Để trưởng thành con người phải nhờ đến kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Không thể lớn lên bằng những trang vở giáo điều, lý thuyết suông mà mỗi người phải dấn thân, biết trải nghiệm thực tế mới có được đôi chân vững chãi bước vào đời.
Hai thành viên của lớp 11AD3 thuyết trình sách |
Đó chính là hành trình mang tính trải nghiệm của học sinh Trường THPT Giồng Ông Tố (TP.HCM) thông qua các hoạt động dã ngoại, công tác xã hội… sau khi thấm nhuần kiến thức trên bục giảng.
Những dự án sinh động
Với chủ đề Học văn để trưởng thành, các thành viên lớp 12AD1 đã chọn các mái ấm tình thương trên địa bàn quận 2 để thực hiện một dự án xã hội, đó là “làm thầy” dạy lớp học tình thương. Do chưa từng dạy ai nên hầu hết các em đều mang tâm trạng lo lắng. Tuy nhiên cảm xúc lớn nhất vẫn là tâm trạng náo nức vì lần đầu tiên được đứng trên… bục giảng. Ở đây các em đến gần hơn với nhiều mảnh đời cơ cực mà đường đến trường luôn bị cái nghèo chặn lối. Niềm vui của các em không chỉ “mớm” chữ cho những đứa trẻ thiếu ăn thiếu mặc mà còn giúp cho phụ huynh thay đổi nhận thức về việc học chữ. Em Nguyễn Hoàng Phương Nga bày tỏ: “Dù sau này em không chọn nghề dạy học nhưng em sẽ nhớ mãi lần trải nghiệm này và luôn quý trọng công việc của những người thầy trên bục giảng”. Trong khi đó, em Trần Xuân Ngọc (thành viên trong nhóm) thấy tự tin hơn khi đứng trước các em nhỏ và có thêm chút kinh nghiệm trong việc trau dồi ngôn ngữ giao tiếp cũng như ứng xử các tình huống sư phạm mà mình chưa gặp lần nào. “Yêu thương và chia sẻ, cho đi và nhận về” không chỉ là những từ ngữ sáo rỗng mà mang nặng giá trị nhân văn hơi thở cuộc sống mang lại.
“Kiểm tra đánh giá không chỉ dựa vào điểm số mà bằng những điều quý giá học sinh đã thu hoạch được từ trải nghiệm để làm hành trang cho cuộc đời. Muốn vậy ngay từ bây giờ giáo viên cũng phải tự đổi mới chính mình”, ThS. Trần Thị Lan nói. |
Đó cũng là cảm xúc của nhóm dự án “Mần lúa” của lớp 11AD1 khi xuống ruộng nhổ mạ, đi cấy và bón phân. Một ngày xắn quần áo làm nông dân càng giúp các em hiểu hơn những vất vả của người lao động và quý trọng thêm những sản phẩm mà người dân một nắng hai sương làm nên. Bất ngờ nhất là đối với Đăng Khoa dù gia đình mấy đời làm ruộng nhưng đây là lần đầu tiên em “3 cùng” với người nông dân nên mới thấu hiểu hết công việc mà ba mẹ hằng ngày thực hiện.
Mở rộng cánh cửa cuộc sống
Dù đã được học kỹ những tiết vật lý hấp dẫn về quang học nhưng thông qua ê-kíp làm phóng sự, các em mới có cơ hội vận dụng kiến thức từ sách vở vào chiếc máy quay, vào việc xây dựng kịch bản và cả xử lý kỹ thuật. Bận rộn nhưng ai cũng thấy vui và thấy mình không chỉ lớn khôn hơn về tri thức mà cả về kỹ năng, tầm nhìn. Chưa hết, các em khối 12 còn dàn dựng hoạt cảnh Phận đời dựa theo truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Đúng như một giáo viên đã nhận xét, dù các em có thuộc lòng tác phẩm 10 lần cũng không bằng được “trải nghiệm” một lần qua hình thức sân khấu hóa. Tuy tác phẩm Sống như Anh của Trần Đình Vân không còn nằm trong chương trình giảng dạy phổ thông nhưng hoạt cảnh ngắn 9 phút lịch sử ở pháp trường của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã gieo vào lòng các em tinh thần chiến đấu ngoan cường trước sức mạnh uy lực của kẻ thù. Giá trị độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng từ trong nhà trường vẫn còn nguyên giá trị.
ThS. Trần Thị Lan (giáo viên bộ môn văn) đánh giá: “Nhà trường không thể dạy hết tất cả mọi kiến thức cho học sinh, vì thế giờ học phải được mở rộng ra bên ngoài cuộc sống chứ không thể đóng khung trong trang sách hay bốn bức tường của lớp học. Có như vậy mới giúp các em biết mở rộng tầm nhìn thông qua niềm hứng thú trong học tập và sáng tạo. Muốn làm được điều đó giáo viên cũng phải trải nghiệm cùng người học để giúp các em có thêm niềm tin”.
Bài, ảnh: Ngọc Quang
Bình luận (0)