Tỉnh Trà Vinh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Với những lợi thế và nét độc đáo riêng, Trà Vinh rất chú trọng đến việc liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TP.HCM để thu hút khách du lịch. Trà Vinh kỳ vọng trong thời gian tới, lượng khách TP.HCM đến du lịch tăng cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương.
Đó là mong muốn của tỉnh Trà Vinh tại Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Trà Vinh năm 2024 diễn ra mới đây tại TP.HCM.
Nhiều nét độc đáo riêng
Ông Dương Hoàng Sum – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh cách TP.HCM 120km theo quốc lộ 60 và TP.Cần Thơ 80km theo quốc lộ 54. Diện tích tự nhiên của tỉnh Trà Vinh là 2.391km2, dân số trên 1,1 triệu người với 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa. Quá trình hình thành và phát triển của các dân tộc tỉnh Trà Vinh gắn liền với các đặc điểm sinh sống, lao động, văn hóa và tôn giáo, có phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết riêng. Mỗi dân tộc trên vùng đất này đều có nét văn hóa mang đậm tính nhân văn sâu sắc đã để lại ấn tượng khó quên cho du khách mỗi khi đến với Trà Vinh.
Dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống. Tiêu biểu là 143 ngôi chùa Khmer – Phật giáo Nam tông có kiến trúc cổ kính và các lễ hội diễn ra quanh năm như: Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Vu lan, lễ hội Ok Om Bok, lễ hội Nguyên Tiêu… với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc truyền thống lâu đời diễn ra quanh năm. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh.
Bên cạnh đó, Trà Vinh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Trong đó, có 2 bảo vật quốc gia, 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 16 di tích cấp quốc gia và 41 di tích cấp tỉnh, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch văn hóa. “Trà Vinh là tỉnh được đánh giá có nhiều tiềm năng du lịch. Trong đó du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, ông Sum cho biết.
Ngoài ra, Trà Vinh nằm giữa hai nhánh sông Mekong và tiếp giáp biển Đông, gồm vùng đất trẻ bên cạnh vùng đất châu thổ lâu đời hình thành nên nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh. Điều này đã tạo cho Trà Vinh có lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. “Môi trường tự nhiên tuy còn hoang sơ nhưng rất thích hợp cho khách du lịch quốc tế khám phá, trải nghiệm nét đặc trưng còn lưu lại của vùng đất Tây Nam bộ”, ông Sum cho hay.
Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú. Là vùng đất cộng cư lâu đời của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer có sự giao thoa và tiếp biến văn hóa đã tạo cho nền văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh.
Trà Vinh có những nét riêng biệt mang “hương vị miền đất phúc”. Ẩm thực của Trà Vinh được tổng hợp và kế thừa từ văn hóa ẩm thực của các dân tộc với nhiều đặc sản, món ngon nổi tiếng được xác lập kỷ lục châu Á để du khách trải nghiệm, thưởng thức và làm quà tặng du lịch.
Nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu
Hiện tại tỉnh Trà Vinh đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu. Đó là các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái theo hướng du lịch xanh dựa trên hai yếu tố chính là thiên nhiên và văn hóa. Đồng thời kết hợp việc bảo vệ môi trường hướng đến bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, đầu năm 2024, theo công bố của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu Ai – Cuy – E (IQAir) tại Thụy Sỹ, TP.Trà Vinh xếp thứ 3 trong top 15 thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất tại Đông Nam Á.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 6 điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ; điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim; điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha; Khu văn hóa – du lịch Ao Bà Om; điểm du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Hô và Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer. Trong đó, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim được bình chọn vào “Top 7 điểm du lịch sinh thái” trong khuôn khổ chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022”.
TS. Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và Du lịch đánh giá, Trà Vinh đang phát triển rất tốt trong việc nâng cấp các chuỗi cung ứng thành chuỗi giá trị. Trong tương lai chúng tôi sẽ xây dựng một sàn giao dịch của tỉnh Trà Vinh. Sàn giao dịch này sẽ kết nối dữ liệu giữa khách hàng và chuỗi cung ứng, quan trọng hơn là sàn giao dịch sẽ chuyển hóa hành vi mua sắm và kích cầu du lịch”. |
Các doanh nghiệp du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, Cồn Chim nằm giữa dòng sông Cổ Chiên và cách biển Đông 30km. Mỗi năm ở đây có 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt. Khách du lịch đến đây tùy mùa có thể trải nghiệm các hoạt động cùng người dân như: Câu cua, tôm, cá hay trồng lúa, gặt lúa.
Trên cơ sở tiềm năng du lịch sẵn có và các sản phẩm du lịch đặc trưng đã được hình thành, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến điểm du lịch được các doanh nghiệp lữ hành chọn là điểm đến khi đến với đồng bằng sông Cửu Long. Có thể kể đến như tuyến du lịch văn hóa, cộng đồng “TP.Trà Vinh – Làng văn hóa, Du lịch Khmer – Cồn Chim”; tuyến du lịch sinh thái “TP.Trà Vinh – Làng văn hóa, Du lịch Khmer – Cồn Hô”; tuyến du lịch văn hóa – sinh thái “Tiểu Cần – Cầu Kè – Trà Cú”; tuyến du lịch “TP.Trà Vinh – Cầu Ngang – Cồn Ông – biển Ba Động”. Dự kiến vào năm 2027, cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau đi qua Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến TP.HCM, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch Trà Vinh đột phá phát triển trong thời gian tới.
Hồ Trinh
Bình luận (0)