Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trải nghiệm siêu trí tuệ ChatGPT

Tạp Chí Giáo Dục

Người máy “biết tuốt” (ChatGPT) có thể trả lời tất cả loại câu hỏi của con người chỉ sau vài giây đang được hàng triệu người trải nghiệm và đưa ra bàn luận xoay quanh xu hướng nghề nghiệp của người trẻ trong tương lai.
Trải nghiệm siêu trí tuệ ChatGPT ảnh 1
Em Nguyễn Mạnh Tâm, sinh viên ngành Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng FPT Hà Nội) trải nghiệm “siêu trí tuệ” ChatGPT. – Ảnh: Châu Linh

Hiểu ngắn gọn, ChatGPT là mô hình ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo do OpenAI (một tổ chức nghiên cứu về công nghệ trí tuệ nhân tạo) cho phép trò chuyện, tạo văn bản theo yêu cầu, tạo hình ảnh và video mới dựa trên những gì đã học được từ cơ sở dữ liệu khổng lồ về sách kỹ thuật số, bài viết trực tuyến…

Không phải khi nào cũng chính xác

Sinh ra trong thời đại số, Rachael Nguyen (Nguyễn Thị Khánh Trang, sinh năm 1998, quê ở Bình Thuận) từ bé được tiếp xúc với internet, mạng xã hội. Trang hiện là một người sáng tạo nội dung tự do. Cô biết đến ChatGPT qua bài chia sẻ của một số cá nhân trên mạng. Vốn yêu thích công nghệ, lại tò mò, Trang quyết định đăng ký dùng thử.

Thay vì phải tìm kiếm thông tin trên hàng chục trang web như Google, giờ đây, Trang có ngay câu trả lời mà không bị spam (làm phiền) bởi quảng cáo. Trang có cảm giác như đang giao tiếp với một người bạn thông thái, biết cách an ủi, động viên và thể hiện sự quan tâm không khác gì một người thật.

“ChatGPT có thể đáp ứng gần như mọi yêu cầu của mình, từ soạn đơn xin việc, gợi ý tiêu đề bài viết, chỉnh sửa bài luận, cung cấp thông tin… Nếu không biết đáp án, công cụ này nói khéo sao cho người nghe không bị hụt hẫng”, Trang chia sẻ sau khi trải nghiệm với ChatGPT.

Trang cho biết, ChatGPT hỗ trợ nhiều cho nghề sáng tạo nội dung khi giúp đề xuất từ khóa, tiêu đề, cấu trúc bài, nội dung tham khảo… Người trong nghề có thể tiết kiệm thời gian lên ý tưởng cho sản phẩm của họ với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, thông tin trên ChatGPT không phải khi nào cũng chính xác hoàn toàn bởi nó trích xuất thông tin từ tổng hợp dữ liệu có sẵn, không phải dữ liệu nào cũng qua kiểm chứng của chuyên gia, và qua thời gian dữ liệu có thể không còn đúng.

Hơn nữa, hình thức diễn đạt của AI theo kiểu cung cấp thông tin, trong khi đó, người làm sáng tạo nội dung có nhiều hình thức khác nhau để thu hút công chúng như kể chuyện, hỏi-đáp, chia sẻ trải nghiệm cá nhân… “Khi đặt cảm xúc và năng lượng vào nội dung, người đọc – người xem sẽ cảm nhận được ý đồ của tác giả, bị cuốn hút vào nội dung đó hơn là một mẫu thông tin đơn thuần. Vì vậy, em chỉ xem ChatGPT như một “trợ lý trực tuyến” trong quá trình tìm kiếm thông tin”, Trang nói thêm.

Có thể biến thành “công cụ” học tập

Sau gần hai tháng trình làng, siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT đã thu hút khoảng 10 triệu tài khoản đăng ký trên toàn cầu. Riêng với Việt Nam, tuy việc cài đặt nền tảng này chưa được hỗ trợ nhiều và phải có số điện thoại ở nước ngoài mới đăng ký thành công. Tuy nhiên, vẫn có nhiều dịch vụ cài đặt ChatGPT cho người Việt để thỏa mãn nhu cầu khám phá và đến gần hơn với công nghệ số.

