Các bé mầm non tự tin tham gia chương trình văn nghệ tại trường
Trong chương trình giáo dục ở các cấp học, hoạt động lễ hội, tìm hiểu về các ngày lễ, Tết, kỷ niệm tìm hiểu về phong tục, tập quán, lịch sử dân tộc là không thể thiếu. Vào các dịp lễ tết các thầy cô giáo thường lồng ghép vào bài giảng của mình theo chủ đề, sự kiện, nhằm mang lại cho học sinh sự chú ý, hứng thú nhất định khi được tìm hiểu, học hỏi về những vấn đề phù hợp với tình hình của địa phương ở những thời điểm có những hoạt động văn hóa truyền thống được diễn ra.
Song song với việc học kiến thức, hình thành những kỹ năng sống nhất định trong môi trường giáo dục, thì nhu cầu được trải nghiệm những giá trị thực tế từ các sự kiện, lễ hội ở ngay tại trường học, là một trong những niềm vui, sự háo hức say mê của các em học sinh, là ký ức tốt đẹp của tuổi thơ mỗi em học sinh.
Qua sự trải nghiệm ở trường, trẻ em được rèn luyện những vấn đề liên quan đến cuộc sống hiện tại của mình, như tính tự tin khi giao tiếp với mọi người lúc tham gia các trò chơi dân gian, tham gia mua sắm ở các gian hàng mang dáng hình phiên chợ quê, tái hiện nét sinh hoạt ở các vùng miền trên đất nước, và đặc biệt học sinh cũng sẽ là người được tham gia đóng vai, trải nghiệm trong vai trò người mua, người bán. Phải công nhận rằng, mỗi khi Tết đến xuân về, các hoạt động của các phòng giáo dục, các nhà trường, đã nỗ lực, cố gắng hết khả năng để tạo nên những sân chơi bổ ích cho các em học sinh, và cũng là niềm háo hức của cha mẹ các em, khi mùa xuân về con em của mỗi gia đình được có những hoạt động vui tươi, ý nghĩa. Trong chuỗi những hoạt động đó, thì các chương trình văn nghệ góp một phần rất lớn cho mùa xuân về, thêm rộn ràng hơn trong niềm hân hoan cùng cả dân tộc đón Tết, vui xuân, ôn lại truyền thống dân tộc.
Là một giáo viên mầm non, tôi cảm nhận điều đó qua rất nhiều lần tham gia chương trình hội xuân, văn nghệ của phòng giáo dục, có những hoạt động thiện nguyện, chia sẻ những phần quà với những học sinh nghèo, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, những điều đó như một sự chung tay góp phần làm nên mùa xuân, Tết đến với tất cả mọi nhà. Rồi cùng nhau làm cành mai, cành đào, tổ chức trò chơi dân gian cho các em, cùng bao hoạt động ý nghĩa khác. Sự quan tâm thiết thực ấy, cũng là bài học giáo dục tương thân tương ái mà thầy cô giáo truyền đạt đến các em học sinh.
Song song với những điều đó, là những lời ca, điệu múa của các em nhỏ, chào đón mùa xuân về, một trong những hoạt động lễ hội giúp các em có những cơ hội thể hiện tài năng, năng khiếu, sự tự tin của mình, là những niềm tự hào khi phụ huynh học sinh thấy con cái của mình trưởng thành dưới mái trường do thầy cô dìu dắt, niềm vui được lan tỏa, niềm tin được nhân đôi, khi sự trải nghiệm tuyệt vời được cảm nhận bằng những tiết mục văn nghệ đặc sắc, những gian hàng của thầy cô giáo chăm chút từng câu chữ, từng món ăn ngon, tự tay phục vụ các em học sinh – giao lưu với các cha mẹ học sinh.
Tự nhiên, khi ở trong bầu không khí đó, tôi nghĩ rằng, đây chính là nơi hạnh phúc theo như đúng với ý nghĩa mà năm học 2019-2020 với chủ đề “Trường học hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc và học sinh hạnh phúc”, thông qua những cảm xúc có được với sự trải nghiệm của lễ hội mùa xuân năm nay. Học trò tôi, đồng nghiệp tôi, và các bậc phụ huynh đều cảm nhận được sự vui tươi, thân thiện, gần gũi ấy trong ngôi nhà thứ hai, đó chính là một trường học thật sự thân thiện – học sinh hạnh phúc.
Những ngày đón xuân cùng với học sinh, đồng nghiệp ở trường, thật sự đối với tôi là những trải nghiệm thú vị, mà tôi nghĩ rằng sự trải nghiệm tuyệt vời đó cũng mang lại cho các em học sinh nhiều bài học bổ ích, thiết thực. Việc trải nghiệm từ thực tế có được do những người làm công tác giáo dục xây dựng chương trình, tạo ra sân chơi phù hợp cho từng lứa tuổi, từng hoàn cảnh của địa phương, dựa trên các sự kiện văn hóa của dân tộc, tại trường học, là một trong những xu hướng đổi mới trên tất cả các quốc gia hiện nay, đồng thời cũng đang được áp dụng vào chương trình giáo dục tại nước ta. Giúp các em hiểu biết thêm về ý nghĩa, hoạt động của ngày Tết Nguyên đán, cùng những nguyên tắc lễ nghi chúc Tết, hành vi ứng xử văn minh khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô, và mọi người trong xã hội.
Hồ Xuân Đà
Bình luận (0)