“Nhà báo tương lai mà chạy chậm thế hả. Phải tập chạy cho nhanh lên, không sau này hành nghề gặp hiểm nguy không chạy kịp là bị đánh cho te tua đấy”.
Có một bé gái 9 tuổi bị bắt cóc, bị hành hạ và bị bắt đi ăn xin. Khi được giải cứu bé thậm chí không nhớ nổi nhà mình ở đâu. Nhưng giờ bé đã được trở về sum họp trong vòng tay yêu thương của gia đình với bố và bà nội. Có được điều kỳ diệu đối với em bé đó là nhờ các cuộc tìm kiếm gian nan, những mối quan hệ của các phóng viên, nhà báo đã đưa em trở về mái ấm của mình.
Những mảnh đời vì những hoàn cảnh khác nhau phải ly tán gia đình, người thân. Một đứa bé còn quá nhỏ đi lạc mất gia đình không thể tìm đường quay về, một người tâm thần không ổn định không nhớ nổi mình là ai, ngôi nhà, người thân ở đâu. Những đứa trẻ trong chiến tranh bị đưa ra nước ngoài làm con nuôi nay khao khát muốn tìm lại cha mẹ ruột ở quê nhà. Và còn vô vàn số phận khác cũng đang muốn trở về với tổ ấm. Ở đó có những người thân đang từng ngày từng giờ ngóng đợi họ. Những người đó đã và đang dần thực hiện được mong ước đó của mình nhờ sự giúp đỡ của một chương trình truyền hình: “ Như chưa hề có cuộc chia ly”.
Động đất, sóng thần gây nổ nhà máy hạt nhân hoành hành tại Nhật Bản không những làm cả đất nước này chao đảo mà còn làm nhân dân cả thế giới lo lắng. Trận động đất kinh hoàng đă làm cho hàng nghìn người chết và bị thương. Mọi người trong vùng thiên tai, nguy hiểm thì nhanh chóng đi sơ tán sang vùng khác, những người nước ngoài ở đây cũng trở về quê hương mình để tránh tai nạn. Nhưng có những người từ những vùng an toàn khác lại phải liều mình xông vào đó để đưa thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính xác, chân thực về tình hình ở đây cho nhân dân thế giới biết, và đưa cả thông tin về cho đồng bào trong nước nắm rõ tình hình ở một nơi xa xôi.
Ảnh minh họa
Những trận lũ lụt khủng khiếp tại miền Trung nước ta đã gây bao thiệt hại về nhà cửa, mùa màng cho người dân. Họ bị cô lập chia cắt với thế giới bên ngoài. Làm sao để họ có được sự giúp đỡ. Làm sao để nhân dân cả nước hiểu được hoàn cảnh của họ. Những phóng viên, nhà báo đã phải vào tận trung tâm vùng lũ ghi lại những khoảnh khắc đó cho người dân cả nước chứng kiến. Một anh phóng viên đứng giữa biển nước mênh mông đưa tin cánh đồng lúa đang trổ bông của nông dân đã chìm trong lũ, để minh chứng cho điều mình nói anh đã bất ngờ lặn sâu xuống, lúc ngoi lên giơ tay lên trong là một nắm nhưng cây lúa dã bị chìm trong nước trong những ngày lũ.
Sáng nay đọc báo xong, một người chị ở quê nhà gọi điện cho đứa em gái đi học xa: “Hôm nay mưa đấy, em đi học phải nhớ mặc áo mưa đội mũ cẩn thận. Đang có ảnh hưởng của vụ nổ nhà máy hạt nhân ở Nhật Bản. Bụi hạt nhân có thể ngấm vào nước mưa ảnh hưởng ra xung quanh đấy. Chị đọc thấy báo viết thế.”
Sáng nay đưa con đi học mẹ mặc thêm cho con một cái áo nữa vì mẹ nghe hôm qua trên tivi báo có đợt không khí lạnh tràn về gây rét đậm hơn, các anh chị trong chương trình dự báo thời tiết khuyên các bà mẹ giữ ấm cho con hơn.
