Sark là hòn đảo nhỏ xíu nhưng tuyệt đẹp với diện tích chỉ hơn 3 km vuông, dân số khoảng 600 người và dòng chảy cuộc sống vẫn theo kiểu “ngày xửa ngày xưa”…
Hình ảnh đảo Sark chụp từ trên không.
Phillip Capper là người chụp bức hình trên khi bay từ London tới Tây Ban Nha, đăng trên Flicker với chú thích: “Tôi cùng gia đình đi nghỉ tại đây năm 1952, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hòn đảo này”.
Đảo tí hon Sark là một phần của Channel Islands (quần đảo Eo biển) trên biển Manche, thuộc Hoàng gia Anh.
Tuyến đường ven biển thơ mộng.
Lực lượng cảnh sát của Sark bao gồm… 2 người tình nguyện: 1 cảnh sát phụ trách và 1 trợ lý được bầu mỗi năm.
Điều gây ngạc nhiên là họ khá bận rộn, bởi theo lời trợ lý cảnh sát năm 2019 Mike Fawson thì trên đảo gần đây “tràn ngập” người vi phạm, từ tội buôn lậu ma tuý tới bạo hành liên quan tới uống rượu và say xỉn vẫn chạy xe.
Ngọn hải đăng trên đảo Sark.
Bởi vậy trong báo cáo về tình hình ở Sark trình lên chính quyền, ông Fawson đề nghị mọi người đến đảo nên được kiểm tra trước lý lịch để tránh gây xáo trộn cuộc sống vốn bình lặng và giản đơn nơi đây. Đồng thời cảnh sát Sark cần được trang bị bình xịt hơi cay để đối phó với tội phạm hiệu quả hơn.
Một trong những đường phố nhộn nhịp trên đảo Sark.
Phương tiện giao thông chủ yếu của các cư dân trên đảo là xe súc vật kéo, xe đạp hoặc… máy cày. Người cao tuổi và khuyết tật có thể dùng xe đẩy chạy bằng pin. Ô tô hoàn toàn bị cấm.
Cuộc sống giản đơn nơi đây khiến du khách tới thăm đảo có cảm giác như đang trải nghiệm cảnh “bánh xe thời gian quay ngược”.
Nhà tù “khiêm tốn” nhất này được xây dựng từ năm 1856.
Một điểm nhấn khá thú vị nơi đây là trại giam được cho là nhỏ nhất thế giới vẫn đang hoạt động.
Trại giam Sark được xây dựng từ năm 1856, với 2 phòng giam không cửa sổ rộng 11 và 14 m vuông, cùng một hành lang rộng chưa đầy 1m bao quanh mặt tiền toà nhà.
Khu vực giam giữ phạm nhân.
Nhà tù Sark thực ra chỉ là nơi để tạm giữ người vi phạm trong tối đa 2 ngày theo quyền lực tư pháp được trao cho đảo Sark từ thế kỷ 16.
Nếu đó là tội phạm nghiêm trọng hơn hoặc hình phạt cần kéo dài hơn, người vi phạm được di lý tới khu vực lớn hơn trên đảo Guernsey lân cận.
Trong phòng giam có 1 chiếc giường gỗ nhỏ trải nệm mỏng.
Tạp chí Atlas Obscura dẫn chuyện cũ kể lại rằng: Một trong những tù nhân sớm nhất của trại giam này là cô hầu phòng trẻ đã lấy trộm chiếc khăn tay của người tình. Do cô quá sợ bóng tối trong phòng giam nên được đặc cách ngồi trên ngưỡng cửa – nơi các phụ nữ địa phương có thể đến thăm và cùng ngồi đan với cô cho tới khi hết thời hạn thụ án 3 ngày của phạm nhân (?)
Tội phạm nghiêm trọng cuối cùng bị giam giữ năm 1990 trên đảo Sark là nhà vật lý hạt nhân người Pháp André Gardes. Ông này chèo thuyền vượt 25 dặm (hơn 40 km) từ Pháp đến Sark, mang theo một thứ vũ khí bán tự động. Gardes tuyên bố là “Chúa đảo” và đòi Sark phải thuộc quyền cai trị của ông ta.
Một ngày sau khi lên đảo, Gardes bị viên cảnh sát phụ trách Sark khi đó bắt giữ.
Linh Lê (theo dantri)
Bình luận (0)