Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trách nhiệm nhà trường quá lớn!

Tạp Chí Giáo Dục

Ở tuổi hiếu động, các em học sinh không tránh khỏi những va chạm với nhau, kết quả là người hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm chính (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Cái gì cũng phải học! Đúng vậy. Hiện nay chương trình phổ thông đã quá tải vì có quá nhiều kiến thức, thế nhưng cái gì cũng phải học. Từ kiến thức về AIDS đến an toàn giao thông, bây giờ lại thêm tệ nạn tham nhũng…
1. Có vấn đề xã hội phù hợp với độ tuổi học sinh nhưng cũng có nhiều vấn đề chưa cần thiết đối với các em, đa số vẫn là kiến thức hàn lâm. Trước khi đưa vào nhà trường chúng ta nên đặt ra câu hỏi: Như vậy có quá tải hay không? Đã phù hợp với lứa tuổi hay chưa? Những vấn đề mang tính nhật dụng đó chỉ cần tích hợp vào bài giảng là được, không cần những kiến thức cao siêu. Không chỉ dạy cho các em khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường mà phải hướng dẫn cho các em có nhiều kỹ năng học tập và tu dưỡng suốt đời. Quan niệm học sinh là trung tâm thì nhà trường phải tìm mọi cách giúp đỡ các em chủ động trong học tập và hoạt động. Tuy là vấn đề vĩ mô nhưng nếu hiệu trưởng biết quan tâm thì sẽ thay đổi được phương pháp giáo dục bằng sự sáng tạo, linh hoạt trong giải quyết công việc. Theo tôi, giáo viên không chỉ là người hướng dẫn mà còn là người bạn chân thành của các em. Nếu thầy cô nào còn bảo thủ thì sẽ cách biệt với học sinh, áp đặt trong giáo dục, điều này sẽ làm cho các em bị động, dấu dốt, khó tiến bộ. Nhiều giáo viên không thích học sinh hỏi, đây là một sai lầm vì các em không hỏi thì sẽ không biết gì cả. Phương pháp, chương trình có thể thay đổi nhưng giáo viên là linh hồn của lớp học thì khó có thể thay đổi được. Tôi thấy các em phải học quá nhiều, nguy cơ xa rời thực tế rất lớn.
2. Cái gì nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm! Khi học sinh vi phạm, người chịu trách nhiệm trước xã hội là các thầy cô và nhà trường. Nhưng, trong lúc đó các em còn là sản phẩm giáo dục của gia đình và xã hội – vì con người là tổng hòa của mọi mối quan hệ. Chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm nhưng đó là trách nhiệm chung của mọi cấp, mọi ngành để có cái nhìn khách quan hơn.
Cái gì cũng phải giao ban! Nhà trường gắn với địa phương trong công tác xã hội hóa giáo dục. Nhưng bên cạnh đó có những hoạt động khác của khu phố, của phường cũng dính với nhà trường như các chương trình văn nghệ, hoạt động xã hội, tiếng hát phố phường… Hiệu trưởng phải đi giao ban hết, rõ ràng trong việc này khâu tổ chức vẫn còn bất cập, thủ tục cồng kềnh.  
3. Việc kiểm tra đánh giá hiện vẫn còn mang tính chất đối phó. Kiểm tra đánh giá có hai loại: đánh giá theo chuẩn học sinh và kiểm tra để điều chỉnh cách dạy, cách học. Trước đây có hiện tượng giáo viên trực tiếp ra đề cho học sinh lớp mình dạy, như vậy dễ nảy sinh tiêu cực nhất là giáo viên có dạy thêm. Giáo viên bộ môn phải ra hai đề kiểm tra cùng cấu trúc để lựa chọn bằng cách xáo đề mới đánh giá chính xác lực học của từng em.
Hiệu trưởng không chỉ là nhà lãnh đạo mà còn là nhà quản lý. Đây là hai điều khác biệt nhau chứ không thể nhập chung được. Cương vị nào cũng cần thiết, vừa có tầm nhìn chiến lược vừa có năng lực điều hành. Tùy lúc người hiệu trưởng cần phải linh hoạt, sáng tạo nhất là giải quyết những vấn đề có lợi cho nhà trường, cho tập thể.
Thầy Trần Mậu Minh
(Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM) 
LTS: Giáo Dục TP.HCM mở mục “Câu lạc bộ hiệu trưởng” đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về chia sẻ với trách nhiệm của người làm hiệu trưởng. Trong số này, tòa soạn xin giới thiệu ý kiến của thầy Trần Mậu Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) nói về trách nhiệm của nhà trường.
 

Bình luận (0)