Hôm nay là ngày các sĩ tử đi thi cuộc thi quan trọng nhất trong cuộc đời mình: thi đại học. Tối hôm trước em ngồi trước màn hình tivi muốn xem dự báo thời tiết ngày mai thế nào, có nóng nực khó chịu như hôm nay không. Em nghe các anh chị dẫn chương trình dặn dò phải đội mũ cẩn thận tránh cái nắng, phải uống đủ nước, đem khăn giấy đi lau mồ hôi. Em thấy mình như được quan tâm, chia sẻ hơn, có động lực hơn. Và em có thêm quyết tâm để làm bài tốt hơn.
Em nghĩ lại khi mình đang ôn thi và chọn trường để thi vào, em phân vân lắm, em cũng ngồi trước màn hình tivi xem chương trình tư vấn mùa thi do các cô chú trong nhà đài thực hiện với những chuyên gia hàng đầu được mời về. Em thấy yên tâm hơn phần nào, thấy tự tin lên nhiều lắm.
Buổi chiều bố em lại bật tivi lên nghe hướng dẫn cách nuôi thỏ sao cho chóng lớn, nhà em vốn làm nông nghiệp mà. Sao các cô chú nhà đài chu đáo quá, quan tâm đến tất cả mọi lĩnh vực của người dân.
Trên giảng đường thầy kể cho sinh viên nghe câu chuyện mà thầy đọc trên báo ra sáng nay: một nữ nhà báo Mỹ vì muốn điều tra về một nhà hàng nghi ngờ dùng thuốc lắc và chứa gái mại dâm đã phải giả trai sống trong nguy hiểm một năm trời.
Để có câu chuyện mà thầy kể cho sinh viên, các nhà làm báo đã phải thức đêm để cho báo ra buổi sáng nay. Có những người chỉ chuyên làm nhiệm vụ là ngồi đọc báo tìm ra lỗi sai để kịp chỉnh sửa trước khi mang đi in.
Trong giờ giáo dục thể chất ở một trường đại học, hai bạn nữ đang tập chạy bền, gặp một bạn nam. Bạn nam nói: “Nhà báo tương lai mà chay chậm thế hả. Phải tập chạy cho nhanh lên, không sau này hành nghề gặp hiểm nguy không chạy kịp là bị đánh cho te tua đấy.”
Một em bé bị bệnh tim hiểm nghèo nhưng nhà em không có tiền cho em đi chữa bệnh. Nhưng giờ em đã được phẫu thuật đang dần hồi phục.Em có thể chơi đá bóng môn thể thao em yêu thích nhất mà trước giờ em chưa đá được quá năm phút.
Đó là do công lao của các phóng viên, nhà báo biết được hoàn cảnh của các em. Đưa hoàn cảnh của en lên báo kêu gọi sự giúp đỡ của độc giả trong cả nước.
Hôm nay sau những ngày nghỉ lễ dài, tranh thủ về thăm nhà, em lại trở lại Hà Nội, trở lại ngôi trường đại học yêu dấu, tiếp tục công việc học tập. Nhưng sao đường phố Hà Nội đông quá, các tuyến đường tràn ngập những xe, biết đường nào thông thoáng để đi đây. Bác lái xe liền bật chiếc radio. Bác nghe chương trình “VOV giao thông” chương trình được các biên tập viên dựng lên thông báo về tình hình giao thông trên các tuyến đường để người đi đường có một lộ trình hợp lý nhất.
Một người thầy mà em hết lòng kính trọng và cảm phục. Thầy là một giảng viên đồng thời cũng là một nhà báo xuất sắc. Bất chấp sự không đồng tình và lo lắng của khoa, của trường thầy vẫn cương quyết và đảm bảo để đưa hơn một trăm sinh viên khoa báo của thầy đi thực tế tận Tây Nguyên, một nơi cách Hà Nội rất xa, với mục đích cho các em kinh nghiệm thực tế. Vì thầy cho rằng các nhà báo tương lai thì không được ngồi ỳ. Thầy không chờ ở các em đó thậm chí cả một dòng email cảm ơn thầy. Tấm lòng người nhà giáo – nhà báo ấy là như vậy đấy.
Tất cả những điều tốt đẹp đó đều do sự đóng góp, xông xáo, nhiệt tình bất chấp cả những nguy hiểm của nhà báo để góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Đó là nhiệm vụ của họ mà không phải ai cũng thấu hiểu.
Nguyễn Thị Linh Chi
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Theo Nguoiduatin.vn
Bình luận (0)