Trong lần thứ 2 trở lại Lào sau 10 năm, blogger du lịch Đoan Trường cùng đoàn du khách đã dành 6 ngày 5 đêm khám phá 3 thành phố Luang Prabang, Vang Viêng và Viêng Chăn để trải nghiệm chuyến tàu cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á vào những ngày đầu tháng 1-2024 vừa qua.
Trải nghiệm tàu cao tốc là điểm sáng của du lịch Lào
1.Từ TP.HCM, blogger Đoan Trường và đoàn du khách mất hơn 1 giờ bay qua Pakxe, một thành phố ở hạ Lào và xuống máy bay vào làm thủ tục nhập cảnh khoảng 1 tiếng. Sau đó anh và đoàn du khách đi bộ qua khu vực nội địa để bay tiếp đến Viêng Chăn mất thêm 1 giờ 30 phút. Xuất phát từ thủ đô Viêng Chăn, anh đi tham quan, dừng chân nghỉ đêm tại thị trấn Vang Viêng, cố đô Luang Prabang và quay trở lại Viêng Chăn. Nhờ đi tàu hỏa cao tốc160 km/h mà họ đã có những trải nghiệm mới mẻ vì rút ngắn được khá nhiều thời gian di chuyển.
Tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung có chi phí 6 tỷ USD, dài hơn 1.000km, nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tới thủ đô Viêng Chăn. Tàu được đưa vào hoạt động từ tháng 10-2021 sau 5 năm thi công. Tuyến chạy trong nội địa Lào dài hơn 400km, đi qua 6 nhà ga ở Viêng Chăn, Vang Vieng, Luang Prabang Muang Xai, Luang Namtha và Boten. Tàu chạy với vận tốc 160km/h nhưng rất êm và cách âm tốt dù chạy qua nhiều đoạn hầm đào xuyên rừng núi trùng điệp. Đoàn tàu được sơn 3 màu trắng, xanh và đỏ, tượng trưng cho quốc kỳ đất nước triệu voi.
Có 3 cách mua vé tuyến đường sắt cao tốc này: Nếu đặt vé trực tuyến, du khách phải đăng ký bằng số điện thoại Lào. Nhờ bạn bè hay khách sạn bên đó đặt mua giúp là cách thứ 2. Còn cách thứ 3 mà đa số khách nước ngoài hay dùng là mua vé trực tiếp tại nhà ga. Giá vé cố định, mỗi chặng có mức giá khác nhau. Ví dụ, ca sĩ Đoan Trường mua vé chặng Vang Viêng đi Luang Prabang dài 190km, di chuyển mất gần 1 tiếng, có giá 195 ngàn kíp Lào (khoảng 230 ngàn đồng Việt Nam).
Nhà ga Viêng Chăn
Chặng Luang Prabang quay về Viêng Chăn dài hơn 300km, giá vé là 393 ngàn kíp Lào (khoảng 464 ngàn đồng Việt Nam). Blogger du lịch Đoan Trường xúc động nhớ lại 10 năm trước anh phải đi xe khách bằng đường bộ mất từ 10 đến 15 tiếng do đi vòng tránh nhiều đồi núi và ghé các trạm dừng. Thế nhưng lần này anh và bạn bè chỉ mất chưa tới 2 tiếng. Người hướng dẫn viên Lào cho biết giá vé khá cao so với thu nhập người dân nên chuyến tàu chuyên chở đa số khách du lịch Hàn Quốc, Nga, Nhật, Việt Nam, Trung Quốc.
Vé tàu được sử dụng dưới dạng điện tử hoặc giấy in. Khi đến nhà ga, mọi người xuất trình vé và hộ chiếu, bị kiểm tra an ninh và soi chiếu tương tự như ở sân bay nhưng chưa đến 5 phút mỗi người. Nhân viên trên tàu có thể kiểm tra giấy tờ tùy thân.
2.Đường sắt cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 1 đường sắt đơn khổ 1.435mm. Nhà ga rất sạch và đẹp, phòng chờ rộng rãi, đủ ghế ngồi cho khách, có phòng chờ cho hạng thương gia, nhà hàng, quầy lưu niệm. Mỗi ga được thiết kế riêng mang bản sắc văn hóa Lào.
