Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trắc nghiệm tiếng Anh: Rèn kỹ năng đọc hiểu mới làm tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Các bài đọc trong đề thi minh họa môn tiếng Anh mà Bộ GD-ĐT vừa công bố liên quan đến kiến thức kinh tế, xã hội cũng như thường thức hàng ngày, do đó học sinh cần quan tâm đến vấn đề thời sự, luyện kỹ năng đọc hiểu nhiều hơn để đạt điểm cao.

Thí sinh rèn kỹ năng đọc hiểu sẽ giúp làm tốt bài thi tiếng Anh. Ảnh: M.T

Đây là một trong những lưu ý của bà Nguyễn Thị Thanh Phương (Bộ môn ngoại ngữ thuộc Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa nước ngoài Trường ĐH Văn Hiến) đối với thí sinh sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia.

Bà Phương đánh giá, đề thi tiếng Anh minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 hay và bám sát chương trình cơ bản sách giáo khoa nhưng không dễ để học sinh đạt điểm tuyệt đối. Đề thi có nhiều câu sát thực tiễn, khả năng phân loại cao. Với lực học trung bình khá và nắm chắc kiến thức cơ bản, thí sinh chỉ có thể đạt từ 5 đến 6 điểm. Với lực học khá và tâm lý vững, thí sinh có thể đạt từ 7 điểm. Điểm 9 đến 10 chỉ xuất hiện với những thí sinh thật sự giỏi, xuất sắc.

Trong đề thi, 3 bài đọc khá dài nhưng là phần giúp học sinh ghi điểm, có ý nghĩa với xét tuyển ĐH. Các phần này liên quan đến kiến thức kinh tế, xã hội cũng như thường thức hàng ngày, do vậy học sinh cần quan tâm đến thời sự, luyện kỹ năng đọc hiểu nhiều hơn để làm tốt.

Thí sinh cần học kỹ các điểm ngữ pháp

Sinh viên Cao Thị Hồng Ly (sinh viên năm thứ nhất ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Sài Gòn) nhận xét, ở đề thi minh họa môn tiếng Anh, phần phát âm, dấu nhấn, tìm lỗi sai, ngữ pháp tương đối đơn giản, thí sinh chỉ cần học kỹ các điểm ngữ pháp về thì, danh từ số ít – số nhiều, cấu trúc song song, mạo từ, mệnh đề quan hệ… là có thể lấy trọn điểm phần này.

Phần điền từ cũng không quá phức tạp với những cấu trúc, điểm ngữ pháp và từ vựng đơn giản nên cũng có thể dễ để lấy điểm. Phần đọc hiểu gồm 3 bài có tính phân loại thí sinh. Tuy nhiên, bài đầu tiên có độ dài ngắn, không quá đánh đố, nếu thí sinh chịu khó trau dồi vốn từ sẽ vượt qua dễ dàng. Bài thứ hai dài, yêu cầu thí sinh phải có hiểu biết nhất định về cách phán đoán nội dung (tìm từ khóa trong câu hỏi, lướt thật nhanh bài đọc để tìm nó hoặc từ đồng nghĩa với nó ở vị trí nào rồi truy ra đáp án từ câu có chứa từ khóa. Nếu bế tắc, thí sinh có thể đọc câu liền trước, liền sau nó để tìm ra đáp án). Với những câu hỏi về chủ đề, thí sinh nên đọc kỹ câu đầu và câu cuối mỗi đoạn trong bài để nhanh chóng tìm ra đáp án (vì chủ đề thường rơi vào những vị trí đó), cũng có thể đặt vào ngữ cảnh để dịch hoặc loại trừ…

Bà Phương cho rằng, năm nay môn tiếng Anh sẽ thi trắc nghiệm, không còn câu tự luận như các năm. Vì vậy ở phương pháp học, học sinh cần tập trung nhiều vào kỹ năng đọc hiểu, từ vựng và cấu trúc câu. Khi học từ vựng cần đặt trong ngữ cảnh. “Vốn từ vựng của người học quá ít thì khi nghe từ mới sẽ không hiểu nghĩa, thậm chí chỉ nhớ mang máng. Hãy cải thiện bằng cách lặp lại nhiều hơn. Cách lặp lại từ vựng tốt nhất là đặt chúng vào một câu ví dụ nào đó, các em sẽ thuộc từ và thuộc luôn cả câu đồng thời có thể sử dụng lại cấu trúc của câu đó sau này”, bà Phương chỉ rõ.

Bên cạnh từ vựng, việc học nghe 1-2 tiếng đồng hồ mỗi ngày còn giúp học sinh cải thiện kỹ năng, tăng tự tin. Điều quan trọng là các em cần duy trì thói quen luyện nghe thường xuyên, đều đặn hàng ngày. Với ngữ pháp phức tạp, người học có thể áp dụng phương pháp học theo cấu trúc. Khi học cấu trúc, các em có thể hiểu được trọn vẹn cách nói đúng câu, đúng văn hóa, đúng về mọi mặt trong ngôn ngữ… Bà Phương đi vào một câu hỏi cụ thể trong đề thi minh họa tiếng Anh để gợi ý, hướng dẫn thí sinh bước giải. Cụ thể, câu số 20: Two friends Diana and Anne are talking about Anne‘s new blouse. – Diana: “That blouse suits you perfectly, Anne”. – Anne: “___” 

A/ Never mind. B/ Don‘t mention it. C/ Thank you. D/ You‘re welcome. 

Theo bà Phương, đầu tiên thí sinh phân tích nghĩa của cụm từ “never mind”, các em có thể tách đôi cụm từ này để tìm hiểu ý nghĩa. Thao tác tách cho thấy “never” là một phó từ, có nghĩa là “không bao giờ, không, đừng”… được dùng thể hiện trạng thái khẳng định của người nói về sự vật, hiện tượng; diễn tả sự chắc chắn của người nói khi đưa ra câu trả lời. Mind là danh từ, có nghĩa là tinh thần, trí tuệ, trí óc, ý kiến, sự chú ý, ký ức… Từ này có ý nghĩa biểu đạt khái niệm tinh thần của con người. Khi kết hợp, cụm từ “never mind” mang nghĩa “không sao đâu, đừng bận tâm”. Đây là một câu trả lời lịch sự, khiêm tốn khi giúp đỡ ai điều gì và được cám ơn hoặc là câu trả lời khi được ai đó hỏi han, quan tâm một cách thân thiện. Tuy nhiên, trong câu trên, ý của Diana là khen áo của Anne nên đáp án phù hợp phải là ”thank you”…

Mê Tâm

Bình luận (0)