Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trả trung cấp về trung cấp!

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ tiêu hệ TCCN trong trường ĐH ngang bằng với hệ ĐH, thậm chí còn cao hơn là một bất cập khiến các trường trung cấp độc lập gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Theo thống kê sơ bộ của PV, chỉ riêng năm 2011 này, chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã là 5.000, trong khi hệ ĐH chỉ có 4.300 hay Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có 1.450 chỉ tiêu TCCN, còn ĐH là 1.200… Ở những năm trước, chỉ tiêu TCCN của trường ĐH còn “khủng” hơn!
Học trung cấp trong ĐH “oai” hơn
Theo TS Nguyễn Hồng Giáp, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế và Du lịch Tân Thanh, khó khăn lớn nhất hiện nay là tâm lý người dân chuộng danh hơn thực nên đây là thời điểm các trường TCCN hết sức lo lắng để tuyển sinh khi học sinh vẫn muốn vào ĐH và CĐ dù chỉ để học trung cấp.
ThS Trần Hồ Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tây Nam Á, cũng nhận xét: “Các trường ĐH đào tạo cả hệ TCCN nên thí sinh vào học cảm thấy tự tin, nghe có vẻ “oai” hơn học một trường trung cấp độc lập”. Chính vì vậy, “chỉ tiêu tuyển sinh TCCN ở các trường ĐH còn nhiều hơn chỉ tiêu trường trung cấp độc lập. Khi hỏi nhiều phụ huynh rằng con của họ học ở đâu, nhiều người cho biết học ở trường ĐH nhưng không biết học hệ gì vì trường ĐH còn đào tạo cả CĐ, TCCN!” – bà Tô Thị Thanh Nga, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, dẫn chứng.
Trường trung cấp khó tuyển sinh
Đa số các trường TCCN đều đồng quan điểm khi cho rằng việc giao các trường ĐH, CĐ tuyển sinh cả bậc trung cấp đã gây không ít khó khăn cho công tác tuyển sinh của nhiều trường TCCN. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á (TP.HCM), cho biết: “Mục tiêu của các trường ĐH là đào tạo ra những người làm thầy, cần mở rộng thêm quy mô nói chung nên đào tạo thêm bậc CĐ nữa cũng tốt. Còn trường TCCN đào tạo ra những người làm thợ, hai nội dung và nhất là phương pháp đào tạo rất khác nhau. “Nghề” của trường nào, bậc học nào nên để cho họ phát huy đúng năng lực và sở trường của họ, có như vậy mới đáp ứng đúng nhu cầu và mục tiêu “tinh thông nghề nghiệp” của xã hội yêu cầu. Như vậy, các trường ĐH đào tạo bậc TCCN ngoài việc không phù hợp với mục tiêu và trọng trách của mình, còn gây khó khăn rất lớn cho các trường TCCN tuyển sinh”.
Liên thông không dễ
Không chỉ ĐH tuyển cả TCCN gây khó cho các trường trung cấp, mà việc học sinh tốt nghiệp tại các trường trung cấp khó liên thông lên bậc cao hơn so với việc học TCCN trong trường ĐH cũng khiến các trường này thiếu sức hút. Lãnh đạo Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM dẫn chứng: “Trường chúng tôi muốn liên thông các ngành nhóm nông lâm với một trường ĐH cùng nhóm ngành này tại TP.HCM nhưng khó quá, bởi lẽ trường ĐH đó cũng có chỉ tiêu TCCN và đương nhiên việc liên thông lên bậc cao hơn họ phải ưu tiên cho trường mình”.
TS Nguyễn Hồng Giáp cho biết: “Nguyên tắc là học xong TCCN thì có quyền liên thông theo những điều kiện đưa ra ở bất cứ trường ĐH, CĐ nào có đào tạo liên thông. Nhưng điều này không dễ. Chẳng hạn, trường ĐH có 500 chỉ tiêu nhưng có đến 700-800 học sinh hệ TCCN của trường chờ sẵn, làm gì còn chỗ cho các trường trung cấp bên ngoài. Do đó trường trung cấp độc lập rất khó để ký kết liên thông”.
Ông Giáp kiến nghị: “Cần phân cấp rõ ràng ĐH, CĐ, TCCN. Bậc nào nên đào tạo đúng bậc đó. Tôi đề nghị nên trả trung cấp về cho trường trung cấp, ĐH chỉ lo đào tạo ĐH, sau ĐH và đào tạo liên thông cho các trường TCCN, bởi học TCCN xong phần nhiều học sinh đều muốn học lên cao nữa để nâng cao trình độ”.
Sẽ giảm dần chỉ tiêu TCCN trong trường ĐH
Những năm trước do thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và đào tạo nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ cho đào tạo nhân lực, trong đó có đào tạo TCCN nên các trường ĐH, CĐ cũng tham gia. Hiện nay, quy mô giáo dục ĐH ngày càng tăng mạnh đòi hỏi các trường ĐH phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ĐH nên từ ba năm qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chủ trương cắt giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN trong các trường ĐH vốn không có truyền thống về đào tạo TCCN khoảng từ 15% đến 20% tùy theo lĩnh vực đào tạo.
Một số ý kiến cho rằng không nên giao chỉ tiêu đào tạo TCCN cho các trường ĐH, CĐ để tạo điều kiện cho các trường TCCN tuyển sinh. Trong khi nguồn lực xã hội có, người học lại thiếu chỗ học tốt thì chúng ta nên khuyến khích những cơ sở giáo dục chất lượng tốt, có trách nhiệm với người học và đáp ứng nhu cầu nhân lực. Trường nào buông lỏng quản lý, đào tạo kém chất lượng, thiếu trách nhiệm xã hội sẽ tự bị đào thải. Chúng ta không áp đặt theo kiểu “gán” đối tượng tuyển sinh cho một loại trường nào đó vì làm như vậy vừa triệt tiêu động lực cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo, người học sẽ ít đi các cơ hội lựa chọn (trường kém chất lượng cũng phải học), có thể gây ra sự lãng phí. Hiện nay, việc đào tạo TCCN trong các trường ĐH thường tập trung ở các trường thuộc tốp giữa hoặc tốp cuối. Những trường theo định hướng nghiên cứu thì người ta đâu có muốn đào tạo TCCN. Tương lai, khi càng có nhiều trường ĐH chất lượng cao theo hướng nghiên cứu và các trường TCCN lớn mạnh lên thì hiện tượng đào tạo TCCN hay dạy nghề trong trường ĐH sẽ mất đi như ở một số quốc gia phát triển.
Hiện nay, để hút học sinh các trường TCCN cần vận hành nhà trường theo tinh thần của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp muốn có nhiều khách hàng thì ngoài việc marketing tốt, tạo dựng uy tín qua việc công khai chất lượng, trách nhiệm cao với người học… còn phải cung cấp các sản phẩm tốt với chi phí ít nhất có thể. Muốn có “sản phẩm” tốt, nhà trường phải đầu tư vào đội ngũ giáo viên, công nghệ, cơ sở vật chất…
TS HOÀNG NGỌC VINH,
Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT
)
Theo QUỐC DŨNG – PHÚC HẬU
(phapluattp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)