Đoàn tàu khách gồm 9 toa, 1 đầu máy, 1 toa nhà hàng, 1 toa hạng thương gia, 1 toa hạng nhất, 5 toa phổ thông với tổng cộng 720 chỗ ngồi. Toa hạng thương gia và hạng nhất nằm ở phía đầu tàu, cửa vào luôn đóng trong quá trình di chuyển và sử dụng khóa điện tử, tách biệt với các toa khác. Ở các toa phổ thông có vòi nước uống nóng và lạnh, bồn rửa tay ngay bên ngoài và các phòng vệ sinh rất sạch sẽ.
Nội thất tàu còn rất mới, ghế ngồi có nệm bọc vải, được trang bị ổ cắm sạc dưới chân, lưng ghế có bàn ăn giống thiết kế trên máy bay. Khoang hành lý được đặt phía trên không có nắp đậy. Các loại túi xách có thể để trên đây hoặc dưới chân. Hành lý lớn hơn thì phải để ở khu vực đầu toa. Ngoài ra, trên tàu có toa ăn uống nhưng thực đơn không đa dạng. Mỗi toa đều có bảng điện tử hiển thị thời gian, vận tốc, thời tiết, ga đến kế tiếp bằng tiếng Lào, Trung và Anh.
Blogger Đoan Trường và đoàn du khách trên con tàu cao tốc 160 km/h
Các đoàn tàu đến và đi rất đúng giờ, chính xác từng phút như ở bảng thông báo và trên vé. Hành khách lên và xuống chỉ có khoảng 5 phút nên thường gây ra hiện tượng chen lấn. Khi kết thúc chuyến đi, qua cửa kiểm soát ra ngoài, du khách vẫn phải đưa lại vé cho nhân viên đối chiếu và quét mã một lần nữa.
Thêm một tin vui nữa là bắt đầu tháng 2-2024, Việt Nam sẽ có đường bay thẳng từ TP.HCM đi Viêng Chăn 4 chuyến/tuần, rút ngắn thời gian bay xuống còn 1 giờ 30 phút thay vì mất 3 giờ 30 phút như hiện tại bằng máy bay cánh quạt Lao Airlines. |
Nhà ga đẹp nhất Luang Prabang có 2 sân ga, 4 đường ray, sảnh chứa 1.200 hành khách. Mái nhà ga cách điệu hình ảnh một con chim đang tung cánh bay lên bầu trời. Tại các sân ga luôn có nhiều xe tuk tuk đưa đón hành khách vào trung tâm thành phố chỉ với giá 50 ngàn kíp Lào/ 1 người (khoảng 60 ngàn đồng Việt Nam) rất thuận tiện, mất khoảng 15 phút.
3.Nhìn lại chuyến đi, blogger Đoan Trường cho rằng trải nghiệm tàu cao tốc là một điểm sáng của du lịch Lào. Từ thiết kế đến quy trình vận hành không thua kém hệ thống tàu cao tốc ở các nước phát triển. Tuyến đường sắt xuyên Lào là một phần trong “Sáng kiến vành đai và con đường” của Trung Quốc với mong muốn kết nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tới tận Singapore trên tuyến đường sắt xuyên Á dài 5.500km đi qua Lào, Thái Lan, Malaysia. Hiện tại, tuyến xuyên Lào có rút ngắn thời gian đi từ Viêng Chăn tới biên giới Trung Quốc từ 48 tiếng xuống còn 3 tiếng. Ban ngày, tàu được sử dụng vận tải hành khách còn ban đêm, tàu vận chuyển hàng hóa.
Sau 10 năm quay trở lại đất nước triệu voi, blogger Đoan Trường nhận thấy Lào đang phát triển nền công nghiệp không khói một cách mạnh mẽ, nhanh chóng nhưng có bài bản chứ không thương mại hóa các dịch vụ du lịch, vẫn gìn giữ và bảo tồn các danh lam thắng cảnh. Giá vé vào tham quan các di tích và tàu cao tốc cho người Lào và khách nước ngoài là ngang nhau. Đường phố không bị kẹt xe, không có tiếng còi xe, nhịp sống chậm rãi và yên tĩnh.
Đoàn Phước Trường
Bình luận (0)