Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trải nghiệm 45 phút đứng trên bục giảng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm tạo điều kiện để học sinh hiểu được tính chất công việc nhà giáo, qua đó định hướng lựa chọn nghề nghiệp một cách đúng đắn trong tương lai, ngày 1-3, Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) đã tổ chức hoạt động “Một ngày làm giáo viên” dành cho học sinh trong trường.

Dương Thái Cảnh (lớp 10C1) trong vai thầy giáo dạy môn địa lý

Mỗi lớp được chia khoảng 5 tổ, mỗi tổ sẽ cùng soạn giáo án, xây dựng nội dung 1 môn. Sau đó 1 học sinh sẽ đứng ra đóng vai là giáo viên bộ môn, giảng dạy các bạn trong lớp. Hoạt động trên diễn ra hết sức sôi động với 194 học sinh khối 10, 11 và 12 tham gia. Trong đó khối 10 tham gia 80 tiết, khối 11 có 65 tiết và khối 12 có 49 tiết.

Trải nghiệm thú vị

84/188 tiết đạt yêu cầu
Sau khi kết thúc hoạt động, Trường THPT Nguyễn Du đã tổ chức tổng kết trao giải thưởng cho các tiết học hay. Theo đó, có 194 tiết học sinh đăng ký dạy, nhưng chỉ có 188 tiết thực hiện, trong đó 84 tiết đạt yêu cầu được khen thưởng. Cụ thể, khối 12 đạt 21/49 tiết; khối 11 đạt 36/65 tiết và khối 10 đạt 27/80 tiết. Được biết, các tiết được khen thưởng đều xếp loại giỏi.

Dương Thái Cảnh (lớp 10C1) trong vai là thầy giáo dạy môn địa lý có tiết dạy khá thành công. Bài dạy về khu công nghiệp được “thầy” Cảnh mở đầu bằng cách hỏi các từ tiếng Anh liên quan đến công nghiệp và nhiều học sinh hào hứng giơ tay trả lời. Nội dung chính của bài sau đó được Cảnh dẫn dắt hết sức nhịp nhàng. Tiêu đề, ý chính được gạch đầu dòng lên bảng để học sinh dễ nắm. Riêng nội dung, hình ảnh, dẫn chứng được soạn giảng, trình chiếu qua PowerPoint.

Do lần đầu đứng lớp nên Cảnh không tránh được lúng túng, hồi hộp. Tuy nhiên, dưới sự cổ vũ của lớp và các thầy cô dự giờ, Cảnh sớm làm chủ được tiết dạy. Giọng nói to, rõ ràng, dẫn chứng nội dung chặt chẽ, xen lẫn sự hài hước giúp tiết học sinh động, cuốn hút học sinh nghe giảng, phát biểu.

So với tiết dạy môn địa lý, tiết dạy thể dục của Nguyễn Hoàng Phúc (lớp 11B2) cũng hiệu quả không kém. Đi theo trình tự nội dung, sau các động tác khởi động mới đến nội dung chính về phần đánh bóng chuyền. Một số học sinh thực hiện chưa đúng động tác được “thầy” Phúc gọi lên thực hiện lại, những học sinh làm tốt được tiếp tục làm để bạn nhìn sửa. Trong 45 phút, tất cả học sinh đều được tham gia hoạt động. Trước khi kết thúc tiết học, Phúc còn kịp thời cho học sinh chơi trò chơi để tạo không khí thư giãn, thoải mái. Nội dung này cũng nằm trong yêu cầu bài dạy.

Cô Cai Hải Oanh (Tổ trưởng môn thể dục) cho biết: “Mặc dù lần đầu thử làm giáo viên nhưng các em làm rất tốt. Từ tác phong sư phạm, trình tự nội dung đến cách quan sát, dẫn dắt truyền đạt, quản lý thời gian, lớp học. Đây là cơ hội để học sinh hiểu tính chất nghề giáo và đăng ký theo học nếu yêu thích”.

Phương pháp dạy học ý nghĩa

Để có được 1 tiết dạy lên lớp, các “giáo viên” phải cùng bạn bè trong nhóm ngồi lại đọc thông tin, thảo luận, bàn bạc xây dựng giáo án dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Thời gian từ vài ngày đến 1 tuần, tùy vào nội dung giáo án đã đạt hay chưa đạt. Nguyễn Hoa Gia Huy, “giáo viên” môn tiếng Anh lớp 10C1 và bạn bè xây dựng giáo án hết gần 1 tuần. Do kết quả chưa đạt nên Huy và các bạn phải làm lại từ 8 giờ tối đến 1 giờ sáng hôm sau để kịp lên lớp.

“Hoạt động “Một ngày làm giáo viên” sẽ tạo điều kiện để học sinh hiểu hơn về nghề giáo và đem đến kỷ niệm đẹp cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Ngoài các kỹ năng học tập được rèn luyện, các em còn được định hướng nghề nghiệp đúng đắn ngay từ bây giờ”, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết.

Huy chia sẻ: “Việc soạn một giáo án không hề đơn giản chút nào. Không chỉ đòi hỏi đầy đủ kiến thức lẫn hình ảnh minh họa mà phải học cả cách truyền đạt. Trong quá trình giảng bài, giáo viên cần biết cách tạo ra bầu không khí sôi động, thu hút học sinh, tránh nhàm chán. Việc chuyển đổi từ nội dung này sang nội dung khác cũng phải nhịp nhàng, đặc biệt để tránh cháy giáo án, giáo viên phải biết quản lý, sử dụng 45 phút cho phù hợp”. Tuy nhiên, Huy cũng cho rằng, chính phương pháp học tập này đem đến cho các bạn những trải nghiệm thú vị.

“Qua hoạt động này, em và các bạn hiểu rõ hơn về tính chất công việc hết sức vất vả của nghề giáo, từ đó trân quý thầy cô hơn. Ngoài kiến thức chuyên môn giỏi, đòi hỏi người thầy phải có cả lòng yêu nghề thì mới theo đuổi được công việc. Mặt khác, hoạt động này còn rèn cho chúng em kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, thuyết trình trước đám đông. Ngay cả tác phong ăn mặc chỉnh tề, lịch thiệp của giáo viên, chúng em cũng phải học hỏi”, Huy bày tỏ.

Có thể thấy việc đẩy mạnh các hoạt động mang tính trải nghiệm thực tiễn để học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả đã và đang được nhiều trường học triển khai. Tại Trường THPT Nguyễn Du, xuyên suốt các tuần trong năm, học sinh luôn được trải nghiệm những giờ học bổ ích như thế này.

N.Trinh

Bình luận (0)