Dù trai hay gái thì cũng là những đứa trẻ cần được ba mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng bằng tình yêu thương. Ảnh: I.T |
“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” là quan niệm tưởng chừng như đã hết thời trong xã hội hiện nay. Thế nhưng, vấn đề này vẫn tồn tại trong nhiều gia đình, dẫn đến những hệ quả xấu mà không hẳn ai cũng lường trước được.
Sức ép từ nhiều phía
Theo số liệu của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tình trạng nạo phá thai để lựa chọn giới tính dẫn đến tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là 112.9/100 (2014). Chính định kiến giới về việc nối dõi tông đường là của nam giới nên đã dẫn đến tâm lý chuộng con trai. Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng, đặc biệt trong các gia đình mà người phụ nữ thiếu quyền uy tự chủ về mặt tài chính, xã hội. Chị Nguyễn Thị Kim (Q.9, TP.HCM) sống trong tâm trạng lo âu, buồn chán khi đang mang thai ở tháng thứ 8. Sau khi sinh hai con gái, vì gia đình nhà chồng mong muốn có con trai nên chị quyết định có “tập 3” với hy vọng sẽ có con trai là “bảo bối” để chị không phải chịu sức ép từ phía nhiều người. Thế nhưng, khi siêu âm biết đứa bé sắp chào đời là con gái, chồng chị và cả gia đình nhà chồng tỏ ra hờ hững, lạnh nhạt, không quan tâm đến chị nhiều. Ở nhà làm nội trợ, không có nhiều mối quan hệ xã hội, tâm lý buồn chán của chị Kim càng làm chị rơi vào bế tắc, không có người để sẻ chia.
Chị Kim chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ hiện nay phải chịu sức ép rất lớn từ gia đình nhà chồng, đặc biệt là những phụ nữ làm dâu trong gia đình chỉ có một người con trai độc nhất. Quan niệm con trai nối dõi tông đường dường như đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều gia đình. Không ít gia đình trí thức khá giả cũng vẫn có quan niệm này và đã dẫn đến những câu chuyện đau lòng. Là kiến trúc sư, chị Phạm Trúc Ly (Q.3) có cuộc sống kinh tế ổn định nhưng nỗi lo về việc sinh con trai vẫn ám ảnh chị mỗi ngày. Vốn là người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính nhưng khi chồng chị quá đặt nặng việc có con trai để nở mày nở mặt với mọi người, chị Ly không ít lần hoang mang. Vì không muốn mất chồng nên chị lao vào cuộc chiến lựa chọn giới tính cho con. Chị bỏ thời gian để tham khảo tài liệu, nhờ bác sĩ nổi tiếng tư vấn để giúp vợ chồng chị sinh con trai. Khi ý nguyện không thành, vợ chồng chị nảy sinh mâu thuẫn, cuộc sống gia đình căng thẳng không khác nào địa ngục. Nhiều người vợ trong gia đình có lối suy nghĩ trọng nam khinh nữ đã trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình, bạo hành tình dục, thân thể.
Hóa giải tư duy: Không dễ
Tình trạng mất cân bằng giới tính đã được cảnh báo trong những năm gần đây. Vấn đề này bắt nguồn từ tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu bám rễ trong nền văn hóa nước ta. Theo bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), “hiện nay, suy nghĩ trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình trí thức khá giả dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới. Vấn đề này có thể gây ra những hậu quả đối với chất lượng cuộc sống và phát triển như: Bạo lực gia đình, gia tăng nạn nhân buôn bán phụ nữ và bé gái, mất ổn định thị trường hôn nhân…”.
Trong một buổi sinh hoạt chuyên đề về chủ đề Sống lạc quan tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, em Nguyễn Thị Thúy Vy đã làm nhiều người bật khóc bởi câu chuyện mà em chia sẻ. “Em là con gái út trong một gia đình có 4 đứa con gái. Em không có tình thương yêu của ba ngay từ lúc vừa lọt lòng mẹ. Con gái thì đã sao? Dù mẹ đã cố gắng bù đắp cho em rất nhiều nhưng em vẫn mang tâm lý nặng nề, u uất và tự ti”, Vy kể lại trong nước mắt. Em Cao Ngọc Ánh lại được ba mẹ chăm sóc, giáo dục như một nam nhi bởi khát khao có con trai nhưng không thành của ba mẹ em. Chính điều này có thể dẫn đến những nhận thức lệch lạc cho các em về giới tính của mình. Hiện nay, có lẽ vẫn còn nhiều đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong những gia đình như Vy, Ánh. Những hậu quả của tư tưởng trọng nam khinh nữ sẽ dai dẳng vô cùng mà không hẳn ai cũng có thể nhận ra.
Yên Hà
Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thanh Hoa cho biết: “Để thay đổi nhận thức, tư tưởng của mỗi người trong vấn đề này không phải là chuyện dễ dàng. Cần có sự phối hợp liên ngành giữa các tổ chức xã hội, tăng cường các biện pháp để đấu tranh cho bình đẳng giới cũng như đẩy lùi quan niệm trọng nam khinh nữ. Dù trai hay gái thì cũng là những đứa trẻ cần được ba mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng bằng tình yêu thương. Việc giáo dục con cái trở thành người hữu ích cho xã hội mới là điều cần thiết”. |
Bình luận (0)