Ảnh: IT |
PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cho biết: “Các bậc phụ huynh dù phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh hàng ngày hàng bữa để nuôi chính mình và dành hết khả năng kinh tế giúp con trưởng thành nhưng cũng rất cần sự quan tâm đến sức khỏe tinh thần của trẻ bằng sự nhạy cảm và thái độ kiên định…”.
1. Không ai nghĩ rằng Minh Bảo – mới 9 tuổi mà đã có những hành vi của một “đại ca ngầm” trong lớp như thế. Nào là ngồi lên đầu bạn, mắng bạn là cả nhà bạn ngu nên học dốt từ trên xuống dưới, đòi sẽ tẩy chay một bạn nữ trong lớp khi phát hiện bạn nhờ mẹ vẽ giùm để đạt điểm 10 nhưng cô giáo đã không phát hiện… Mẹ Bảo cho biết: “Năm lớp 1 và lớp 2 thì chỉ thấy cháu hơi ăn hiếp bạn nhưng dạo gần đây thì quá quắt nên chắc chắn đã có vấn đề…”.
Không phủ nhận rằng, những hành vi trên chưa phải là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhưng với một đứa trẻ lớp 4 thì nguy cơ tiềm ẩn là không phải nhỏ. Tiến hành tương tác và kiểm tra diễn tiến thì nguyên nhân bắt đầu lộ rõ. Cháu quá được cưng chiều, cháu luôn coi mình là số một. Không ít lần mẹ cũng muốn biến cháu thành số một về học tập… Vốn dĩ gia đình cũng khá giả nên cháu tỏ ra giàu có từ rất sớm, vốn trí tuệ cháu cũng khá nên cháu không muốn mình phải thua ai, cộng với việc cô giáo cũng cho rằng cháu rất trội về một số môn học nên tính tự kiêu bắt đầu xuất hiện… Cũng may mắn là cha mẹ của Bảo rất nhạy cảm với những biểu hiện ban đầu nên nhờ đến sự can thiệp của trường học cũng như các chuyên gia tham vấn. Tình hình không quá khó khăn khi phác đồ trị liệu nhận thức và điều chỉnh hành vi được đưa ra: Bảo cần nhận thức lại các giá trị, điều chỉnh thái độ, nhận ra viễn cảnh và tương tác tích cực bằng những lời nói và hành vi giao tiếp…”.
2.Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thì không thể trách những bậc phụ huynh phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh hàng ngày hàng bữa để nuôi chính mình và dành hết khả năng kinh tế giúp con trưởng thành. Nhưng rõ ràng các bậc cha mẹ cần có một chút sự nhạy cảm và ý chí cũng như sự đầu tư có hướng bằng thái độ kiên định. TS. Sơn khẳng định: “Thứ nhất, việc giáo dục con không thể thiếu sự nhạy cảm. Việc nhận ra con mình có xu hướng đua đòi theo các bạn hoặc người lớn là điều cần thiết. Phát hiện con gái mình có những biểu hiện như chăm chút quá mức đến cơ thể, điệu đàng, có những hành vi thiếu tính đoan chính theo sự nhận định chuẩn mực, cha mẹ cần khéo léo quan sát, cần chú ý lắng nghe và trò chuyện với con cái để có thể có những sự can thiệp vừa phải. Phát hiện con mình có những giấc ngủ khó yên, có những trăn trở qua hơi thở, giấc mơ… thì chính cha mẹ là người thật nhanh nhạy để có những tác động nhất định. Sự nhận thức ấy không hẳn được thực hiện bằng yếu tố nhận thức mà còn thực hiện bằng sự nhạy cảm của một con người.
Tuy nhiên, yếu tố thứ hai cũng không kém phần quan trọng đó là sự đầu tư có đích đến của mình. Đành rằng hết sức thông cảm khi cha mẹ phải vật lộn với cuộc sống để mưu sinh nhưng cũng không thể thiếu sự định hướng khi phát hiện con mình có những vấn đề. Anh Nguyễn Bình – phụ huynh của học sinh lớp 7 phát hiện con mình ăn cắp gần 500.000 đồng của mẹ để chơi game, liên tục bỏ học ba buổi chiều để bám trụ tại tiệm internet… Đánh một trận đòn, giảng bằng một bài giảng lý thuyết một tiếng đồng hồ… Anh lại lên đường đi làm ăn phương xa. Với một người mẹ vừa tròn 30 tuổi, một cậu con trai 12 tuổi sẽ đặt niềm tin theo định hướng thiếu sự sâu sắc khi khả năng thuyết phục của mẹ lại khá kém… Câu hỏi xem chừng là một thách thức không lời giải.
Điều thứ ba cũng rất quan trọng đó là sự kiên định của các bậc cha mẹ. Không ít bậc cha mẹ thiếu sự kiên định khi rèn luyện hành vi cho con trẻ. Khi con trẻ có biểu hiện sai trái, thông thường nhiều phụ huynh thể hiện rất rõ sự vội vàng của mình qua những lời la mắng hay những trận đòn nên thân. Không quá nhiều phụ huynh kiên nhẫn lắng nghe lời giải thích, lắng nghe kế hoạch thay đổi, kiên nhẫn quan sát trẻ, kiên nhẫn và tinh tế nhìn nhận sự điều chỉnh của đứa trẻ… Thậm chí việc thử thách trẻ một cách tinh tế cũng là điều cần làm để đứa trẻ có thể khẳng định chắc nịch về hành vi của mình đã được điều chỉnh…
“Các bậc cha mẹ có thể nhận dạng các điều trên bằng những cách đầu tư thích ứng: dành thời gian trò chuyện và tâm sự, giữ mối quan hệ thân tình và sự gắn bó, tham gia hoạt động cùng con, thẳng thắn trao đổi và chia sẻ… Những điều kiện ấy sẽ góp phần quan trọng để giúp các bậc cha mẹ có thể mau chóng và nhạy cảm nhận dạng những biểu hiện có nguy cơ để điều chỉnh kịp thời nhằm phát triển đứa trẻ một cách an toàn theo hướng đích… Song song đó, trách nhiệm của nhà trường cũng không thể xem nhẹ. Đồng hành cùng với phụ huynh đó chính là nhiệm vụ của thầy cô giáo và nhà giáo dục. Những yêu cầu về nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở việc dạy học mà còn quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục nhân cách, công tác tham vấn và trị liệu” – TS. Sơn đúc kết!
Minh Thành
Bình luận (0)