Tốt nghiệp ngành địa chất – môi trường của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, không chọn cho mình một công việc nhẹ nhàng ở chốn phồn hoa đô thị, chàng trai Trần Quang Hưng (sinh năm 1990) lại lặng lẽ trở về miền quê gió Lào rát bỏng của mình ở Đông Hà (Quảng Trị) để thực hiện ước mơ… làm trang trại nấm.
Trần Quang Hưng kiểm tra sự phát triển của nấm trong trang trại |
Thông minh, nhanh nhẹn, đam mê và một chút liều lĩnh là những điều mà chúng tôi nhận thấy trong lần đầu gặp gỡ chàng kỹ sư địa chất vừa bước qua tuổi 26 – Trần Quang Hưng! Công việc trồng nấm của Hưng ở thành phố Đông Hà nhỏ bé xem ra không liên quan gì tới ngành học mà chàng trai này từng bỏ ra 4 năm miệt mài trau dồi kiến thức trên ghế nhà trường. Nhưng với Hưng, quãng thời gian đó đã cho em nhiều kiến thức, am hiểu hơn về đời sống thực tế, đặc biệt là cơ duyên đưa em tiếp cận với nghề trồng nấm – một nghề mà từ thuở nhỏ em đã ấp ủ ước mơ. “Một lần trên chuyến xe lên Lâm Đồng làm đồ án, em may mắn trò chuyện và quen một người làm nghề nấm với quy mô trang trại lớn. Vốn yêu thích công việc trồng trọt từ nhỏ nên em xin được làm quen và tới trang trại của chú để học hỏi. Thế là suốt hai năm cuối ĐH, cứ tranh thủ ngày nghỉ, em lại bắt xe lên Lâm Đồng để học nghề”, Hưng bộc bạch.
Duyên nợ với nghề
Năm 2013, tốt nghiệp ngành địa chất – môi trường (Khoa Kỹ thuật – Địa chất – Dầu khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), vài lần vác hồ sơ đi xin việc làm, vài lần khác từ chối công việc vừa được tuyển dụng với mức lương không tương xứng, Hưng quyết định trở về quê. “Bao nhiêu năm ăn học, gánh nặng dồn lên vai ba mẹ, bây giờ không lẽ lại thất nghiệp ngồi nhà! Sau nhiều trăn trở, cuối cùng em nghĩ hay là mình trồng nấm?”. Ý nghĩ ấy khiến Hưng trăn trở hàng đêm trắng. “Sau một thời gian suy nghĩ em đả thông tư tưởng cho… chính mình. Rồi tiếp đến là thuyết phục ba mẹ, đi vay mượn tiền đầu tư. Ban đầu cũng khó lắm, ba mẹ và cả bà nội em đều can ngăn. Ở khu phố này, từ trước tới nay đã có nhiều người làm nấm nhưng rồi họ đều thất bại, trắng tay, nợ nần… Thuyết phục mãi, ba mẹ mới đồng ý”, Hưng kể.
Không từ bỏ kiến thức đã học Đam mê với nấm nhưng không quên ngành đã học, thi thoảng có đơn vị nào cần, Hưng lại khăn gói lên đường, có khi vào tận Kiên Giang để làm công việc giám sát cho các đơn vị khoan thăm dò địa chất. Hưng bảo: “Em không có ý định từ bỏ những kiến thức mình đã học được trên giảng đường cũng không có ý định từ giã nghề nấm. Vì vậy, em sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc một cách tốt nhất”. |
Câu chuyện đầu tư trồng nấm không chỉ đơn giản dừng lại ở đó. Ba mẹ đồng ý là động lực ban đầu giúp Hưng tiếp tục thực hiện kế hoạch. “Với vốn kiến thức học được ở Lâm Đồng, vừa làm thủ tục vay vốn, em vừa tiến hành nghiên cứu tiếp cận thị trường đầu ra, rồi tìm đến các xưởng cưa đặt mua mùn cưa, than đá, liên hệ với Sở Khoa học – Công nghệ để nhờ tư vấn, tìm mua men nấm…, công việc kéo dài hàng tháng trời”, Hưng cho biết. Nhưng không phải mọi sự bắt đầu đều thuận buồm xuôi gió. Lần đầu tiên nấm ra chậm, trọng lượng nấm lại ít thành ra lỗ vốn. Hưng nghĩ, nếu cứ liên tục thất bại, gánh nặng nợ nần sẽ dồn lên gánh cháo bán rong của mẹ – trụ cột của gia đình, trong khi ba lại bị bệnh, việc đi lại rất khó khăn. Không thể bỏ cuộc, dập tắt sự kì vọng của ba mẹ, Hưng lại mày mò nghiên cứu và nhận ra sự khác biệt giữa khí hậu, thổ nhưỡng của Lâm Đồng với Quảng Trị. Trong khi Lâm Đồng khá lí tưởng về độ ẩm thì ở Quảng Trị lại ràn rạt gió Lào, cây nấm không thể phát triển trong điều kiện khô hanh. Thế là Hưng lại tất bật làm nhà bạt chắn gió, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để đảm bảo độ ẩm. Với nỗ lực đó, Hưng đã bước đầu thành công với loại nấm bào ngư xám (tím). Số nợ gần 400 triệu đồng đầu tư nhà xưởng cũng đã được em hoàn trả xong.
Khát vọng vươn xa
Sau hơn 2 năm vừa thử nghiệm vừa sản xuất, sản phẩm nấm của Hưng đã trở nên quen thuộc với nhiều khách hàng trong tỉnh. Một số nhà hàng, nhất là các nhà hàng chay và cả tiểu thương ở chợ cũng tìm đến mua nấm của Hưng. Bình quân với 700m2, Hưng có 10 ngàn bịch nấm. Nấm cho thu hoạch quanh năm với 30 ngàn đồng/kg, mỗi ngày thu được 10kg, vào những đợt cao điểm thì em thu được 50-60kg, tùy theo sự khống chế của người trồng. Đó là chưa kể, Hưng còn làm sẵn các bịch nấm để những người muốn ăn nấm sạch do tự tay mình trồng đem về trồng ngay trong nhà, đợi đến kỳ thu hoạch. “Bây giờ bình quân mỗi ngày em thu vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên số lượng nấm bán ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh”, Hưng nói.
Không chỉ dừng lại ở trang trại nấm và cách làm khá thành công hiện tại, Hưng đang ấp ủ dự định vay vốn ngân hàng, đầu tư nửa tỷ đồng để mua máy trộn mạt cưa thay cho công việc trộn tay trước đây, lò hấp thanh trùng và máy đóng bịch nấm. “Em đã nghiên cứu kỹ thị trường các tỉnh như Thừa Thiên – Huế, nơi có thị trường đồ chay phát triển mạnh. Em đầu tư công nghệ làm nấm để mở rộng quy mô đồng thời với việc tìm thị trường ra các tỉnh lân cận để phát triển hơn trang trại của mình”, Hưng cho hay.
Nhìn vào sự quả quyết của Hưng, chúng tôi chợt nhận ra rằng, tuổi trẻ không hoàn toàn nông nổi, hiếu thắng như đâu đó người ta vẫn nói, chỉ cần người trẻ biết bắt đầu sự thành công từ việc am tường tất cả những thứ dự định bắt tay thực hiện!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)