Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trải nghiệm… làm nông dân

Tạp Chí Giáo Dục

HS khối 5 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trồng cây vẹt, cây sú trên vùng đầm lầy ở huyện Nhà Bè…

Hướng tới môi trường thân thiện, nhiều tiết học trong nhà trường hiện nay không chỉ gói gọn trong 4 bức tường mà đã được giáo viên (GV) truyền thụ kiến thức ngay trên đồng ruộng. Chương trình “Một ngày làm nông dân” đã đưa học sinh, sinh viên (HS-SV) đến với các vùng nông thôn ngoại thành không còn xa lạ tại nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM. 

Hiện nay, các tiết học trên ruộng đồng ngày càng được mở rộng từ huyện Hóc Môn, Củ Chi đến huyện Nhà Bè và Cần Giờ.

Thích thú vì được làm nông dân

Năm học 2014-2015, SV Khoa CĐ thực hành (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đã có những buổi học thật sự lý thú tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi (TP.HCM). Sau một giờ đồng hồ được xe đưa rước đến Công ty TNHH Vuông Tròn, gần 100 SV năm thứ 2 xếp hàng ngay ngắn đi vào “lớp học” là một vườn dưa lưới, dưa lê đang vào mùa thu hoạch. Với sự hướng dẫn của kỹ sư trồng trọt Nguyễn Minh Nhân, bài học được mở ra bằng những kiến thức phổ thông về cách chăm sóc và sự phát triển của loại cây dây leo mới du nhập từ nước ngoài. Thích thú nhất là phần thu hoạch trái trên từng mảnh ruộng của các chủ nhân. Tuy nhiên, ngoài niềm vui của một số “nông dân” mặc áo SV khi thấy vườn cây của mình bội thu còn có nỗi thất vọng của một số “chủ vườn” vì bị thất mùa. Trong các ngôi nhà kính hôm đó, bên cạnh từng tốp SV còn có rất nhiều khách hàng ở các quận nội thành tham gia “trồng cây qua mạng” cũng đến gom thành quả của mình sau nhiều tháng “chăm sóc” trên máy tính và qua điện thoại.  

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Nhân cho biết để có được ngày thu hoạch như hôm nay, trước đó vài tháng các SV đã có vài buổi xuống công ty để nhận đất mua giống và trồng cây. Tuy sau đó không trực tiếp chăm bón cây nhưng qua trao đổi hình ảnh trên mạng theo thời gian các em cũng biết được vườn cây của mình đang lớn lên từng ngày. Đó chính là “sứ mạng” của mô hình mới ra đời này của một số công ty giống cây trồng mà Vuông Tròn là một đơn vị tiêu biểu. Anh Hùng, một nhân viên ở đây, cho biết cách đó một tuần đoàn SV của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ quận 7 đến thu hoạch dưa lê sau nhiều tháng được đào tạo từ xa để trở thành người nông dân trên đất Củ Chi. Nhưng theo anh Hùng, những “nông dân” gây ấn tượng nhất là HS đến từ các trường mầm non, tiểu học vì hầu hết em nào cũng rất thích thú khi đến với “lớp học ruộng đồng”. Tuy không cấy trồng nhuần nhuyễn như người lớn nhưng các “nông dân nhí” của Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Gò Vấp) lại thật sự ngỡ ngàng trước vẻ quyến rũ của vườn rau ăn quả rực rỡ màu vàng của quả xen lẫn màu xanh tươi của lá dưa lê, dưa lưới.

Mặc dù đã qua tuổi nhi đồng nhưng em Trần Quốc Hải vẫn không quên những kỷ niệm cùng các bạn học chung Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) trong các chuyến đi đến huyện Hóc Môn hay huyện Nhà Bè để tập làm “nông dân”. Không chỉ được hít thở không khí trong lành ở vùng ngoại ô mà các em còn được xắn quần lội xuống ruộng rau muống, rau dền ở xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) để thu hoạch với tinh thần lao động thật sự hào hứng.

Bài học không có trong sách vở

Và thu hoạch rau ở huyện Hóc Môn

Những bó rau xanh non vừa mới nhổ được các em nâng niu sắp xếp thành từng bó gọn gàng như chính mình hàng ngày tự tay chăm bón. Khi đến xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), HS khối 5 của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được tự tay cắm cây vẹt, cây sú trên vùng đầm lầy để giữ đất vùng hoang hóa. Thông qua bài học thực tế ngoài vườn rau, HS có thêm cơ hội khám phá, tìm hiểu đời sống của các loài thực vật trồng trên các loại đất khác nhau. Cũng qua những “trang sách” sinh động giữa mênh mông đất trời mà các em còn biết thêm các bài học về sâu bệnh, thiên dịch. Hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên, các em càng yêu quý công việc nhà nông, biết nâng niu trân trọng những thành phẩm lao động có được từ mồ hôi và công sức của con người.

Trước khi đến với các tiết học trên ruộng đồng, các em HS chỉ biết các loại rau trong siêu thị hay trên mâm cơm nhưng bây giờ đã tận mắt nhìn thấy được toàn bộ thân cây đang “dính liền” với đất, đặc điểm sinh trưởng và quan trọng hơn là lợi ích của chúng đối với đời sống và sức khỏe con người.

Trong lúc một số trường có điều kiện đưa HS đi làm nông dân ngoài ruộng xa hàng chục cây số thì các trường khác đã tùy cơ ứng biến tìm cách đem ruộng vườn vào… trường học. Hiện nay đến bất cứ trường phổ thông nào chúng ta cũng bắt gặp những mảng xanh quý giá bên hông lớp học với đủ loại rau. Cứ theo thói quen sau tiếng kẻng ra chơi là các nhóm HS Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) tíu tít cầm xẻng xới đất nhổ cỏ và múc nước tưới cho vườn rau phía sau lớp học. Được xây thêm dãy nhà mới nên cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa vườn rau lên sân thượng với diện tích gần 400m2 để tự chăm sóc. Dù trồng ở đâu hay chăm bón loại cây nào, khi được làm người “nông dân” thực thụ các em HS đều có được những bài học quý giá về kỹ năng thực hành trồng rau sạch không có trong sách và quan trọng hơn là chung tay góp phần bảo vệ tốt môi trường.

Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Những “nông dân” gây ấn tượng nhất là HS đến từ các trường mầm non, tiểu học vì hầu hết em nào cũng rất thích thú khi đến với “lớp học ruộng đồng”.

 

Bình luận (0)