Trái cây bán tại chợ ĐaKao, Q.1 |
Gần đây, trên thị trường xuất hiện khá nhiều trái cây Trung Quốc gắn mác Đà Lạt. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhà vườn Đà Lạt lao đao vì rau củ quả rớt giá thê thảm.
Hàng Trung Quốc vận chuyển từ Đà Lạt
Không ít bà nội trợ có thói quen mua hàng bằng mắt, ham củ quả to, bắt mắt, giá lại rẻ mà không màng đến nguồn gốc của chúng. Trái cây Trung Quốc đội lốt trái cây Đà Lạt nhiều nhất thời gian qua phải kể đến hồng. Theo đó, không chỉ các điểm bán bên ngoài mà ngay cả các ki-ốt trái cây trong chợ cũng xuất hiện hồng Trung Quốc nhưng người bán khẳng định là hồng Đơn Dương. Ông Lê Văn Thành, tiểu thương chợ Bà Chiểu (TP.HCM) khẳng định: “Nói hồng Đà Lạt để bán được giá”.
Trái cây Trung Quốc trà trộn ở các vựa thuộc thủ phủ của loại trái cây đó rồi đi đường “chính ngạch” về các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, người nông dân bị thiệt hại nặng do một số tin đồn ác ý, cố tình hiểu sai sự thật. Như ông Thành cho biết, hiện nay một số nhà vườn Đà Lạt sử dụng thùng giấy của Trung Quốc (loại thùng đóng lê, táo…) để đựng hồng nên người tiêu dùng cho rằng hồng Trung Quốc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hồng Đà Lạt đã rẻ ở thời điểm chính vụ, lại càng rớt giá thê thảm trong thời gian qua.
Chị Thúy Hương, chủ vựa trái cây tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chia sẻ kinh nghiệm phân biệt hồng Đà Lạt và hồng của Trung Quốc: “Hồng Đà Lạt (cả ba loại hồng giòn, hồng trứng và hồng dẻo) có vỏ bóng mịn, không đẹp và nhỏ hơn hồng Trung Quốc rất nhiều. Đặc biệt khi ăn, hồng Trung Quốc không thơm và ít nước hơn hồng Đà Lạt. Một đặc điểm mà các bà nội trợ dễ phân biệt là hồng Trung Quốc nơi đầu cuống có màu đen sậm, càng thâm đen ở cuống có nghĩa là hàng đã lâu”. Theo chị Hương, hồng Trung Quốc tẩm thuốc bảo quản nơi đầu cuống. Thực tế, không ít người tiêu dùng mua phải loại hồng vàng của Trung Quốc vì thấy “đẹp mắt”, to tròn. Về cơ bản, loại hồng này khá giống hồng giòn Đà Lạt, chỉ khác rõ ở kích thước.
Không chỉ người dân Hà Nội mà người tiêu dùng TP.HCM cũng hết sức lo lắng vì táo mua về để cả tuần, thậm chí cả tháng vẫn không bị hỏng. Kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông Thành cũng chẳng giấu giếm: “Nhìn bên ngoài to đẹp vậy chứ cắt ra bên trong đã chuyển màu, thậm chí bị thối luôn cả hạt”.
Theo ông Phan Hùng Tâm (kỹ sư Công ty Cây giống miền Nam), rất có thể táo này đã được tẩm, phun chất bảo quản. Còn về chất gì, có hại như thế nào thì ông Tâm cho rằng phải lấy mẫu kiểm tra, phân tích trong một thời gian dài mới có kết quả. Tuy nhiên, theo ông Tâm, việc xác định chất gì sử dụng trong bảo quản trái cây hiện nay không hề dễ tí nào.
Cảnh giác với trái cây quá rẻ
Hồng Trung Quốc vỏ bóng láng, không thơm, ngọt như hồng Đà Lạt và đặc biệt trái to, chỉ từ 4-5 trái/kg |
Những loại trái cây “sạch” từ nhà vườn miền Tây, miền Đông thời gian qua “sống được” từ lề đường đến chợ. Theo người bán, các loại trái cây như ổi, mãng cầu, dưa hấu, chuối… ít bị cạnh tranh bởi trái cây ngoại, giá lại rất mềm nhưng đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng mà bác sĩ khuyến cáo nên ăn. Anh Nguyễn Văn Hồng, chủ vườn ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) cho biết mặc dù các loại trái cây này đang vào mùa thu hoạch, sản lượng tăng đáng kể so với năm ngoái nhưng đảm bảo không rớt giá, nhà vườn cũng rất phấn khởi.
Điểm tập kết trái cây trên đường Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7 từ đầu tháng 10 đến nay cũng đã giảm giá ở một số loại trái cây truyền thống của nhà vườn miền Tây như chuối, đu đủ, dưa hấu, cam, quýt… Tuy nhiên, theo các chủ vựa việc giá giảm chưa phải là hiện tượng mà chỉ vì trái cây vào vụ thu hoạch, hơn nữa nhà vườn trúng mùa dẫn đến dội chợ, giảm giá.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Y khoa, TP.HCM) cho biết, trái cây ngoại, đắt tiền chưa hẳn cung cấp nhiều dưỡng chất, vitamin bằng các loại trái cây rẻ tiền như chuối, ổi… và hơn hết là an toàn. “Người tiêu dùng cần cảnh giác với các loại trái cây có giá quá rẻ so với thị trường. “Có thể là trái cây non được vú ép, ngâm tẩm bằng hóa chất”, kỹ sư Tâm cảnh báo.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)