Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trắc nghiệm địa lý: Không lựa chọn đáp án theo cảm tính

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 50 phút, học sinh thi địa lý sẽ phải hoàn thành 40 câu hỏi trắc nghiệm, do đó đòi hỏi các em phải thao tác nhanh và không được dừng ở một câu quá lâu.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017, học sinh sẽ thi trắc nghiệm địa lý. Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại TP.HCM
Ông Đặng Quang Quỳnh

Ông Đặng Quang Quỳnh (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn phương pháp giảng dạy địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã lưu ý điều này đối với học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhất là khi địa lý được chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm.

Giáo viên vững kiến thức mới giải kịp đề minh họa

Ông Quỳnh nhận định, do chưa quen với hình thức thi trắc nghiệm địa lý vì lần đầu tiên được áp dụng nên năm tới đây, cả học sinh lẫn giáo viên sẽ không tránh khỏi áp lực, lo lắng. Theo ông Quỳnh, so với thời gian làm bài 50 phút, số lượng 40 câu hỏi ở đề thi minh họa địa lý là chưa tương thích. Với đề thi này, ngay cả giáo viên cũng phải vững kiến thức mới có thể làm kịp.

Ông Quỳnh chỉ ra, tổng thời gian làm bài 50 phút nhưng trong đó các em đã mất khoảng 10 phút để đọc lướt toàn bộ câu hỏi vào đầu giờ và kiểm tra tổng thể bài thi cuối giờ. Do đó, trong quá trình làm bài, học sinh cần thao tác giải nhanh, không được dừng ở một câu quá lâu. Thời gian hợp lý dành cho mỗi câu hỏi khoảng 1 phút.

Ông Quỳnh nêu khái quát, các câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi minh họa kiểm tra cả lý thuyết và kỹ năng địa lý với nội dung được giới hạn trong địa lý Việt Nam lớp 12. Các câu hỏi này sẽ đo lường nhận thức của học sinh ở 3 mức độ: biết, hiểu và vận dụng kiến thức. Theo đó, đề thi sẽ bao gồm các câu hỏi ở nhiều mức: dễ, trung bình, khó và quá khó. Học sinh phải học thật kỹ các bài trong chương trình địa lý 12 đã được giảm tải, tuyệt đối không được học tủ. Đồng thời, các em cần tham khảo đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT vừa công bố để tập trung vào học những phần còn lại. Học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT cần học kỹ, nắm chắc kiến thức sách giáo khoa địa lý lớp 12. Tài liệu chính vẫn là sách giáo khoa tái bản, chỉnh lý năm gần nhất của Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Với học sinh thi để xét ĐH-CĐ, cần mở rộng tham khảo thêm những đề thi trắc nghiệm của các tác giả có uy tín, chẳng hạn sách Câu hỏi đề thi trắc nghiệm địa lý 12 đã được nhiều nhà xuất bản (Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM…) phát hành từ năm 2000 đến nay.

Thường xuyên luyện giải trắc nghiệm

Ông Quỳnh lưu ý học sinh thường xuyên luyện giải câu hỏi trắc nghiệm theo từng bài học, từng phần. Bởi đề thi ra bám sát chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng địa lý lớp 12 đã được Bộ GD-ĐT thể hiện, cụ thể hóa ở các chủ đề.

Học sinh phải học thật kỹ các bài trong chương trình địa lý 12 đã được giảm tải, tuyệt đối không được học tủ.

Chú ý các câu “mồi nhử”

Theo ông Đặng Quang Quỳnh, trong đề thi trắc nghiệm hay bao giờ cũng có các câu “mồi nhử”, nếu học sinh chủ quan, hấp tấp sẽ dễ mắc sai lầm đáng tiếc. Chẳng hạn, ở đề thi minh họa địa lý 2017 do Bộ GD-ĐT vừa công bố, câu 12: “Căn cứ vào Atlat địa lý Việt Nam trang 15 hãy cho biết các đô thị nào sau đây là đô thị đặc biệt ở nước ta?”.

A. Hà Nội, TP.HCM, B. Hà Nội, Cần Thơ, C. TP.HCM, Hải Phòng, D. TP.HCM, Đà Nẵng

Theo ông Quỳnh, A là đáp án đúng nhưng câu trắc nghiệm này đưa TP.HCM vào tới 3 đáp án, nếu học sinh không chắc kiến thức sẽ dễ nhầm lẫn.

Tương tự, ở câu 16: Lãnh hải là: A. Vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia trên biển. B. Vùng biển rộng 200 hải lí. C. Vùng tiếp giáp với vùng biển quốc tế. D. Vùng có độ sâu khoảng 200m. Có 2 đáp án cùng đưa vào số liệu là 200 hải lí và 200m, nếu học sinh không đọc kỹ sẽ dễ chọn nhầm.

Trong quá trình làm bài, các em đọc nhanh một lượt toàn bộ đề thi để xác định câu hỏi dễ, khó rồi chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau. “Đối với câu trắc nghiệm, các em cần chú ý từ ngữ trong các mệnh đề biểu đạt để đưa ra phương án trả lời đúng nhất. Hình thức thi trắc nghiệm khác với tự luận ở chỗ chỉ có “đúng hoàn toàn” hoặc “sai hoàn toàn”. Bởi vậy, các em không nên lựa chọn đáp án theo cảm tính”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Đối với những câu trắc nghiệm kiểm tra kỹ năng địa lý như biểu đồ, Atlat địa lý…, các em cũng cần luyện tập để đưa ra câu trả lời nhanh, chuẩn xác. Khi giải xong, các em nên dành 3-5 phút để kiểm tra lại toàn bộ bài thi.

Mê Tâm

 

Bình luận (0)