Là một sinh viên ngành Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng FPT Hà Nội), Nguyễn Mạnh Tâm dùng ChatGPT như một công cụ để học ngôn ngữ. “Em dùng ChatGPT mới được 3 tuần. ChatGPT dễ dàng trò chuyện với mình bằng ngôn ngữ do mình chọn, sẵn sàng phân tích câu trả lời của mình sai chỗ nào, giúp mình viết sao cho dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, nếu muốn rèn luyện kỹ năng giao tiếp và phản biện bằng tiếng Anh, mình có thể ngồi cả ngày để trò chuyện về một chủ đề yêu thích. Nó sẽ giúp mình cải thiện kỹ năng viết, sửa lỗi tiếng Anh một cách mạch lạc, có chủ đích hơn”, Tâm chia sẻ.

Để nói chuyện cả ngày được với ChatGPT, theo Tâm, cần phải trang bị kiến thức của mình để kiểm chứng kết quả mà nó trả về. “Điều quan trọng nhất khi sử dụng siêu trí tuệ nhân tạo này và để nó phát huy tác dụng nhất thì người dùng phải có kỹ năng đặt câu hỏi đúng, trúng trọng tâm. Nếu đặt câu hỏi chung chung, người dùng sẽ không nhận được câu trả lời chi tiết và có độ chính xác cao”, Tâm nói.

Xuất phát là “dân công nghệ”, Tâm hiểu và thích ứng được những tính năng đột phá mà trí tuệ nhân tạo đem lại. Tuy nhiên, không vì thế mà cậu phụ thuộc vào nó trong việc học.

“Em chỉ coi nó như một công cụ để rèn tư duy biện luận trước khối lượng thông tin khổng lồ, trang bị kỹ năng tự tìm kiếm thông tin để hội nhập với thế giới đang biến chuyển không ngừng”.

Sinh viên Nguyễn Mạnh Tâm, ngành Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng FPT Hà Nội)

Người trẻ cần “chuyển mình” thế nào?

Theo Thạc sĩ Ngô Hữu Thống (Nhà tư vấn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chuyển đổi số), ChatGPT là một trong vô số ứng dụng chuyển đổi số hiện nay. Anh nhận định, nó có thể hoạt động như một “trợ lý trực tuyến”, tạo ra câu trả lời, tự động hoá các công việc văn bản và có khả năng phân tích dữ liệu. ChatGPT có nhiều ưu điểm như tốc độ, độ chính xác và sự linh hoạt trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, ChatGPT có một số hạn chế như không thể hiểu được những ý nghĩa giả định hoặc phức tạp của một câu và có thể trả lời sai hoặc không hoàn chỉnh. “Người dùng cần hết sức cẩn thận khi áp dụng trong một số lĩnh vực nhạy cảm”, Ths. Thống khuyến cáo.

Ths. Ngô Hữu Thống cho rằng, người lao động trẻ cần phải nhận ra xu hướng chung hiện nay và trong tương lai là sự “nở rộ” của các ứng dụng chuyển đổi số ngày càng thông minh hơn, tham gia sâu vào đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Nhưng, người trẻ không nên quá lo sợ sẽ bị mất việc bởi nhu cầu thị trường lao động đã thay đổi, các nhà tuyển dụng đang rất “khát” những lao động có khả năng làm chủ công nghệ số.

“Để không bị bỏ lại phía sau trong thị trường lao động mới, người trẻ cần phải chủ động trang bị và làm chủ các kỹ năng số mà trong đó 3 trụ cột chính là: Tư duy số (khả năng tổng quát, tự tin xử lý các vấn đề liên quan đến dữ liệu và phân tích số liệu); sử dụng tốt các công cụ số (như ChatGPT); vận dụng công cụ số vào giải quyết các bài toán thực tiễn”, Ths Thống nhấn mạnh.

Theo Châu Linh/TPO

 

Bình luận (0)