Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Trà Vinh: Nông dân Khmer làm giàu trên đất khó

Tạp Chí Giáo Dục

Trà Vinh hiện có hơn 300.000 đồng bào dân tộc Khmer, chiếm khoảng 30% dân số của tỉnh, đa phần sống tập trung ở vùng nông thôn thuộc các huyện: Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Cầu Kè và Tiểu Cân. Những nông dân Khmer ở Trà Vinh giờ đây đã nắm vững quy trình kỹ thuật, ứng dụng thành thạo các tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp, đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã thoát nghèo, trở nên khá giả.
Thu nhập từ trồng màu ở Trà Vinh từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân – nhất là đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực đất giồng cát, triền giồng. Và mới đây 17 nông dân Khmer của Tổ trồng màu ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè đã tự bỏ tiền ra “thuê” kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật.
Cách nay 3 năm, mô hình trồng màu tại địa phương đã được tổ chức Oxfam kết hợp với Dự án nâng cao đời sống của tỉnh và Trường đại học Trà Vinh triển khai thực hiện cho các hộ dân nơi đây với 4 loại cây trồng: khổ qua, cà chua, dưa leo và ớt; mỗi hộ được chọn thực hiện trên diện tích 1.000 m2. Điều làm nhiều nông dân bất ngờ là sau gần 4 tháng triển khai, các hộ tham gia dự án đều thu lợi nhuận lớn từ 5 – 8 triệu đồng/1.000 m2. Hơn nữa, qua đó còn giúp cho các hộ trồng màu trong Tổ ấp Trà Kháo thấy rõ hơn hiệu quả của việc đưa kỹ thuật cao vào sản xuất, như giúp hạn chế sâu bệnh, chủ động được lịch thời vụ và kéo dài chu kỳ thu hoạch của cây màu… so với cách trồng theo tập quán, kinh nghiệm trước đây. Khi dự án kết thúc, 17 thành viên trong Tổ trồng màu ấp Trà Kháo đã đi đến thống nhất: Mỗi thành viên bỏ ra 100.000 đồng/tháng để “thuê” kỹ sư Khoa nông nghiệp – Trường Đại học Trà Vinh về giúp kỹ thuật trồng màu theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Ngoài ra, kỹ sư còn có nhiệm vụ chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và tham mưu cho nông dân chọn trồng những cây màu nào phù hợp (tùy thời điểm mà nhu cầu thị trường cần, để tạo ra giá trị hàng hóa nông sản) và xây dựng mô hình sản xuất an toàn, giúp nông dân sản xuất rau màu theo địa chỉ và tránh việc phát triển trồng mang tính tự phát. Đặc biệt, kỹ sư còn tham gia làm cầu nối giữa nông dân với các địa chỉ tiêu thụ rau màu…
Ấp Cầu Tre, xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần) có 473 hộ dân, với 3.326 nhân khẩu; trong đó, có 98% là đồng bào dân tộc Khmer. Trước đây, khu vực này được “liệt” vào vùng đất khó. Do đất triền giồng, gò cao sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước trời, nên hàng năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa mùa vào mùa mưa, năng suất bấp bênh, đời sống người dân trong vùng phần lớn gặp khó khăn… Sau khi ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, xây dựng hệ thống kênh bê tông nổi và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2007, các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý đã chọn khu vực này xây dựng mô hình điểm “Cùng nông dân ra đồng“ để sản xuất lúa chất lượng cao. Chỉ sau 5 năm với 13 vụ sản xuất, năng suất lúa liên tục tăng. Nếu như trước năm 2007, năng suất lúa bình quân chỉ đạt 3 – 4 tấn/ha/vụ, nay nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật tăng lên 7 – 8 tấn/ha, cá biệt có một số hộ đạt 9 – 10 tấn/ha/vụ.
Nông dân Thạch Sanh, người Khmer, ngụ ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) phấn khởi cho biết: Gia đình ông có 0,5 ha đất trồng lúa. Năm 2000, do cần vốn sản xuất, ông đã vay ngân hàng 10 triệu đồng. Nhiều năm lao động cật lực, chi tiêu tiết kiệm, nhưng ông vẫn không thể trả được nợ, vì năng suất lúa chỉ đạt cao nhất 3 tấn/ha/vụ. Đầu năm 2007, nhờ các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý chọn khu vực này xây dựng mô hình sản xuất mới, năng suất của gia đình ông luôn đạt hơn 9 tấn/ha/vụ. Chỉ sau hai năm tham gia mô hình, ông đã trả được món nợ ngân hàng và xây được nhà mới khang trang.
Còn Tân Sơn là một xã vùng sâu của huyện Trà Cú, có gần 65% là đồng bào dân tộc Khmer. Tuy mới tách ra từ xã Tập Sơn vào năm 2004 nhưng năm 2011 được tỉnh Trà Vinh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Kể từ đó đến nay, diện mạo nông nghiệp, nông thôn ở Tân Sơn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần người dân nơi đây được nâng lên rõ nét. Toàn xã đã thành lập được 3 tổ kinh tế hợp tác sản xuất lúa giống cấp xác nhận đang hoạt động có hiệu quả; xây dựng cánh đồng mẫu lớn 185 ha, cánh đồng sản xuất lúa giống 200 ha, cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao gần 100 ha; nhiều mô hình sản xuất màu đạt 50 – 70 triệu đồng/ha/năm…
Nông dân Khmer ở Trà Vinh không những tích cực tham gia các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, họ còn chủ động, tự tìm đến các bộ khuyến nông, khuyến ngư ở địa phương để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất… Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả cao, góp phần kéo giảm số hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh hơn 4%/năm, nhiều hộ Khmer trở thành chủ trang trại có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Huy Hoàng
Theo Tin Tức
 

Bình luận (0)