Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Trách nhiệm với nguồn nhân lực nước nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Bàn về giáo dục khi hội nhập vào thế giới trước hết phải đề cập đến nguồn nhân lực Việt Nam. Bởi khi ra cạnh tranh với bên ngoài thì nguồn nhân lực trong nước mới bộc lộ hết ưu điểm và cả những khuyết điểm sẵn có.

Một giờ học thực hành của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: A.Khôi

Đơn cử như việc đào tạo đội ngũ học sinh giỏi hiện nay. Đây là tiềm năng đặc biệt để xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai đáng lý phải quan tâm tới chất lượng nhưng trên thực tế đôi khi lại khác. Có không ít nơi đào tạo học sinh giỏi là để luyện gà nòi với mục tiêu giành giải thưởng vì quá chú trọng đến thành tích, điểm số và bằng khen. So với tổng thể nguồn nhân lực chung của đất nước, tỷ lệ này rất nhỏ không thể đại diện cho bộ mặt nguồn nhân lực Việt Nam được vì còn có nhiều nguồn nhân lực khác. Chính vì thế chúng ta vẫn thật sự lo lắng về chất lượng và những yếu kém của nguồn nhân lực mà trong đó người lao động đóng vai trò chủ yếu.

1. Trước hết phải thừa nhận rằng, phần đông người trong độ tuổi lao động (từ 60 tuổi trở xuống) đều là sản phẩm của giáo dục, do giáo dục đào tạo mà ra. Giống như các mặt hàng khác, khi sản xuất hàng loạt thì thế nào cũng có phế phẩm nhưng đáng buồn và khó giải thích vì sao số phế phẩm trong giáo dục quá nhiều và tác hại thì không nhỏ chút nào. Biết bao chuyện cần phải lên tiếng về cách hành xử thiếu văn hóa ngoài đường mà chúng ta vẫn thường bắt gặp như xả rác, cãi cọ khi va quẹt, vi phạm Luật Giao thông. Ở công sở thì cách làm việc qua loa theo kiểu “nói thì hay làm thì dở”, làm hết giờ chứ chưa làm hết việc. Đáng buồn nhất là tất cả những biểu hiện đó lại xuất phát từ những người vốn là sản phẩm nhiều năm do nhà trường đem lại. Vì sao lại như vậy? Ai cũng biết không bao giờ nhà trường dạy và ủng hộ học sinh làm những điều sai trái đó. Tuy nhiên các em lại quay mặt làm ngơ trước các hiện tượng ấy một cách vô cảm. Thử hình dung khi hội nhập sâu rộng với thế giới mà người Việt chúng ta cứ mang theo những tính xấu cố hữu thì sớm muộn cũng mất tín nhiệm và sẽ bị thua cuộc cũng như loại trừ dần ra khỏi thế giới văn minh. Vì thế không còn cách nào hơn, chúng ta phải quyết liệt tìm cách ngăn chặn và loại bỏ dần ra khỏi xã hội những thói hư tật xấu để có những con người thời hội nhập. Có như thế nguồn nhân lực lao động mới xứng đáng và đúng nghĩa trọn vẹn.

Học sinh lớp 12 tại Cà Mau đặt câu hỏi trong một chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua. Ảnh: M.Tâm

2. Trong các quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT (thuộc Nghị quyết 29) có quan điểm: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Đó là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, cụm từ “phẩm chất người học” nên đưa lên trước từ “năng lực” vì ta phải đào tạo người học thành người trước rồi mới đào tạo thành người lao động sau. Có người tốt thì mới có người lao động tốt. Không thể có người lao động tốt nếu chưa có người tốt. Vì muốn có người lao động hay nguồn nhân lực đúng nghĩa trong tương lai thì ngay từ bây giờ phải đào tạo những người có phẩm chất và năng lực tốt.

Thực tế cho thấy năng suất lao động của chúng ta vẫn có khoảng cách xa với các quốc gia khác mà nguyên nhân bắt đầu từ chất lượng nguồn nhân lực lao động.

Bao giờ cũng vậy, nếu nhìn thẳng được sự thật nhất là nhận diện được mặt yếu kém của chính bản thân thì việc khắc phục sẽ nhanh chóng và có hiệu quả. Còn ngược lại không nhìn được mặt trái, nhược điểm thì khó có cơ hội phát triển.

Chỗ này hay chỗ khác, chúng ta thừa nhận nền giáo dục hiện nay đang “có vấn đề” trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Rất nhiều người đã nhìn thấy và dám nói đến cuộc khủng hoảng đạo đức hiện nay với một tâm trạng buồn và lo lắng. Đây là một điều đáng lạc quan và có thể coi như là một bước tiến dũng cảm vì chúng ta dám công nhận một thực trạng có thật. Bước tiến này sẽ được nối tiếp bằng việc tìm hiểu thật khoa học các nguyên nhân và hành động quyết liệt để tìm cách loại bỏ những rào cản chậm tiến. Có như thế mục đích đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT mới đạt được.

3. Về lực lượng chủ lực để thực thi công cuộc đổi mới GD-ĐT đó chính là đội ngũ thầy cô giáo chứ không còn ai khác. Giáo viên được coi như “lực lượng bộ binh” luôn đi tiên phong của ngành GD-ĐT. Vì thế người thầy không ra tay giải quyết thì công cuộc đổi mới với những tham vọng lớn lao bao nhiêu cũng chỉ nằm im lặng trên giấy. Thế nhưng, thực tế mức lương của giáo viên vẫn còn thấp, đời sống thầy cô giáo vẫn còn khó khăn nên họ đang cần một mức lương hợp lý trong tương quan chung giữa các ngành trong xã hội để đưa công cuộc đổi mới vào lớp mình, bài giảng của mình đang dạy để khỏi vướng bận và tủi thân vì làm việc trong ngành được xem là “quốc sách hàng đầu”. Chính vì đồng lương còn thấp chưa đủ sống mà họ phải tìm cách dạy thêm hoặc làm thêm những việc trái ngành nghề để lo cho cuộc sống gia đình thì làm sao ra lệnh cho họ toàn tâm toàn ý với công tác giáo dục được. Đây có lẽ cũng là một việc làm để góp thêm phần thúc đẩy đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT của chúng ta

TS. Hồ Thiệu Hùng  

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)