Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Trách nhiệm của cha mẹ là nuôi con nên người”

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ba mẹ con chị Trang tại buổi lễ trao học bổng “Parkson - Chăm sóc giáo dục”Đó là tâm sự của chị Trần Thị Thùy Trang, phụ huynh của hai em Dương Nữ Khánh Linh – học sinh lớp 5/2 và Dương Nữ Khánh Thiên – lớp 3/3 Trường Tiểu học Lê Quang Định, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Chị đã rất hạnh phúc khi cả hai đứa con được nhận học bổng “Parkson – Chăm sóc giáo dục” do Sở GD-ĐT TP.HCM và Công ty TNHH Parkson tổ chức…

Tất cả là vì con

Năm 2004, vợ chồng chị Trang cùng ba má chồng, các em chồng khăn gói từ An Giang lên TP.HCM sinh sống. Nhà cửa, ruộng vườn ở An Giang bán hết chỉ đủ mua một miếng đất “cắm giùi” ở xã Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM. Cất xong cái nhà nhỏ xíu lấy chỗ chui ra chui vào là vợ chồng chị, mấy đứa em chồng tất tả đi tìm việc làm.

Chồng chị – anh Dương Hà Kinh Hoa may mắn xin được “một chân” bảo vệ ở Công ty Kho bãi Vạn Thành, Q.Thủ Đức. Do chỗ làm cách nhà xa nên lâu lâu anh Hoa mới về thăm vợ con. Còn chị Trang, để có “đồng ra đồng vào” đỡ đần phần nào cho chồng nên ra chợ mua ít bánh kẹo, trái cây bán dạo trước cổng Trường Tiểu học Lê Quang Định, Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ, Phước Kiển, Nhà Bè. “Học sinh ở nông thôn không có nhiều tiền nên chúng ít ăn quà, bởi vậy mà buôn bán cũng ế ẩm lắm. Ngày nào may mắn thì cả vốn lẫn lời được khoảng 25.000 – 30.000đ, nhưng thường chỉ được 10.000 – 15.000đ/ngày. Bánh kẹo thì còn để lâu đuợc, chứ trái cây để 3 – 4 ngày là hư. Hư lại phải ăn, bỏ thì tiếc. Thấy vậy, ông xã kêu nghỉ và xin ông chủ công ty cho tôi tới đó bán thuốc, nước cho công nhân, khách hàng… Khi bé Khánh Linh lên lớp 3, còn bé Khánh Thiên vào lớp 1 thì tôi phải để con lại cho ba má chồng rồi theo chồng qua Thủ Đức buôn bán”, chị Trang kể lại.

Việc buôn bán ở đây cũng thuận lợi nên trung bình mỗi ngày chị kiếm được 40.000 – 50.000đ tiền lãi, thậm chí có ngày hên kiếm được 100.000đ. Tiền nhiều thì cũng thích nhưng không thể nào bù đắp nỗi nhớ thương con. Nhiều đêm nghĩ tới hai đứa con phải sống xa cha mẹ, chị lại khóc. Những lúc như vậy, chị chỉ muốn bỏ hết việc buôn bán để về với con. “Nghĩ đi rồi cũng phải nghĩ lại, ông xã làm mười mấy tiếng một ngày mà lương chỉ 1,2 – 1,3 triệu đồng/tháng, còn mình buôn bán vặt vãnh vậy mà mỗi tháng cũng kiếm được 1,5 – 1,7 triệu đồng. Thế là lại phải kìm nén nỗi nhớ thương con vào lòng…”, chị Trang tâm sự.

Thương ba mẹ nên học giỏi

Năm 2004, mẹ xin cho Khánh Linh vào lớp 2 Trường Tiểu học Lê Quang Định. Thấy Khánh Linh nhỏ con, quần áo cũ kỹ, chân đi đôi dép rách, đặc biệt là khi nghe cô giáo chủ nhiệm giới thiệu em mới chuyển từ An Giang lên, các bạn trong lớp thì thầm: “Đúng là con nhỏ nhà quê”.

Thật ra so với “con nhỏ nhà quê” Khánh Linh thì các bạn trong lớp cũng có “thành phố” tí nào đâu. Quần áo của các bạn cũng lem luốc, tóc bạn nào cũng khét mùi nắng, da thì đen nhẻm. Nhưng vì các bạn ấy là “ma cũ” nên cứ thích bắt nạt “ma mới”… Nghe cô giáo giải thích như vậy, Khánh Linh không buồn và cũng không giận các bạn. Em chăm chỉ học hành, buổi học nào Khánh Linh cũng giơ tay phát biểu. Thậm chí có những bài khó, không bạn nào trong lớp làm được nhưng Khánh Linh vẫn làm được. Từ đó các bạn bắt đầu thấy thích Khánh Linh và năm lớp 3 thì bầu em làm lớp trưởng.

Năm Khánh Linh lên lớp 3 cũng là năm em Khánh Thiên vào lớp 1 và là năm mẹ đi làm xa nhà. Mỗi ngày hai chị em dắt nhau tới trường, nhìn thấy các bạn trong trường được cha mẹ đưa đón, hai chị em buồn lắm. Có hôm em Khánh Thiên khóc và không chịu vào lớp học, Khánh Linh phải dỗ mãi.

Nhà cách trường tương đối xa nhưng hai chị em không dám ở bán trú vì sợ cha mẹ tốn tiền. Buổi trưa dù nắng hay mưa hai chị em vẫn về nhà ăn cơm, rồi đầu giờ chiều lại đi học. Trên đường đi học, hai chị em nói đủ thứ chuyện, trong đó có cả chuyện học hành nữa. Hôm nào ở lớp có bài khó là Khánh Thiên đều hỏi chị, Khánh Linh vừa dắt em đi về vừa giảng giải. Có “thầy giỏi” là chị gái nên “trò” Khánh Thiên rất tự tin mỗi khi vào lớp học. Kết quả là Khánh Thiên luôn đứng vị trí số 1 của lớp…

“Thỉnh thoảng ba mẹ mới về nhà thăm tụi em. Đêm ngủ, ôm hai đứa con vào lòng, mẹ nói: “Có cha mẹ nào lại không muốn ở gần con cái, chăm sóc cho các con. Nhưng nếu ba mẹ không đi làm thì không có tiền nuôi các con ăn học. Hai đứa gắng mà học, đừng phụ lòng mong đợi của ba mẹ”. Thương ba mẹ làm việc vất vả nên hai chị em bảo ban nhau chăm chỉ học hành…”, Khánh Linh cho biết.

Bài & ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)