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei), Y Nhiêu đang trong tình trạng bị nhiễm trùng vùng ngực, bụng, tai; gãy hở 3 đốt ngón tay; gãy 3 cái răng; rạn mõm cùm vai trái, bị thương tích toàn thân với nhiều vết sẹo và bỏng. Hiện Nhiêu đang được trung tâm điều trị để ổn định các vết thương nhiễm trùng, sau đó sẽ chuyển em đến bệnh viện tuyến trên để điều trị gãy xương.
Được biết, vào ngày 22-7, Công an huyện Đắk Glei đã vào cuộc điều tra vụ việc. Tại cơ quan công an, bà Nga thừa nhận dùng dao chặt vào ngón tay và đánh đập chị Y Nhiêu nhiều lần. Sau khi khai báo, lực lượng chức năng đã đưa người này vào Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai để cách ly, coi như là một biện pháp “giam lỏng”.
Vi phạm Bộ luật Hình sự và Dân sự
Theo luật sư Nguyễn Minh Anh (Giám đốc Công ty Luật Trí Minh – TP.HCM), việc cố ý gây thương tích cho người làm công như trường hợp bà Nga là vi phạm Bộ luật Hình sự số15/1999/QH10 của Quốc hội (Bộ luật Hình sự năm 2015) và Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội (Bộ luật Dân sự năm 2015). Cụ thể tại Bộ luật Hình sự số 15, điều 104 “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tương tự, trong trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, hoặc từ 11% đến 30% thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đối với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên, hoặc dẫn đến chết, hoặc từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm. Riêng đối với trường hợp phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”.
Bên cạnh hình thức phạt tù chiếu theo tỷ lệ thương tật và mức độ vi phạm, người gây ra thương tật cho nạn nhân còn phải bồi thường về vật chất và tinh thần đã gây ra theo quy định tại điều 609 của Bộ luật Dân sự. Cụ thể, người gây ra thương tật phải bồi thường các chi phí (vật chất) gồm: Chi phí điều trị, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại); Chi phí và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại). Ngoài ra, người xâm phạm sức khỏe của người khác còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 của điều 609 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Bích Vân
Bình luận (0)