Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trái cây Trung Quốc tung hoành trên thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

Trái cây Trung Quốc đội lốt trái cây ngoại và thương hiệu nhà vườn trà trộn ra chợ khiến sức tiêu thụ trái cây trong nước gặp khó, người tiêu dùng hoang mang.

Trái cây Trung Quốc trà trộn ra chợ, người mua khó mà phân biệt

Không ít tiểu thương có ý định chuyển đổi nghề bởi bán chậm vì trái cây Trung Quốc (Tàu) hoành hành thị trường. Các loại trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc bán nhiều nhất tại TP.HCM phải kể đến là lê, táo, đào, nho, quýt… Bà Nguyễn Thị Lưu, người bán trái cây lâu năm trên đường Vũ Tùng, Q.Bình Thạnh thừa nhận: “Buôn bán ế ẩm, chỉ có bán trái cây Trung Quốc mới có lãi cao, nay khách hàng cũng e dè bởi thông tin trái cây này có tẩm chất bảo quản, thuốc kích thích độc hại nên khó bán”.

Tràn ngập trái cây ruột “Tàu”, vỏ ta

Tiểu thương các sạp trái cây dẫn vào chợ Bà Chiểu than thở, thời gian qua mua bán ế ẩm bởi khách hàng cho là trái cây Trung Quốc độc hại. “Chỉ bán được vài thứ như chuối, thanh long, xoài… Riêng các loại trái cây của miền Bắc như mận Lào Cai, đào Sa Pa… đều bị cho là của Trung Quốc, rất khó bán”, tiểu thương tên Nga rầu rĩ. Chị Nga cũng thừa nhận so với trước đây, sức tiêu thụ của trái cây Trung Quốc giảm đáng kể vì người mua lo lắng về sức khỏe. Để bán được, người bán cho lột tem, phi tang bao bì đóng thùng để dễ dàng ra chợ. “Trái cây Trung Quốc mua rẻ nhưng bán với giá cao, ai mà không ham”, chị Nga nói.

Đường Tân Sơn (Q.Gò Vấp) được xem là chợ trái cây di động theo mùa. Mùa này, hàng chục chiếc xe đẩy đều bày bán những chùm nho chín mọng, bắt mắt với giá 25.000-30.000 đồng/kg. Người bán khẳng định đây là nho Ninh Thuận, tuy nhiên theo những người có kinh nghiệm thì 100% có nguồn từ Trung Quốc. Một số người bán thừa nhận mình cũng là nạn nhân, bỏ tiền mua trái cây “xịn” nhưng lại nhầm trái cây Trung Quốc. Theo đó, một ký nho Trung Quốc có giá mua vào từ 15.000-20.000 đồng nhưng gắn mác nho Ninh Thuận hoặc nho Mỹ thì giá đội lên gấp nhiều lần.

Kể cả cửa hàng trái cây lớn cũng thế, người bán luôn miệng cam kết là nho Ninh Thuận, không phải nho Trung Quốc nhưng không có gì để chứng minh lời của họ là đúng.

Từ lâu, các loại trái cây mận, đào Trung Quốc được gắn mác đặc sản Hà Nội bày bán tại các cửa hàng lớn có uy tín và được bán với giá cao hơn giá thị trường. Phố đặc sản Bắc trên đường Trần Quốc Toản (Q.3), Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), Chu Mạnh Trinh (Q.1)… có bán tất tần tật các loại trái cây được cho là của Sa Pa, Lào Cai, Lạng Sơn…, trong khi đó người mua thì tù mù về nguồn gốc cũng như cách phân biệt. Về giá cao ngất ngưởng, người bán giải thích là phí vận chuyển bằng đường hàng không khá cao, cộng với phí bù đắp hao hụt do bảo quản hàng “xịn”.

Các loại trái cây “đặc sản” Hà Nội có xuất xứ Trung Quốc này cũng bán đầy rẫy ở các tuyến đường như Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội, Quang Trung, tỉnh lộ 10… 

“Nỗi oan” trái cây trong nước

Ông Lê Bảo, thương lái trái cây tại bến Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7 than phiền, không chỉ nhà vườn mà thương lái, người mua đi bán lại cũng gặp khó vì trái cây Trung Quốc đội lốt trái cây Việt. Ông Bảo cho rằng, cần có những giải pháp hữu hiệu để “giải oan” cho trái cây trong nước.

Ông Nguyễn Văn Bảy, tiểu thương chợ nông sản Thủ Đức cho biết, tâm lý của người mua là thích trái cây có hình thức đẹp, kích cỡ lớn và đều trái. Đáp ứng những “tiêu chí” này chỉ có trái cây Trung Quốc. Ông Bảy cũng lưu ý một số đặc điểm cơ bản để phân biệt trái cây Trung Quốc như nho, mận, đào… Với nho đỏ Trung Quốc có trái to, bên ngoài có lớp phấn trắng đục, vỏ màu tím không đều, ăn rất mềm. Nho xanh ngọt gắt khó chịu, trái bóng, mọng, chùm rất dài. Ngược lại, nho Việt Nam (Ninh Thuận) có trái nhỏ, cuống và chùm ngắn, ruột “chắc”, đặc biệt vỏ nho dày hơn và có vị chua đặc trưng. Tương tự, trái lê Trung Quốc to đều, vỏ màu vàng tươi, ngọt sắc đậm nhưng không thơm. Còn lê Việt Nam tuy vỏ sần sùi, có vị chua nhưng thơm ngon.

Lâu nay người tiêu dùng cứ nghĩ quýt Thái được nhập từ Thái Lan nhưng thực chất được trồng ở Lâm Đồng và nhập từ Trung Quốc. Quýt Thái tiêu thụ tại thị trường trong nước chủ yếu là của Trung Quốc, bởi loại này trong nước trồng rất ít và sản lượng tương đối thấp. “Người mua dễ bị nhầm lẫn vì chúng khá giống nhau, chỉ có thể phân biệt khi ăn”, ông Bảy nói. Tương tự, mận Lào Cai khá giống mận Trung Quốc, chỉ người sành ăn mới có thể phân biệt qua mùi và vị chát của nó.

Bài, ảnh: T.Anh

 

Bình luận (0)